Ngồi chờ lấy máu xét nghiệm tại một trung tâm y tế ở quận 3, cô Lý Thị Sáu (73 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) nhẹ nhàng kể: “Chị gái tôi là liệt sĩ Lý Thị Thanh Dũng. Chị trốn nhà đi bộ đội khi mới 19 tuổi, hồi đó tôi còn rất nhỏ, chỉ nhớ mẹ nhiều lần đi tìm nhưng không được. Sau giải phóng 1975, chờ mãi không thấy chị về, rồi gia đình nhận được giấy báo tử mới biết chị đã hy sinh năm 1966”.
Theo lời người báo tin năm đó, chị gái bà Sáu làm công tác hậu cần, hy sinh tại khu vực chân đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng. Bà Sáu từng nhiều lần nhờ các nhà ngoại cảm đi tìm mộ chị nhưng đều không có kết quả, cuối cùng bà đành rước hương linh của chị và một đồng đội khác về thờ chung, lấy ngày giỗ là 27/7.
Khi biết tin Công an TPHCM phối hợp cùng các cơ quan chức năng tố chức xét nghiệm gen cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định, bà đã có mặt tại trung tâm y tế từ sáng sớm ngày 26/7.
Cũng như bà Sáu, khi được tin cung cấp mẫu gen để tìm liệt sĩ, ông Nguyễn Trường Sơn (76 tuổi, ngụ quận 1) mang theo cả ảnh, giấy báo tử của người anh trai Nguyễn Sỹ Lĩnh đến nơi làm xét nghiệm.
Người anh của ông nhập ngũ năm 1964 khi mới 17 tuổi. 4 năm sau, ông Lĩnh hy sinh nhưng phải sau ngày giải phóng miền Nam, gia đình mới nhận được giấy báo tử, thông tin chỉ ghi chung chung “hy sinh ở mặt trận phía Nam”.
Tìm kiếm thông tin từ đồng đội cũ, gia đình cũng chỉ xác định được khu vực chôn cất ông Lĩnh ở An Nhơn, Bình Định. Hàng chục năm qua, gia đình ông Sơn đã thực hiện nhiều chuyến đi tìm mộ nhưng đều không có kết quả. Cách đây 3 năm, trước khi mẹ ông mất, bà vẫn đau đáu nỗi đau chưa tìm được hài cốt con trai mình.
Cầm trong tay tấm thẻ “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” được cấp từ năm 1982, ông Nguyễn Văn Tráo (ngụ huyện Hóc Môn) nhớ lại: “Khi anh trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Kích đi bộ đội, tôi mới 11, 12 tuổi, gần như không còn nhớ gì về anh. Chỉ nhớ khoảng năm 1968, có một ngày thấy má khóc rất nhiều nhưng chỉ im lặng, sau này bà mới nói, hôm đó có người báo tin anh trai tôi hy sinh”.
Lớn lên, ông Tráo cũng đi bộ đội, chiến đấu ở nước bạn Campuchia suốt 5 năm. Xuất ngũ về nhà, ông cùng mẹ nhiều lần muốn đi tìm mộ anh nhưng đành bất lực vì người đưa tin và đồng đội cũ không còn một ai, chỉ áng chừng khu vực chôn cất ở đâu đó gần Đồng Xoài, Bình Phước.
Cùng với bà Sáu, ông Tráo, ông Sơn, hơn 40 thân nhân của các liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại TPHCM đã cùng có mặt để xét nghiệm gen trong ngày 26/7 với hy vọng sẽ tìm được hài cốt người thân của mình.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM cho biết, việc lấy mẫu gen cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước chuẩn bị đầu tiên cho lộ trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ theo Đề án 06 của Chính phủ.
Mẫu ADN của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân sẽ được giám định, lưu trữ trong "ngân hàng gen" vừa được ra mắt ngày 23/7. Ngân hàng do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Công an đề xuất xây dựng trong bối cảnh cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, "ngân hàng gen" nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN cho khoảng 20.000 mẫu, phấn đấu xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.
“Những ngày qua, chúng tôi đang phải "chạy thật nhanh” để thu thập mẫu gen của thân nhân liệt sĩ, bởi ngoài trách nhiệm còn là mệnh lệnh từ trái tim. Chúng tôi tin tưởng rằng, một ngày không xa có thể xác định được danh tính các liệt sĩ, đưa các anh chị trở về với người thân” - Thượng tá Hồ Thị Lãnh chia sẻ.