Cá voi là loài động vật có vú, đã tiến hóa để mất đi các thuộc tính phù hợp cho sự sinh tồn trên đất liền, và thay thế bằng các cơ chế thích nghi với cuộc sống dưới nước.
Tuy nhiên mới đây, 34 con cá voi thuộc chi Cá voi hoa tiêu (Globicephala) đã được tìm thấy trong một vụ mắc cạn hàng loạt đầy bí ẩn tại bãi biển Farewell Spit thuộc đảo Nam (New Zealand), đơn vị bảo tồn động vật hoang dã địa phương cho biết. 29 trong số đó đã chết khi họ đến nơi, vào tối ngày 17/3.
Được biết, khu vực này cũng đã chứng kiến hơn 10 vụ cá voi mắc cạn diễn ra tại bãi biển trong 15 năm qua, AFP đưa tin.
Hiện, 5 con cá voi còn sống sót vẫn đang đấu tranh để duy trì sự sống. Lực lượng bảo tồn đã tận dụng nước triều lên để giúp các con vật lấy lại sự tỉnh táo. Sau đó, họ sẽ sử dụng các tấm bạt không thấm nước để đưa cá voi tới vùng nước sâu, cho phép chúng định hướng trở lại khi bơi.
Hiện tượng cá voi mắc cạn hàng loạt vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học vẫn trong việc tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Điều đáng lo ngại là những trường hợp tương tự ngày càng có dấu hiệu gia tăng, với nạn nhân chủ yếu là cá voi, cá heo.
Một giả thuyết cho rằng khả năng định vị bằng tiếng vang của cá voi và cá heo có thể không hoạt động tốt ở vùng nước nông, gần bờ và điều này khiến chúng mất phương hướng, kết hợp với hiện tượng triều rút, dẫn tới mắc cạn.
Người ta cũng cho rằng, khi một thành viên trong nhóm mắc kẹt, các thành viên khác sẽ cố gắng theo sau để giải cứu cho nó. Nỗ lực này khiến cá voi, cá heo thường mắc cạn theo bầy.
Điều này đã giải thích cho trường hợp của những con cá voi bị mắc cạn, khi chúng thường được tìm thấy trong tình trạng tồi tệ, có dấu hiệu căng thẳng cao và nhiều khả năng sẽ không thể sống sót.