Hợp tác tiểu vùng vì một ASEAN mạnh mẽ hơn, gắn kết hơn

Trang Trần| 02/12/2021 15:23

Trong hành trình hội nhập khu vực ASEAN, hợp tác tiểu vùng là chìa khóa thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ cho toàn khu vực.

Tiểu vùng
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao của ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững diễn ra ngày 30/11. (Ảnh: Tuấn Anh)

Với đặc trưng phát triển đa dạng, ASEAN đang nắm trong tay những đô thị quy mô lớn, năng động hàng đầu khu vực và những vùng, miền còn ẩn chứa nhiều tiềm năng. Đáng chú ý, phần lớn trong đó đều nằm ở các giao điểm quan trọng của khu vực, nơi các quốc gia cùng chia sẻ những nguồn sinh kế tự nhiên to lớn như dòng sông Mekong, đảo Borneo hay Eo biển Malacca.

Từ nhiều thập niên qua, ASEAN và các nước thành viên luôn chú trọng vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển với việc thúc đẩy triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN.

Bởi lẽ đó, các nước trong khu vực có vị trí địa lý gần gũi, văn hóa giàu bản sắc, điều kiện tự nhiên tương đồng đã hình thành các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng như Hợp tác Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN, Tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Thái Lan, Chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Ủy hội Mekong, Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam…

Ngày 30/11, Diễn đàn cấp cao của ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là Diễn đàn đầu tiên của ASEAN về chủ đề này, là sự tiếp nối các nỗ lực trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam về thúc đẩy hợp tác tiểu vùng trong khu vực.

Tiềm năng và vai trò to lớn

Đánh giá cao vai trò của hợp tác tiểu vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông qua các cơ chế này, với sự trợ giúp hiệu quả của các đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế, hợp tác tiểu vùng đã đạt những kết quả tích cực, hỗ trợ cho phát triển của mỗi quốc gia và cả khu vực.

Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và đảm bảo các vùng, miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi khẳng định, phát triển tiểu vùng là một yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập khu vực và triển khai các sáng kiến của ASEAN. Hợp tác tiểu vùng đặc biệt hiệu quả trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, thúc đẩy điều phối quốc tế và đóng vai trò như một cơ chế mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm trong ASEAN.

Theo Tổng thư ký ASEAN, các phương thức hợp tác tiểu vùng cung cấp cơ sở vững chắc, làm nền tảng cho một khu vực có khả năng chống chịu và bền vững. Sự hợp tác của các thành viên thông qua cơ chế này thể hiện quyết tâm trong việc thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN hòa nhập, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau bởi “ASEAN là một Cộng đồng dành cơ hội cho tất cả”.

Nhận định các tiểu vùng là một bộ phận cấu thành của Cộng đồng ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ ra rằng, trên con đường hội nhập khu vực ngày càng sâu rộng và xây dựng Cộng đồng lớn mạnh, thì sự phát triển trên toàn ASEAN, bao gồm cả ở các tiểu vùng khác nhau, ngày càng trở nên quan trọng.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tất cả những tiểu vùng đều nằm ở những vị trí địa chiến lược quan trọng trong toàn khu vực ASEAN, là nơi ASEAN nên phát huy vai trò trung tâm và tích cực của mình.

Tiềm năng phát triển rộng lớn ở các tiểu vùng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cần được khai thác triệt để. Hợp tác hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển ở các tiểu vùng và kết nối sự phát triển của tiểu vùng với quá trình phát triển chung của ASEAN sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ hội nhập khu vực và sớm đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, sự phát triển của tiểu vùng và khu vực phải được gắn kết chặt chẽ với nhau vì tính chất bổ trợ cho nhau.

Hướng tới phục hồi hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã mở rộng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Đồng thời, khu vực cũng đang phải đối mặt với những thách thức nhiều mặt như đói nghèo, biến đổi khí hậu, đô thị hóa nhanh và nhiều thách thức phát triển khác. Chính vì vậy, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi nêu rõ, ASEAN đang đứng trước những nhiệm vụ quan trọng mà hợp tác tiểu vùng chính là giải pháp hiệu quả.

Thứ nhất, tăng cường ứng phó tập thể đối với đại dịch Covid-19, đặc biệt là trước sự xuất hiện của các biến thể mới.

Các nỗ lực phục hồi của ASEAN, được dẫn dắt bởi Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF), hướng tới xây dựng một khu vực hậu đại dịch mạnh mẽ và linh hoạt hơn thông qua năm chiến lược rộng lớn tập trung vào sức khỏe, an ninh con người, hội nhập kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững.

Cốt lõi của khuôn khổ này chính là người dân ASEAN, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương và các nhóm yếu thế làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Thứ hai, thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Số hóa có tiềm năng tạo ra cơ hội để tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, khoảng cách kết nối kỹ thuật số vẫn còn tồn tại giữa các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu vùng xa và miền núi.

Do đó, hợp tác tiểu vùng cần tăng gấp đôi nỗ lực để mở rộng và cải thiện chất lượng kết nối băng thông rộng tới các địa điểm biệt lập và các cộng đồng chưa được phục vụ để đạt được mục tiêu của một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện và không bỏ lại ai ở phía sau.

Thứ ba, thúc đẩy các chiến lược, mô hình và khuôn khổ kinh tế liên quan đến phát triển bền vững, thông qua thúc đẩy nền kinh tế xanh và tuần hoàn để hỗ trợ khả năng phục hồi lâu dài của ASEAN.

Khung kinh tế tuần hoàn ASEAN được thông qua gần đây đã cung cấp một lộ trình cho các quốc gia thành viên chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi ý chí chính trị, sự hỗ trợ, cũng như các chương trình giáo dục và xây dựng năng lực mạnh mẽ nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả và liên tục.

Nhiệm vụ của các quốc gia trong khu vực và tiểu vùng là chung tay hợp tác để nâng cao nhận thức, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để thúc đẩy tư duy bình đẳng giữa người dân ASEAN ở tất cả các cấp. Ngoài ra, hợp tác tiểu vùng cũng nên tận dụng những lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tiểu vùng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu quốc tế dự Diễn đàn cấp cao của ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững tại đầu cầu Hà Nội ngày 30/11. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ba ưu tiên cần thúc đẩy

Trước những nhiệm vụ phục hồi to lớn đặt ra, đoàn kết hợp tác và chung tay phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN là điều thiết yếu để đảm bảo tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Với những thách thức toàn cầu, ASEAN cần có cách tiếp cận toàn dân trong ứng phó, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng phát triển còn rộng mở ở các tiểu vùng, tạo điều kiện kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp và hợp tác công - tư.

Trong nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về “Thúc đẩy hợp tác tiểu vùng trong ASEAN, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững”, ADB đề cao vai trò của các hành lang kinh tế tiểu vùng trong tăng cường kết nối và liên kết kinh tế khu vực; gắn kết nhịp nhàng, hiệu quả giữa các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng cũng như với các kế hoạch phát triển chung của ASEAN, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi từ tác động của đại dịch Covid-19 và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030.

Trong hành trình đó, các chính phủ sẽ là người đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác cơ hội kinh doanh, đầu tư tại các tiểu vùng.

Để làm được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra ba ưu tiên cần thúc đẩy trong hợp tác tiểu vùng.

Một là, lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, làm mục tiêu và động lực cho phát triển.

Hai là, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế giúp nâng cao năng lực đảm bảo phát triển bền vững ở các tiểu vùng; đề nghị các nước ASEAN, các đối tác, nhất là các nước phát triển, các tổ chức khu vực, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp tích cực ủng hộ, giúp đỡ các nước đang phát triển ở các tiểu vùng về nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh… nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên, ứng phó hiệu quả các thách thức.

Ba là, tăng cường kết nối cả về hạ tầng, kinh tế và văn hóa để đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân và phát triển kinh tế ở các tiểu vùng.

Những định hướng quan trọng này sẽ giúp tận dụng và khai thác hiệu quả các tiềm năng hợp tác còn tiềm ẩn ở các tiểu vùng tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng tới một cộng đồng toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, tạo chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế, hội nhập và kết nối kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác tiểu vùng vì một ASEAN mạnh mẽ hơn, gắn kết hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO