Đây đang là một xu hướng mới của nhạc Việt. Mặc dù là người đến sau nhưng có vẻ như các ca sĩ Việt không học được gì nhiều từ các đồng nghiệp đi trước của thế giới.
Đố em biết anh đang nghĩ gì?
Ba bộ phim tài liệu dài hơn 90 phút của Hồ Ngọc Hà, Đen Vâu và Sơn Tùng M-TP hiện đều đã lên Netflix (một ứng dụng xem phim có trả phí phổ biến nhất hiện nay). Chúng đều làm về những sản phẩm âm nhạc cụ thể của họ: với Hồ Ngọc Hà là dự án “Love Songs”, với Đen Vâu là “Show của Đen” và với Sơn Tùng M-TP là “Sky Tour” nên đương nhiên chưa thể gọi là phim tiểu sử. Điều đáng nói là những ca sĩ này đều có cách làm phim tài liệu khá giống nhau: lạm dụng thoại của nhân vật, không thiếu lời khen và tự khen, trong khi phần âm nhạc phải nói là lép vế.
Đen Vâu trong phim “Show của Đen”.
Mở đầu “Sky Tour”, Sơn Tùng M-TP xuất hiện như một ông vua không ngai trên một chiếc ô tô địa hình lao thẳng ra giữa sân khấu giải thích dài dòng rằng: đáng lý ra chương trình này phải xuất hiện từ khá lâu rồi nhưng vì anh quá cầu toàn, mong muốn khi món quà này được mở thì thì nó phải là tuyệt vời nhất, người xem đang trong tâm thế nín thở chờ sự tuyệt vời ấy xuất hiện, kiểu ít nhất cũng phải là một chấn động nho nhỏ như SuSan Boyle lần đầu cất giọng “I have a dream” trong chương trình”Britain’s Got Talent” lần nào, nhưng đáng tiếc, sau gần năm phút tiền hô hậu ủng, giọng ca của Sơn Tùng gần như chìm lút giữa khói sương mờ mịt trên sân khấu. Chẳng có sự “vỡ òa” nào ở đây. Có thể vì phần âm thanh được xử lý không tốt, có thể vì giọng Sơn Tùng hát live “cũng chỉ đến thế”, nếu không phải là hiệu ứng ngôi sao, người ta rất khó mà trầm trồ trước âm nhạc của giọng ca quê Thái Bình này.
Hay là bộ phim đậm chất ngôn tình “Rồi một ngày Hà sẽ nói về tình yêu” của Hồ Ngọc Hà, nếu không phải fan của nữ ca sĩ, việc bị phần âm nhạc trong phim chinh phục gần như là bất khả thi. Sự “không có gì đặc sắc” trong giọng của Hồ Ngọc Hà nhiều người đã nói, nhưng người được gọi là “nữ hoàng giải trí” lại rất biết cách để kể câu chuyện của mình (tất nhiên không phải bằng âm nhạc). Tình yêu của cô và Kim Lý được tái hiện khéo léo với kha khá thông tin “lần đầu tiết lộ”, bao gồm cả khoảnh khắc Hồ Ngọc Hà vào phòng sinh. Nếu tò mò về đời tư của nữ ca sĩ, đây là bộ phim có thể giải đáp (gần hết) các câu hỏi của khán giả. Tuy nhiên, việc Hà Hồ chiếm sóng tự biện quá nhiều khiến người xem luôn thường trực cảm giác, cô đang cố gắng trình bày bản thân. Tất nhiên, như Hà nói: cô có lượng khán giả riêng mà ở đó hết thời hay còn thời không quan trọng. Ngay cả khi Hồ Ngọc Hà làm phim chỉ để hướng tới fan của cô, thì đó cũng đã là một lực lượng khổng lồ.
Người bình tĩnh nhất (cho đến thời điểm này) khi làm phim về mình có lẽ là Đen Vâu. Trong những thước quay mở đầu, Đen xuất hiện trên sân khấu hàng vạn người và liên tục quay Đông Tây Nam Bắc mà hỏi “bên này có nghe thấy nhịp beat không” khiến khán giả không ngừng phấn khích cổ vũ. Tất nhiên, chỉ vài ba phút sau chính Đen cũng lại mắc lỗi giải thích, trong khi nếu cắt phần này đi, nội dung phim cũng không hề bị ảnh hưởng. Anh nói rằng: “Đen muốn mọi người quên hết mọi thứ và chỉ chìm đắm vào âm nhạc thôi”, song thú thực, nếu không phải fan của Đen, khán giả bình thường thật khó mà kiên nhẫn ngồi hơn 90 phút xem cho hết bộ phim khi mà ánh đèn pha cỡ lớn trên sàn diễn liên tục chiếu ngược lại gây nhức mắt, và những câu rap quanh đi quẩn lại kiểu “đố em biết anh đang nghĩ gì”. Kỹ thuật quay, dựng phim, âm thanh và cả nghệ thuật tự giới thiệu của các nhân vật chính là những điểm trừ khiến cho những sản phẩm phim ảnh này rất khó để tồn tại độc lập.
Sự lạm xưng và những nhầm tưởng
Vừa mới đây, Đàm Vĩnh Hưng công bố dự án điện ảnh “The King - Hào quang rực rỡ” khiến dư luận một phen xáo xào vì đây là lần đầu tiên một nghệ sĩ đương thời tại Việt Nam sản xuất một tác phẩm điện ảnh về sự nghiệp của mình. Sau khi bị phản ứng dữ dội, Mr. Đàm đã chủ động bỏ chữ “The King” (Vua) trong tiêu đề phim, song điều đó vẫn làm nhiều người nghi ngại về chất lượng của sản phẩm.
Hãy nhớ lại thời điểm trao giải Oscar 2023, trong số 10 bộ phim đề cử “phim hay nhất” có “Elvis” – bộ phim tiểu sử về “ông hoàng nhạc rock and roll” Elvis Presley. Trước đó nữa là “Quý bà hát nhạc blue” (Lady Sings The Blues) Billy Hollyday. Tất nhiên, cả Elvis và Billy đều là “vua” và “nữ hoàng” trong lĩnh vực của mình một cách không thể nghi ngờ, song, cả hai bộ phim đều không có bất cứ một danh xưng hay câu chuyện ngoa ngôn theo kiểu đó. Bên dưới vương miện “ông hoàng”, Elvis oằn mình gánh chịu mặt trái của hào quang và sức ép của sự nổi tiếng. Billy đi ra từ một nhà thổ, cuối cùng chết đau đớn và cô đơn trên giường bệnh. Tài năng và cống hiến của họ đều đã được kiểm chứng bằng thời gian, và bằng cách này hay cách khác nó vượt qua cả mọi giới hạn về địa lý lẫn đặc thù của thời đại. Không có bộ phim nào được làm ra chỉ dựa vào cột mốc ba, năm, hay thậm chí mười năm.
Sự dễ dãi của khán giả Việt phần nào khiến những “king” và “queen” tự phong bị nhầm tưởng. Đây không phải là trường hợp cá biệt của Đàm Vĩnh Hưng hay Hồ Ngọc Hà. Năm ngoái, khi cuốn tự truyện “Chạm” của Ưng Hoàng Phúc ra đời, một số người đọc đã khá sốc khi cây viết được cho là “nổi tiếng cõi mạng” Liêu Hà Trinh dễ dàng gọi anh là “vì tinh tú” và gọi những ca khúc như “Hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều” là “ca khúc bất hủ”. Tình trạng lạm xưng này đã trở nên phổ biến đến nỗi người ta không còn đủ sáng suốt và bình tĩnh để tự hỏi: nếu những “Thà rằng như thế” được gọi là bất hủ, vậy ta sẽ lấy tính từ gì để gọi những bất hủ thực sự?
Sơn Tùng M – TP xuất hiện hoành tráng trong “Sky-tour” nhưng giọng hát gần như bị chìm lấp
“Một trong những điều tôi rất phản cảm ở những bộ phim tiểu sử của nghệ sĩ Việt là họ không biết tự giới hạn. Họ cho tất cả mọi thứ vào bộ phim, chuyện hậu trường, chuyện đời tư... dường như muốn dùng những cái đó để khỏa lấp sự yếu kém về mặt âm nhạc. Cả Đen, Hà Hồ và Sơn Tùng đều giải thích quá nhiều. Trong khi, âm nhạc đâu cần phải giải thích. Nó là ngôn ngữ phi biên giới cơ mà. Hãy nhớ đến bộ phim về Roger Waters, thủ lĩnh của ban nhạc Pink Floyd. Roger gần như không nói gì về mình, cũng không giải thích tất cả mọi hành động, lựa chọn của ông ấy. Nhưng bằng âm nhạc của Pink, người xem lại có thể hiểu tất cả, bất chấp khác biệt ngôn ngữ. Trong phim có những đoạn rất xúc động, khi Roger Waters mang kèn đến nghĩa trang tưởng niệm chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông không có bất cứ một rào đón gì, chỉ lôi kèn trumpet ra thổi một cách rất tự nhiên. Cách thức này còn trở lại nhiều lần nữa. Rồi một bộ phim khác cũng của Pink Floyd, khi nói về những nuối tiếc dành cho thủ lĩnh đầu tiên của ban: Syd Barrett, người ta đâu có kể lể than khóc, chỉ vài nốt guitar của David Gilmour và ca khúc “Shine on yoy czary diamond” (Rực sáng lên viên kim cương điên cuồng kia) là đủ khiến người xem rơi nước mắt”, nhà sản xuất âm nhạc Trần Dương chia sẻ.
Về phía fan hâm mộ của các nghệ sĩ, họ hầu như không có đòi hỏi gì nhiều với những sản phẩm cộng sinh từ phía thần tượng.
“Làm phim về show là xu hướng được rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới hiện nay theo đuổi, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm âm nhạc. Các bộ phim đem tới những góc nhìn khác về nghệ sĩ, giúp khán giả gần gũi và hiểu thêm về nghệ sĩ cũng như dự án đó” - một fan của Mỹ Tâm giải thích.
Mỹ Tâm sắp có bộ phim về show “Tri âm”
Sắp tới đây, ca sĩ Mỹ Tâm noi gương Đen và Sơn Tùng sẽ ra một bộ phim tài liệu có tên gọi “Người giữ thời gian” về show “Tri âm” của cô - một liveshow cá nhân tại sân vận động được coi là thành công nhất trong lịch sử biểu diễn ở Việt Nam.
“Dù thế nào thì vẫn phải xem thôi, để biết con cái chúng ta đang nghe thứ âm nhạc gì, và thần tượng những người như thế nào”, một vị phụ huynh chia sẻ. “Ở Việt Nam, mới có Trịnh Công Sơn được làm phim tiểu sử, nhưng cũng là sau khi ông mất, và dưới góc nhìn của một người khác”, người này nói thêm.
Theo Tiền Phong