Mùa tuyển sinh năm 2022, hệ thống trực tuyến chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận 620.477 thí sinh đăng ký với trên 3,1 triệu nguyện vọng xét tuyển vào hơn 300 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Sau 6 lần lọc ảo, Bộ GD&ĐT trả kết quả về cho các trường công bố với 567.018 em (trong đó 3.580 trúng tuyển cao đẳng sư phạm) trúng tuyển (tỷ lệ đạt 91,4%).
Tính đến 17h ngày 30/9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển.
Đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, các năm trước, hệ thống trực tuyển của Bộ chỉ xử lý các nguyện vọng xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn do các em còn chọn nhiều phương thức khác mà hệ thống không kiểm soát được. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ xác nhận nhập học các năm trước tối đa chỉ 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3%.
Năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT khẳng định kỳ tuyển sinh năm nay thành công, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch.
Vị đại diện nhấn mạnh, các đổi mới năm nay, thí sinh là những người được hưởng lợi nhất. Các em được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn của các trường công bố điểm sàn; được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển lớn nhất; không còn tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển từ nhiều trường mà thí sinh không đăng ký …
Mặt khác, các trường đại học cũng được bảo đảm cạnh tranh (và buộc phải cạnh tranh) bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, đồng nghĩa với việc các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu. Nhìn một cách logic, khi tỉ lệ trúng tuyển và tỉ lệ nhập học cao, tỉ lệ các trường tuyển được tốt cũng sẽ cao.
Qua đó, Bộ GD&ĐT cũng có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và minh bạch về tuyển sinh, nhập học của cả hệ thống để có thể phân tích phục vụ xây dựng, điều chỉnh chính sách, kiểm tra và giám sát tốt hơn.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hơn 90 trường tuyển bổ sung đợt 2
Với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nhưng chưa đúng như nguyện vọng, các em vẫn còn cơ hội khi nhiều trường đại học đã phát thông báo xét tuyển bổ sung.
Năm nay, nhiều đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe lần đầu tuyển bổ sung với số lượng lớn, từ vài chục đến hàng trăm chỉ tiêu như Đại học Y dược Hải Phòng, Điều dưỡng Nam Định, Y Dược Thái Nguyên, Y Dược Huế...
Gần 20 trường đại học khu vực phía Bắc như đại học Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Đại học Việt Đức, Học viện Ngân hàng, Đại học Công nghiệp Việt Hung,...
Hàng loạt các trường phía Nam cũng công bố xét tuyển bổ sung với mức điểm nhận hồ sơ từ 14 điểm. Trong đó, có nhiều trường đại học công lập lớn như Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Đại học Dầu khí Việt Nam, Đại học Kinh tế TP.HCM...