Hợp tác địa phương: Nền tảng vững chắc cho quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản

Ngô Trịnh Hà| 29/11/2023 10:22

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển theo đúng “quỹ đạo”, cả về lượng và chất theo đúng tinh thần, ý nghĩa của mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng, nay được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Hợp tác địa phương: Nền tảng vững chắc cho quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản

Ông Ngô Trịnh Hà gặp và làm việc cùng Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Osaka (OCCI) Shingo Torii ngày 8/8/2023.

Về lượng, hai nước đã và đang hợp tác tích cực trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân.... Quan trọng hơn cả, về chất, nội dung hợp tác trong mọi lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện qua các hợp tác cụ thể, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và lợi ích cho cả hai bên. Đồng thời, thực thể tham gia hợp tác được mở rộng tới từng “tế bào” của xã hội hai nước, bao gồm từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương, từ tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể đến người dân hai nước.

Hợp tác địa phương giữa hai nước đang dần trở thành một trụ cột, là nhân tố quan trọng đóng góp vào quan hệ song phương này. Những năm qua, hợp tác địa phương đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước.

Đối với Việt Nam, hợp tác địa phương với Nhật Bản đã giúp Việt Nam phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới. Đối với Nhật Bản, hợp tác địa phương với Việt Nam đã giúp Nhật Bản mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka hiện phụ trách một phần khu vực Kansai. Đây là khu vực Trung Tây của đảo Honshu, gồm 7 tỉnh: Osaka, Hyogo, Nara, Kyoto, Wakayama, Shiga và Mie. Từ xưa, đây đã là khu vực phát triển năng động về kinh tế, chính trị, văn hóa của Nhật Bản với 2 cố đô là Nara và Kyoto.

Hiện nay, đây tiếp tục là khu vực kinh tế quan trọng của Nhật Bản. Cho đến nay, cùng với nỗ lực của địa phương hai nước, sự mở đường của các cơ quan đại diện, trong đó có Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, hai nước đã ký hơn 70 văn bản, trong đó tất cả các địa phương thuộc khu vực lãnh sự của Tổng Lãnh sự quán đều có những thỏa thuận hợp tác, điển hình như Osaka với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng…, Kyoto với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…, Hyogo với Đồng Nai, Bình Dương, Nara với Bình Định, Phú Yên…, Mie với Quảng Nam, Quảng Ngãi…, Shiga với Quảng Bình, Quảng Trị…, Wakayama với Phú Yên, Khánh Hòa....

Tổng Lãnh sự quán luôn tích cực, chủ động, đồng hành cùng các địa phương đưa ra những sáng kiến, đề xuất các hợp tác cụ thể để hai bên cùng triển khai, đạt những kết quả đáng khích lệ trong hợp tác giữa hai nước. Về đầu tư, tính đến nay, tổng vốn đầu tư của các tỉnh Kansai vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: sản xuất thiết bị máy móc, ô tô, thương mại và dịch vụ. Các tỉnh Kansai có nhiều tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ.

Hợp tác địa phương: Nền tảng vững chắc cho quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka Ngô Trịnh Hà tham dự Lễ tiễn tàu tuần tra Settsu thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển vùng 5, Nhật Bản lên đường thăm Việt Nam, tháng 1/2023.

Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản, như cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Về thương mại, theo hải quan Nhật Bản, tính riêng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang vùng Kansai tháng 10/2022 đạt 0,59 tỷ USD, tổng 10 tháng năm 2022 đạt 5,09 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Hàng xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu là các nhóm hàng: dệt may; phương tiện vận tải và máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; thủy sản; sản phẩm từ gỗ; hàng thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; giày dép... Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu các mặt hàng: máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; xăng dầu các loại; vải; kim loại thường... Về giáo dục đào tạo, các hoạt động hợp tác tập trung vào trao đổi giáo viên, học sinh; tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và tổ chức hội thảo, hội nghị về giáo dục.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, tính đến tháng 9/2022, hơn 15.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại các tỉnh Kansai, đông nhất ở tỉnh Osaka với hơn 8.000 người, tiếp đến là tỉnh Kyoto (hơn 3.000 học sinh) và tỉnh Hyogo (hơn 2.000 học sinh). Đây được kỳ vọng là nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ đóng góp tích cực vào quan hệ song phương trong tương lai. Hợp tác y tế cũng là điểm sáng trong thời gian gần đây. Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế, cung cấp thiết bị và đào tạo nhân viên y tế.

Ngược lại, lao động Việt Nam trong ngành điều dưỡng tại Nhật Bản đã phần nào góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong ngành này và thực tiễn xã hội dân số già của Nhật Bản. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến tháng 9/2022, khoảng 20.000 người Việt Nam làm việc trong ngành điều dưỡng tại Nhật Bản. Trong đó, khoảng 10.000 người đang làm việc tại khu vực Kansai.

Trong nửa đầu năm 2023, Tổng Lãnh sự quán đã thúc đẩy thành công việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng giữa đại học Đông Á của Đà Nẵng và tỉnh Osaka. Thời gian qua, các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được triển khai mạnh mẽ. Tổng Lãnh sự quán đã chủ trì tổ chức buổi Hòa nhạc hữu nghị Việt – Nhật với sự tham dự của 1.500 khách Việt Nam và Nhật Bản (tháng 4/2023), tổ chức Việt Nam Festival lần đầu tiên tại Osaka, thu hút hơn 100.000 lượt khách tham dự (tháng 6/2023) và trong tháng 7 hỗ trợ tỉnh Bắc Giang quảng bá quả vải thiều.

Thời gian tới, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa địa phương hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế; sẽ đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức hữu quan, đảm bảo triển khai thực chất, hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết với các địa phương của Nhật Bản cũng như nghiên cứu, đẩy mạnh để tìm ra các lĩnh vực hợp tác mới cả hai bên cùng quan tâm, có lợi. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, tôi hy vọng hợp tác địa phương giữa hai nươc sẽ góp phần hơn nữa vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung đồng thời tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác địa phương: Nền tảng vững chắc cho quan hệ chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO