Tại hội nghị năm nay, ngoài lãnh đạo các nước G7 (gồm Đức, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada và Mỹ), Đức - với vai trò Chủ tịch G7, còn mời thêm lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) và một số đối tác tham dự.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại lâu đài Elmau bên chân núi Wetterstein xinh đẹp được dãy Alps bao quanh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chào đón tổng cộng 11 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ các nước. Dự kiến, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ là một trong những chủ đề nổi bật tại hội nghị. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng, nguy cơ xảy ra nạn đói ở các khu vực, đặc biệt tại Đông Phi, cũng như vấn đề bảo vệ khí hậu sẽ là những nội dung chi phối hội nghị.
Chiều tối 25/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Bayern, trong khi các nhà lãnh đạo EU và những nước G7 còn lại tới Đức trong ngày 26/6. Các khách mời đến từ châu Á và châu Phi sẽ tới Đức trong ngày 27/6.
Theo kế hoạch, trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có cuộc thảo luận riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoài quan hệ song phương, các chủ đề tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra sau đó ở Tây Ban Nha cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp.
Chủ đề chính trong ngày đầu tiên của Hội nghị G7 là tình hình kinh tế thế giới, bảo vệ khí hậu cũng như chính sách đối ngoại và an ninh, trong đó có các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine. Trong ngày thứ hai, chủ đề nổi bật sẽ là cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự Hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Sau đó, Thủ tướng Scholz sẽ tiếp đón lãnh đạo khách mời đến từ 5 quốc gia là Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Senegal và Argentina.
Theo Thủ tướng Scholz, G7 là sự liên kết các nền dân chủ mạnh nhất về kinh tế trên thế giới và lý do cho việc mời lãnh đạo 5 nước ngoài G7 tham dự là do "các nền dân chủ tương lai là ở châu Á và châu Phi". Một chủ đề khác trong ngày làm việc thứ hai được cho là cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine cũng như vấn đề bảo vệ khí hậu. Thủ tướng Scholz đang kỳ vọng đạt được tiến bộ liên quan tới đề xuất hình thành một câu lạc bộ khí hậu cho tất cả những quốc gia đặt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.
Trong ngày thứ ba và là ngày cuối cùng của Hội nghị, G7 sẽ ra một tuyên bố chung kết thúc hội nghị sau khi thảo luận về trật tự thế giới sau cuộc xung đột ở Ukraine và vấn đề số hoá.
Trước và trong quá trình diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến sẽ có hàng chục cuộc biểu tình chống G7 cũng như nêu các yêu sách đối với Hội nghị này như loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, bảo tồn sự đa dạng động thực vật, công bằng xã hội và chống lại nạn đói. Trong một diễn biến mới nhất, chiều 25/6 tại thành phố München, hàng nghìn người cũng đã tham gia tuần hành ở khu trung tâm thành phố. Đụng độ nhẹ giữa cảnh sát và người biểu tình cũng đã xảy ra khi người biểu tình quá khích tấn công cảnh sát khiến một số người bị bắt giữ.
Đây là lần thứ hai, lâu đài Elmau được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 (trước đó là vào năm 2015) và là lần thứ bảy, Đức đóng vai trò chủ nhà của Hội nghị quan trọng này. G7 có lịch sử từ năm 1975, ban đầu chưa có Canada tham gia. Hội nghị thượng đỉnh của G7 diễn ra thường niên và do nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 năm đó tổ chức, do vậy vai trò của quốc gia Chủ tịch rất được coi trọng, đặc biệt trong việc lập chương trình nghị sự của Hội nghị. Khi giữ vai trò Chủ tịch G7 đầu năm nay, Đức đã đặt mục tiêu đạt "Tiến bộ vì một thế giới công bằng". Đức cũng muốn "củng cố vai trò của G7 với tư cách là cầu nối và trung gian hòa giải cho hòa bình và an ninh".