Hội nghị hòa bình Thụy Sĩ: Ukraine tự đẩy mình vào thế khó?

14/06/2024 09:40

Một số chuyên gia cảnh báo, Ukraine có thể sẽ mất nhiều hơn được từ hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào cuối tuần này, vốn do chính Kiev đề xuất.

zelenskyreuters.jpg

Chính phủ Ukraine và các đại sứ quán đang tập trung mọi nỗ lực cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ cuối tuần này. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của các nhà lãnh đạo nhiều nước nhằm thiết lập tầm nhìn cho Ukraine về một nền hòa bình công bằng cũng như cách thức chấm dứt xung đột với Nga.

Hội nghị được tổ chức theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Nga không được mời tham dự. Một số chuyên gia cho rằng, Kiev có thể bị tổn hại nhiều hơn lợi ích mà họ nhận được từ hội nghị.

Theo nguồn tin của Pravda, Ukraine đã nhận được dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh này, hay còn gọi là Thông cáo chung về Khuôn khổ Hòa bình.

Một số sửa đổi trong tài liệu này có khả năng gây nguy hiểm cho Ukraine mặc dù chúng được đưa ra nhằm đạt được sự đồng thuận giữa các bên tham gia. Nếu dự thảo được thông qua, nó sẽ làm suy yếu vai trò then chốt của công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Zelensky đề xuất trước đây.

"Công thức chiến thắng"

Vào mùa thu năm 2022, Tổng thống Zelensky từng trình bày với đại diện các nước lớn tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 về "công thức hòa bình" của Ukraine, trong đó bao gồm 10 mục tiêu vạch ra tầm nhìn của Kiev trong việc chấm dứt cuộc chiến với Nga.

Cho đến nay, công thức này vẫn tồn tại. Một số người thậm chí gọi đây là "công thức chiến thắng của Ukraine", vì nó quy định Nga phải từ bỏ việc kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine, bồi thường chiến tranh. Vào năm 2022, rất ít người dự đoán công thức này sẽ được triển khai nhanh chóng. Ngay cả chính quyền Ukraine cũng không hy vọng vào điều này.

Ukraine coi đây là một kịch bản nhằm chấm dứt chiến tranh một cách chính đáng, cho phép phần còn lại của trật tự thế giới được bảo toàn.

Nhiều quốc gia và tổ chức, bao gồm cả Liên minh châu Âu, đã công khai tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đối với kế hoạch của Ukraine. Các đề xuất thay thế, chẳng hạn như đề xuất của Trung Quốc, đã bị gạt sang một bên ở một mức độ nào đó.

Điểm dừng của các bên

Hội nghị hòa bình Thụy Sĩ: Ukraine tự đẩy mình vào thế khó? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp gỡ các thành viên Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ hồi tháng 1 (Ảnh: Reuters).

Kế hoạch nào cũng cần có sự đàm phán. Vì vậy Ukraine không thể chỉ trình bày 10 mục tiêu của mình và chờ đợi. Để thảo luận về "công thức hòa bình", giới cố vấn của các nhà lãnh đạo đã bắt đầu họp với nhau. Hiện tại, 4 trong số các cuộc họp này đã diễn ra tại Copenhagen, Jeddah, Malta và Davos.

Cuộc họp duy nhất thực sự thành công là ở Jeddah, nơi Trung Quốc đồng ý tham gia. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Bắc Kinh đã rút khỏi cuộc đối thoại, quay trở lại kế hoạch hòa bình của họ.

Kiev nỗ lực đưa Trung Quốc tham gia trở lại nhưng vô ích. Trung Quốc đầu tháng này xác nhận sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ do hội nghị không đáp ứng được điều kiện có sự tham gia công bằng của cả Nga và Ukraine.

Ukraine bước vào năm 2024 khi chưa thể tạo được nền tảng cho việc thực hiện các sáng kiến hòa bình của mình. Ukraine không có được thành tích đáng chú ý trên chiến trường như năm 2022.

Cuộc phản công năm 2023 của Ukraine thất bại. Mỹ chậm trễ trong việc viện trợ đã tác động tiêu cực đến tình hình chiến đấu. Vũ khí mới và máy bay chiến đấu F-16 vẫn chưa đến tay Kiev. Vì vậy, không có ai đặt cược vào chiến thắng của Ukraine.

Kiev sau đó đã khởi xướng hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Kiev đặt mục tiêu thu hút càng nhiều quốc gia tham dự càng tốt, ngay cả những quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Tất nhiên, một hội nghị như vậy chưa chắc đã đáp ứng được tham vọng của Ukraine.

"Công thức hòa bình" bị rút gọn

Dựa trên dự thảo được gửi cho các quốc gia tham gia để đánh giá vào ngày 28/5, nếu được thông qua, quyết định này sẽ phá hủy hoàn toàn ý tưởng ban đầu về hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà Ukraine đã công khai.

Nhận thấy nguy cơ một số quốc gia ở nam bán cầu sẽ không chấp thuận toàn bộ "công thức hòa bình" của mình, Kiev đã nghĩ ra một kế hoạch.

Những người tham gia hội nghị thượng đỉnh có thể không tham gia toàn bộ công thức. Thay vào đó, mỗi quốc gia có thể chỉ chọn một hoặc một vài mục tiêu phù hợp với lợi ích của mình. Ví dụ, tất cả các nước châu Phi, không có ngoại lệ, đều ủng hộ quan điểm của công thức này về an ninh lương thực. Không ai có thể yêu cầu họ phải tuân thủ quan điểm về việc Nga rút quân khỏi Ukraine. Kiev đã đồng ý trước với sự chọn lọc như vậy.

Các nước tham gia đã thành lập 9 nhóm ngành, mỗi nhóm xây dựng một cơ chế để thực hiện từng mục tiêu của "công thức hòa bình Zelensky". 9 cơ chế này sau đó sẽ được kết hợp thành một kế hoạch lớn và toàn diện. Chỉ khi đó Nga mới có thể được mời tham gia đối thoại và được tiếp cận với kế hoạch hòa bình.

Nói cách khác, "công thức hòa bình Zelensky" không còn là lựa chọn duy nhất.

Hiện tại, dự thảo tuyên bố rằng những người tham gia hội nghị thượng đỉnh phải đặt quan điểm của họ dựa trên "các cuộc thảo luận trước đó đã diễn ra dựa trên công thức hòa bình của Ukraine và các đề xuất hòa bình khác". Do đó, kế hoạch của Trung Quốc hoặc những kế hoạch khác dựa trên sự nhượng bộ của Ukraine đối với Nga, đều có tính hợp pháp ngang nhau.

Ngoài ra, tất cả "cầu nối" với kế hoạch hòa bình của Ukraine, như danh sách các mục tiêu của kế hoạch này, đều đã bị xóa khỏi dự thảo. Cách tiếp cận mà trong đó những người tham gia phải chia thành các nhóm và xây dựng các lộ trình riêng biệt cũng đã bị loại bỏ. Đây là cái giá phải trả cho nỗ lực mở rộng quy mô các bên tham gia hội nghị thượng đỉnh vì một số người không đồng ý với cách tiếp cận ban đầu.

Sự nhượng bộ như vậy của Ukraine sẽ tạo ra những hậu quả sâu rộng. Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu điều đó có hợp lý hay không.

Nếu hội nghị thượng đỉnh chính thức thông qua quyết định theo hình thức hiện tại, điều đó có nghĩa là Ukraine đã bật đèn xanh để thúc đẩy những "kế hoạch hòa bình" mâu thuẫn với lợi ích của Ukraine.

Những nhượng bộ khác có thể có của Ukraine

Theo Pravda, hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ không trực tiếp dẫn đến con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine.

Chương trình nghị sự bao gồm 3 vấn đề: An ninh hạt nhân, an ninh lương thực và trả tự do cho tù binh. Theo giải thích của Thụy Sĩ, sự lựa chọn hạn hẹp này được thực hiện để "tạo điều kiện thuận lợi cho sự đồng thuận".

Những mục tiêu này cũng nằm trong kế hoạch của Ukraine, nhưng việc thực hiện chúng không liên quan trực tiếp đến việc đạt được nền hòa bình lâu dài.

Đồng thời, việc giảm bớt tham vọng chương trình nghị sự mang lại thêm những mối đe dọa cho Ukraine, ví dụ như việc Nga tham gia hình thành "khuôn khổ hòa bình" trong tương lai sẽ cho Moscow một vai trò đặc biệt.

Kiev thừa nhận ở một giai đoạn nào đó, Nga phải tham gia đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, ở hiện tại, Kiev cho rằng, trước khi mời Moscow, các nhà lãnh đạo thế giới phải thống nhất tầm nhìn chung về các yêu cầu đối với Moscow, sau đó họ mới đưa ra những yêu cầu đủ sức nặng đối với Nga.

Tuy nhiên, trong quá trình thông qua quyết định của hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ, toàn bộ chuỗi này đã bị dỡ bỏ. Điều khoản về sự tham gia của Nga vẫn được giữ nguyên.

Nếu tham gia hội nghị hòa bình với chương trình nghị sự rút gọn như đã nêu ở trên, Nga chỉ cần thực hiện các "biện pháp xây dựng lòng tin" mơ hồ trong các lĩnh vực này. Trong khi đó, Ukraine đã phải nhượng bộ rất nhiều liên quan đến khía cạnh hạt nhân. Các yêu cầu như vô hiệu hóa và phi quân sự hóa sự kiểm soát của Nga đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia đều bị xóa khỏi dự thảo tuyên bố chung.

Ukraine có thể hóa giải "cái bẫy"?

Hội nghị hòa bình Thụy Sĩ: Ukraine tự đẩy mình vào thế khó? - 2

Để tập hợp một hội nghị thượng đỉnh hòa bình với quy mô đông đảo, Ukraine có thể phải đánh đổi (Ảnh minh họa: AFP).

Tất nhiên, chính phủ Ukraine có thể nhắm mắt làm ngơ trước quyết định của hội nghị thượng đỉnh và cho rằng Ukraine sẽ không thay đổi quan điểm của mình.

Kiev có thể nói rằng việc thiếu các điểm về việc Nga phải rút quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine trong dự thảo tuyên bố chung cũng không làm thay đổi các yêu cầu của Ukraine. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Một khi hội nghị đã đưa ra một tuyên bố như vậy, nó sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ với thế giới rằng Ukraine đã sẵn sàng nhượng bộ Nga để đổi lấy hòa bình và Tổng thống Zelensky đã chấp nhận những nhượng bộ đó tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ.

Ở bản dự thảo ban đầu, Ukraine đề xuất rằng: "Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài theo Hiến chương của tổ chức này và Hiến chương Liên hợp quốc cần bảo đảm quyền tự vệ của Ukraine".

Tuy nhiên, trong văn bản cuối cùng, luận điểm này bằng cách nào đó đã được thay đổi sang một luận điểm nhẹ nhàng hơn: "Hiến chương Liên hợp quốc có thể và nên đóng vai trò hướng dẫn nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài theo những nguyên tắc chính".

Các nguyên tắc của Hiến chương không đề cập đến quyền tự vệ mà thay vào đó nói về việc "giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình".

Hiện chưa rõ quốc gia nào tham dự hội nghị hòa bình Thụy Sĩ đã yêu cầu thực hiện những sửa đổi như vậy.

Do đó, Pravda nhận định, ý tưởng của Ukraine tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào năm 2024 mà không đạt được các điều kiện cần thiết có thể là một sai lầm đối với họ.

Hiện giờ quá muộn để hủy bỏ sự kiện này sau khi Ukraine đã đầu tư quá nhiều nỗ lực vào đây. Vấn đề quan trọng với Ukraine lúc này là làm thế nào để bảo vệ lập trường "công thức hòa bình Zelensky" phải được coi là nền tảng của các cuộc hòa đàm.

Kiev có thể phải chấp nhận cái giá phải trả là sự mất mát của hàng chục bên tham gia hội nghị thượng đỉnh, những bên sẵn sàng tham gia một hội nghị thay thế khác do Nga tổ chức.

Theo Pravda, Kyiv Independent

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị hòa bình Thụy Sĩ: Ukraine tự đẩy mình vào thế khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO