Hơn 80% bệnh nhân thoái hóa khớp phát hiện muộn

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 22/06/2022 16:50

Vì ngại điều trị, sợ phẫu thuật, tự ý chữa trị bằng các bài thuốc dân gian… nhiều người nhập viện điều trị thoái hóa khớp ở giai đoạn muộn, có thể dẫn đến tàn phế.

21.jpeg
Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân thái hóa khớp - Ảnh: BVCC

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, giai đoạn 2010 - 2020 được WHO lựa chọn là “Thập niên của xương khớp”. Các bệnh liên quan đến xương khớp cũng như cột sống là một trong 10 nguyên nhân gây tàn phế.

80% điều trị muộn

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, có đến hơn 80% trường hợp thoái hóa khớp đến điều trị trong giai đoạn muộn vì lý do ngại điều trị, sợ phẫu thuật, dẫn đến việc tự ý chữa trị bằng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, bệnh nhân B.N.N. (60 tuổi, ngụ An Giang), nhập viện trong tình trạng sưng nóng, đỏ đau khớp gối phải, kèm sốt cao, suy thận. Bà N. cho biết bị đau khớp gối từ cách đây 2 năm, dù đã đi chữa trị nhiều nơi, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như đắp lá, uống thuốc nam, châm cứu… nhưng bệnh tình không hết đau mà diễn biến ngày càng nặng.

Khi được người quen giới thiệu cho biện pháp chích khớp để cải thiện tình trạng bệnh, sau mũi chích đầu tiên hiệu quả giảm đau rõ rệt, bà quyết định chích tiếp mũi thứ 2.

Tuy nhiên, 2 ngày sau, khớp gối bắt đầu sưng to, nóng đỏ và đau dữ dội, không thể vận động chân đau và nhiễm trùng toàn thân, phải nằm liệt giường. Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm kèm thái hóa khớp gối, viêm mô tế bào toàn vùng mô mềm quanh gối, phải phẫu thuật nội soi khớp, cắt lọc mô viêm nhiễm.

Tương tự chị N.H. (40 tuổi, ngụ TP.HCM) bị đau lưng từ 6 tháng. Chị đến và được chẩn đoán đau lưng cơ năng. Bác sĩ hướng dẫn chị H. cần nghỉ ngơi, giảm ngồi lâu, chườm ấm lưng và sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, ngoài việc phải ngồi làm liên tục gần 8 giờ/ngày, chị H. cùng người bạn tập yoga với nhiều động tác cúi gập lưng, đồng thời sử dụng thuốc bán trên mạng. Sau một tuần tập luyện, tình trạng đau lưng của chị H. ngày càng tăng, đi lại khó khăn hơn, không thể cúi người, khó ngồi dậy sau khi nằm nghỉ. Trở lại bệnh viện, chị H. được bác sĩ chẩn đoán thoái hóa cấp tính.

nhan-biet-dau-khop-tay-o-nguoi-gia-va-cac-bien-phap-khac-phuc-1.jpeg
Dùng các thuốc nam chữa đau nhức khớp có thể dẫn đến tàn phế - Ảnh: Internet

Có thể hạn chế vận động

BS Luyện Trung Kiên – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho biết người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp, trong đó bệnh thoái hóa khớp là hay gặp nhất. Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp.

Đây là bệnh liên quan chặt chẽ với tuổi nghĩa là tuổi càng cao tổn thương thoái hóa càng nặng; bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh và tạo gánh nặng cho chi phí y tế. Khi bị thoái hóa khớp mà không phát hiện sớm để điều trị thì rất dễ dẫn đến tình trạng biến dạng khớp, làm hạn chế vận động, đôi khi làm cứng khớp.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ở người cao tuổi đó chủ yếu là do tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Ngoài ra còn có các yếu tố thuận lợi như: di truyền, tình trạng béo phì, có các vi chấn thương xảy ra thường xuyên ở khớp. Thoái hoá khớp còn có thể là hậu quả của các bệnh khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hoặc trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như: bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn thể thao…

Để phòng bệnh thoái hóa khớp, người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện…) tùy theo điều kiện của mỗi một người. Nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi… hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức.

Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp. Dinh dưỡng bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất (protein, calcium, vitamin D, vitamin nhóm B …) là rất cần thiết.

Ngoài các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc hiện nay còn có các thuốc phòng và chữa thoái hóa khớp hiệu quả như glucosamine sulfate, chondroitin sulfate, diacerin, piascledine, …

Trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp bệnh nhân đau nhiều cần phải dùng các biện pháp giảm đau, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, có bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp để được kê đơn thuốc giảm đau đúng chỉ định hoặc tiêm chống viêm nội khớp, tránh việc dùng các thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc và lạm dụng thuốc giảm đau.

Bác sĩ Hoàng Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – cho biết khi sử dụng các bài thuốc chữa khớp dân gian đa số có thành phần corticoid với hàm lượng rất cao, có thể giúp giảm đau hiệu quả nhưng dùng nhiều sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho thận, tim mạch, dạ dày. Hơn nữa, việc đắp thuốc trên da có thể gây phỏng và nhiễm trùng da. Nhiễm trùng da lan sâu sẽ gây ra nhiễm trùng khớp và nhiễm trùng máu, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Anh Tuấn cho rằng, điều trị thoái hóa khớp có hiệu quả nhất là ở thời điểm chẩn đoán. Vì vậy, nếu xuất hiện những triệu chứng đau khớp, cứng khớp buổi sáng, đau khi đi lên cầu thang, khi ngồi xổm hoặc khi mang vác nặng… kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, điều trị sớm, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cũng như tránh nguy cơ phẫu thuật.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hơn 80% bệnh nhân thoái hóa khớp phát hiện muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO