Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13: Kết quả nổi bật cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức

Quang Hiếu| 25/11/2021 09:11

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 vừa diễn ra đã thu được những kết quả nổi bật cả về nội dung lẫn khâu tổ chức.

Hội thảo Biển Đông lần thứ 13: Kết quả nổi bật cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Nhân dịp Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" do Học viện Ngoại giao (DAV) tổ chức vừa diễn ra, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, đã chia sẻ về kết quả và những nội dung thảo luận nổi bật tại Hội thảo.

Thưa Tiến sĩ, xin ông đánh giá những kết quả nổi bật của Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13?

Với tư cách là một chuyên gia về biên giới, lãnh thổ quốc gia, người đã trực tiếp tham gia hoặc thường xuyên theo dõi các cuộc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, do Học viện Ngoại giao Việt Nam chủ trì tổ chức, từ hội thảo lần thứ nhất năm 2009, cho đến hội thảo lần thứ 13 năm nay, tôi cho rằng sự kiện vừa diễn ra từ ngày 18-19/11 đã thu được những kết quả nổi bật cả về nội dung lẫn khâu tổ chức.

Những chủ đề được thảo luận trong 8 phiên họp là những vấn đề hiện đang được dư luận và các tầng lớp trong cộng đồng khu vưc và quốc tế hết sức quan tâm, với những phân tích, nhận định khác nhau, đặc biệt là những nguyên nhân đã và đang gây nên tình trạng tranh chấp, bất ổn trong Biển Đông.

Thứ nhất, các chuyên gia nhận định rằng, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những bất ổn khó lường do hậu quả của đại dịch và cạnh tranh nước lớn, thời gian qua, tình hình Biển Đông và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sự gia tăng của hành vi đơn phương trên biển, xu hướng quân sự hóa, sử dụng các lực lượng bán quân sự, xu hướng tập hợp lực lượng trong khu vực (QUAD, AUKUS) và sự chuyển hướng chiến lược của các nước và tổ chức quốc tế về khu vưc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương...

Nhiều ý kiến đánh giá cạnh trạnh Mỹ-Trung không chỉ tác động tới chính sách của hai nước lớn mà còn có những hệ luỵ nhất định tới các quốc gia trong khu vực.

Cuộc cạnh tranh này đang diễn ra phức tạp trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, công nghệ và ngoại giao, nhưng khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới do sự tùy thuộc chặt chẽ giữa các quốc gia và nhu cầu chung về phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong bối cảnh đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh tới vai trò của ASEAN. Theo đó, ASEAN phải tiếp tục định hướng chính sách rõ ràng để tăng cường lòng tin trong nội khối, cũng như khẳng định vai trò trung tâm trong xử lý quan hệ với các nước lớn, quản lý khủng hoảng và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Khi bàn về tình hình Biển Đông trong bối cảnh quốc tế mới, các chuyên gia chú ý nhiều tới cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng những mục tiêu mà hai nước đặt ra để tranh giành ảnh hưởng tại Biển Đông, tại Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.

Mặc dù còn ý kiến khác nhau, nhưng tựu trung đã gặp nhau ở điểm cho rằng trong thời gian tới, Biển Đông "nóng" hay "lạnh" sẽ phụ thuộc rất nhiều vào "nhiệt độ" của mối quan hệ đối đầu chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc.

Có thể thấy các chuyên gia dự Hội thảo đã đi đúng và trúng vấn đề, tìm ra được gốc rễ của các loại tranh chấp ở Biển Đông hiện nay là gì. Tranh chấp địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự tại khu vực này trong tính toán của các cường quốc là nguyên nhân quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định làm cho tình hình Biển Đông có thể có những biến động phức tạp, khó lường...

Vì vậy, các nước trong khu vực cần phải theo dõi, nắm chắc các thông tin, diễn biến để kịp thời phân tích đánh giá kỹ hơn, sâu hơn về những tác động của cuộc cạnh tranh đối đầu này đối với tình hình Biển Đông…

Thứ hai, những yêu sách chồng lấn về ranh giới biển, thềm lục địa giữa các quốc gia xung quanh Biển Đông do có sự giải thích và áp dụng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 còn khác nhau, thậm chí có yêu sách vượt ra ngoài quy định.

Các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trật tự trên Biển Đông dựa theo luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Các đại biểu cũng đặc biệt chú trọng đến phương pháp xác lập hệ thống đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển, các quốc gia quần đảo và các thực thể địa lý thuộc các quần đảo ở giữa Biển Đông.

Theo đó, ngoài các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia lục đia, quốc gia quần đảo và vùng lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý xung quanh các thực thể địa lý, là các đảo theo đúng định nghĩa tại Điều 121 UNCLOS 1982, ở giữa Biển Đông, còn có Biển Cả (High Sea) và Vùng (Area), là di sản chung của nhân loại mà mọi quốc gia, có biển hay không có biển, ở trong khu vực và ngoài khu vực, ngoài quyền được tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông, còn có quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định của UNCLOS 1982.

Tuy nhiên, tại hội thảo, có học giả Trung Quốc cho rằng, UNCLOS 1982 còn một số điều khoản chưa được chi tiết, cụ thể, thậm chí còn "mơ hồ" nên đã bị các nước khác lợi dụng, đưa ra yêu sách vô lý.

Ngay sau ý kiến này, nhiều chuyên gia đã có những bình luận đáp lại, cho rằng mặc dù UNCLOS 1982 còn một số quy định cần được cụ thể hóa hơn, nhưng Công ước này vẫn được coi là "hiến chương xanh" của nhân loại, là hành lang pháp lý quan trọng để mỗi quốc gia ven biển xác định được phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, cùng nhau giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp được tạo ra do việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982.

Vì vậy, các chuyên gia tham dự hội thảo kêu gọi cần phải chung sức để bảo vệ UNCLOS 1982 và tiếp tục tìm giải pháp cụ thể hơn, nhất là những điều khoản có thể bị lợi dụng để cố ý diễn giải sai và theo hướng có lợi cho một bên nào đó.

Nhiều học giả khẳng định vai trò của Phán quyết của Tòa Trọng tài tại vụ kiện Biển Đông năm 2016 trong việc thu hẹp tranh chấp tại Biển Đông và làm rõ cơ sở pháp lý đối với một số vấn đề tại Biển Đông như hoạt động dầu khí, xác định đường cơ sở đối với các thực thể địa lý trong Biển Đông và việc đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải tại khu vực…

Từ góc độ lịch sử, các chuyên gia Trung Quốc, Anh, Pháp và Việt Nam đã thảo luận một cách thẳng thắn và thực chất về giá trị pháp lý của các tư liệu, bản đồ, hiện vật… trong việc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các học giả đều cho rằng, dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, không phải bất kỳ một sự kiện lịch sử nào cũng đều có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chủ quyền.

Các chuyên gia cũng đã điểm qua và phân tích đánh giá về một số sự kiện lịch sử thường được các bên tranh chấp nêu ra để bảo vệ cho lập trường của mình.

Theo đó, đa số học giả cho rằng “chủ quyền lịch sử”, theo quan điểm của Trung Quốc, không phải là nguyên tắc pháp lý hiện hành, có giá trị để chứng minh và bảo vệ quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những nội dung các học giả đóng góp tại hội thảo có thực sự đem lại triển vọng mở ra “một tương lai tươi sáng hơn” trong xử lý các vấn đề Biển Đông như chủ đề mà sự kiện năm nay đề ra?

Những nội dung tại hội thảo đã được các học giả tham gia thảo luận sôi nổi trong 2 ngày, với 8 phiên họp. Có thể nói, ban tổ chức lần này đã thành công khi lựa chọn chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”.

Bởi vì, chỉ với chủ đề này, người ta cũng có thể nhận ra được tinh thần cầu thị trong việc định hướng nghiên cứu, thảo luận trong tương lai. Đó là, nhất thiết phải dựa vào các thành quả đã được tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc cả về mặt lý thuyết, lẫn thực tiễn trong một giai đoạn kéo dài trên 10 năm kể từ năm 2009.

Có thể coi hội thảo lần này là hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm của một giai đoạn nghiên cứu khoa học về Biển Đông, thông qua 13 cuộc hội thảo quốc tế, để từ đó có thể tiếp tục duy trì diễn đàn khoa học mang tầm vóc khu vực và quốc tế này trong thời gian tới.

Vì vậy, tôi hy vọng “một tương lai tươi sáng hơn” không phải chỉ là môt khẩu hiệu, một quyết tâm chung chung mà sẽ trở thành hiện thực, với sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, thông qua các hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, do Học viện Ngoại giao chủ trì tổ chức, sẽ tiếp tục được diễn ra theo những hình thức mới, chuyên sâu và thực chất hơn.

5678
Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" diễn ra ngày 18-19/11. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong các nội dung trao đổi tại Hội thảo, những vấn đề nào được thảo luận sôi nổi nhất?

Những vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất là nội dung có liên quan đến bối cảnh chính trị quốc tế, khu vực và nội dung pháp lý, lịch sử có liên quan đến thực trạng tranh chấp, bất đồng đã và đang diễn ra trên Biển Đông.

Những vấn đề này có lẽ còn cần phải được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, thảo luận kỹ hơn, cởi mở, thẳng thắn và thực chất hơn trong tương lai.

Chương trình Hội thảo năm nay, ngoài 8 phiên chính thức, còn có 3 phiên dành cho các bạn trẻ chia sẻ quan điểm, đóng góp tiếng nói về vấn đề Biển Đông. Ông có đánh giá gì về sự thể hiện của các bạn trẻ tại sự kiện khoa học lớn và uy tín về Biển Đông này?

Đây là một trong những nét nổi bật về hình thức tổ chức các cuộc hội thảo gần đây. Đặc biệt tại sự kiện năm nay, Ban tổ chức đã dành 3 phiên để các bạn trẻ chia sẻ quan điểm, đóng góp tiếng nói về vấn đề Biển Đông. Tôi đánh giá rất cao về hình thức tổ chức này.

Theo tôi, thế hệ trẻ chính là lực lượng chủ yếu, đảm đương sứ mệnh bảo vệ các quyền hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, giữ cho Biển Đông được hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế.

Trong các phiên này, các bạn trẻ đã thể hiện được tài năng và nhiệt huyết của mình. Tất nhiên, các bậc tiền bối còn cần phải có trách nhiệm giúp đỡ, truyền đạt thêm kinh nghiệm và tạo mọi cơ hội để thể hệ trẻ nhanh chóng kế tục sự nghiệp vẻ vang của mình.

Vì mục đích của các cuộc hội thảo là trao đổi nghiên cứu khoa học, khách quan các vần đề lý thuyết lẫn thực tiễn, cho nên, ngoài các phiên dành cho các bạn trẻ, có lẽ nên tiếp tục duy trì và phát huy công tác truyền thông mà tại hội thảo lần này đã thấy xuất hiện những nhân tố mới rất ấn tượng và hiệu quả, như tổ chức các buổi bình luận sau những phiên thảo luận; mở cửa cho các phóng viên báo chí trong và ngoài nước được tiếp cận thông tin, kịp thời đưa tin về hội thảo…

Thiết nghĩ cần tiếp tục duy trì các hoạt động này, như là một phần không thể thiếu của các hội thảo trong tương lai!

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-ve-bien-dong-lan-thu-13-ket-qua-noi-bat-ca-ve-noi-dung-lan-hinh-thuc-to-chuc-165809.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-ve-bien-dong-lan-thu-13-ket-qua-noi-bat-ca-ve-noi-dung-lan-hinh-thuc-to-chuc-165809.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13: Kết quả nổi bật cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO