Thông tin với phóng viên Dân trí, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm 2023, tỉnh này đã khôi phục hoạt động thông quan tại cửa khẩu Na Hình, hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Chi Ma, nâng tổng số cửa khẩu hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 6 cửa khẩu.
Lượng xe thông quan trung bình đạt khoảng 1.100-1.350 xe/ngày.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng mạnh so với năm 2022, ước thực hiện 4.780 triệu USD, đạt gần 126% kế hoạch, tăng hơn 56%.
Trong đó xuất khẩu đạt 2.730 triệu USD, đạt 210% kế hoạch, tăng gần 167%; nhập khẩu 2.050 triệu USD, đạt 82% kế hoạch, tăng 0,6%.
Đến 30/11, lũy kế tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn ước thực hiện đạt 46.716 triệu USD (xuất khẩu 18.234 triệu USD, nhập khẩu 28.482 triệu USD).
Thời gian qua, các hoạt động đối ngoại được tỉnh Lạng Sơn triển khai đúng định hướng, có trọng tâm, trọng điểm và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Lạng Sơn với Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2023 được tăng cường, thúc đẩy đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19.
Năm 2023 đã diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, gặp gỡ trực tiếp cấp cao giữa hai bên; phối hợp tổ chức thành công chương trình gặp gỡ đầu Xuân và Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban Công tác liên hợp năm 2023; tổ chức thành công các chương trình gặp gỡ trao đổi đoàn cấp Bí thư, Chủ tịch hai tỉnh.
Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ký 2 thỏa thuận hợp tác với Khu ủy Quảng Tây (Trung Quốc); UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký 2 thỏa thuận; các sở, ngành ký 7 thỏa thuận quốc tế.
Công tác quản lý biên giới, lãnh thổ được triển khai hiệu quả, tổ chức trên 30 đoàn công tác liên ngành hội đàm, giải quyết các vụ việc tại biên giới, xây dựng công trình biên giới và cửa khẩu.
Năm 2024, Lạng Sơn tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh.
Lạng Sơn cũng tăng cường hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để sớm thông quan lại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hơn nữa năng lực thông quan hàng hóa.
Tỉnh này cũng đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2030 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma, huyện Lộc Bình đến năm 2045; tăng cường công tác quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt.
Lạng Sơn tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; triển khai đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự kiến năm 2024, tỉnh Lạng Sơn tổ chức thực hiện dự án "Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc)" do quỹ đặc biệt Hợp tác Mê Công - Lan Thương viện trợ.
Tỉnh Lạng Sơn trình Thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và lối thông quan hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Đồng thời, Lạng Sơn cũng tăng cường trao đổi, hội đàm với Trung Quốc để thống nhất các chủ trương chung về hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.