Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 56 (AMM 56): Khẳng định vai trò và giá trị chiến lược của ASEAN

Hà Phương| 08/07/2023 08:10

Nhân dịp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các Hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia từ ngày 11-14/7, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của kỳ Hội nghị.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 56 (AMM 56): Khẳng định vai trò và giá trị chiến lược của ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 từ ngày 11-14/7 tại Indonesia. (Ảnh: Tuấn Anh)

Xin Đại sứ đánh giá về ý nghĩa của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 và các Hội nghị liên quan?

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày 10 - 14/7 tại Jakarta, Indonesia. Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng trong năm với sự tham dự của 10 nước ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN. Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, ngoài các cuộc họp giữa 10 nước ASEAN sẽ có thêm các Hội nghị giữa ASEAN với từng đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Trong vài năm qua, thế giới và khu vực đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội không chỉ của ASEAN mà còn của nhiều nơi trên thế giới. Do vậy, AMM 56 lần này sẽ là dịp để các nước tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề nổi cộm hiện nay như phục hồi kinh tế, thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển, môi trường, dịch bệnh, an ninh năng lượng và lương thực.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 56 (AMM 56): Khẳng định vai trò và giá trị chiến lược của ASEAN
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN. (Ảnh: PĐ)

Cùng với đó, đây cũng là dịp để các nước đánh giá lại toàn bộ tiến trình hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trong năm qua để từ đó, cùng nhau đề ra định hướng tương lai sắp tới.

Giống như thông lệ mọi năm, kỳ Hội nghị lần này còn là dịp để các nước ASEAN và các đối tác thảo luận về tình hình khu vực và thế giới. Nhất là trong bối cảnh nhiều điểm nóng trong khu vực và trên thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Đây cũng sẽ là cơ hội để khẳng định vai trò và giá trị chiến lược của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tạo diễn đàn để các nước trao đổi quan điểm của nhau, góp phần nâng cao hiểu biết, thu hẹp khác biệt và thúc đẩy lòng tin.

Trong bối cảnh như vậy, đâu là các điểm nhấn thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong khuôn khổ kỳ hội nghị và những đóng góp của Việt Nam, thưa Đại sứ?

AMM 56 và các hội nghị liên quan là diễn đàn để các nước tiếp tục trao đổi, triển khai những ưu tiên trọng tâm trong nửa cuối của năm 2023, triển khai những kết quả các nước ASEAN đã đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi; nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tự cường y tế và ổn định tài chính-kinh tế.

Nội dung về nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN cũng sẽ là một nội dung quan trong được tiếp tục thảo luận tại Hội nghị nhằm điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và tình hình mới. Mục tiêu là đảm bảo nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Các hội nghị giữa ASEAN với các đối tác cũng là những nội dung quan trọng, ASEAN cùng với các đối tác sẽ thảo luận, đánh giá việc triển khai các cam kết đã có, cũng như định hướng cho hợp tác trong thời gian tới. Trong đó, đợt Hội nghị lần này dự kiến thông qua một số Tuyên bố chung giữa ASEAN với các đối tác.

Sự tham gia của Việt Nam trong kỳ AMM 56 thể hiện sự tiếp nối các cam kết và trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và với công việc chung của ASEAN.

Ngay từ đầu năm 2023, khi Indonesia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã có sự chuẩn bị từ sớm để có thể tham gia, đóng góp hiệu quả cho tất cả các hoạt động của ASEAN trong năm nay. Tại Hội nghị lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham dự trên 20 cuộc họp, góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế.

Trong vai trò là cơ quan đầu mối được giao trách nhiệm vụ đàm phán một số văn kiện trong kỳ Hội nghị lần này, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã tích cực, chủ động đóng góp đóng góp các sáng kiến do Việt Nam đề xuất.

Nhiều văn kiện lớn như các Tuyên bố chung dự kiến được thông qua tại Hội nghị lần này đều có sự tham gia, đóng góp của Phái đoàn Việt Nam cùng với Phái đoàn các nước ASEAN tại Jakarta và Phái đoàn các nước đối tác. Những đóng góp này của Việt Nam đều được các nước đánh giá cao và ghi nhận, qua đó giúp hình ảnh, vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN tiếp tục được củng cố.

"ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng" là Chủ đề của năm ASEAN 2023, Đại sứ đánh giá như thế nào về những bước phát triển song song với phục hồi của ASEAN thời gian qua?

Với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN: “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia quyết tâm tăng cường khả năng của ASEAN trong ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, cũng như củng cố vị thế của ASEAN với tư cách là tâm điểm của tăng trưởng.

Indonesia đã chuẩn bị tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 cũng như thúc đẩy thảo luận về dự thảo Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi toàn diện, cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng, cùng nhiều biến động phức tạp, khó lường, Indonesia nhấn mạnh đoàn kết và nỗ lực chung của tất các thành viên gia đình ASEAN là điều kiện tiên quyết để ASEAN phát huy mạnh mẽ vai trò dẫn dắt hòa bình và tăng trưởng khu vực.

Để ASEAN thực sự là tâm điểm, động lực cho tăng trưởng của khu vực và toàn cầu, Indonesia định hướng ASEAN ưu tiên hội nhập kinh tế, hợp tác bao trùm, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm an ninh lương thực, tự cường năng lượng và ổn định tài chính.

Trước tác động biến động trong địa chính trị, cùng nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn, ASEAN đã chuyển hướng chiến lược, tận dụng các động lực mới, thông qua nhiều sáng kiến như Khung kinh tế tuần hoàn, Chiến lược Trung hòa Carbon, Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, Sáng kiến Một sức khỏe ASEAN…

Song song với đó, ASEAN cũng đẩy mạnh hội nhập kinh tế ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, củng cố kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực bảo đảm ổn định tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 56 (AMM 56): Khẳng định vai trò và giá trị chiến lược của ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO