Liên quan chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, Hội đồng châu Âu thông báo sẽ tạm đình chỉ mọi sự tham gia của Nga tại cơ quan này. (Nguồn: Sputnik) |
Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ, theo điều 8 Quy chế của cơ quan này, đa số đại diện thường trực của 47 quốc gia thành viên đã "nhất trí đình chỉ quyền đóng góp đại diện của Liên bang Nga tại Hội đồng châu Âu".
Thông báo trên được Hội đồng châu Âu đưa ra sau một cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Strasbourg (Pháp).
Theo tuần báo Der Spiegel (Đức), Azerbaijan đã không tham gia bỏ phiếu, Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu trắng, còn Nga và Armenia bỏ phiếu phản đối quyết định này.
Quyết định trên sẽ có hiệu lực ngay lập tức, trong đó bao gồm cả quyền góp mặt của Nga tại Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE).
Tuy nhiên, sự hiện diện của Nga tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) - cũng là một thực thể thuộc Hội đồng châu Âu - vẫn được bảo toàn. Theo đó, thẩm phán Nga vẫn là thành viên của ECHR và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ tiếp tục được tòa án này xem xét và quyết định.
Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ: "Việc đình chỉ không phải là biện pháp cuối cùng mà chỉ là giải pháp tạm thời, theo đó vẫn để ngỏ các kênh đối thoại".
Điều 8 trong Quy chế của Hội đồng châu Âu cho phép cơ quan này đình chỉ quyền đại diện và sau đó có thể khai trừ một nước thành viên.
Nga là thành viên của Hội đồng châu Âu từ năm 1996. Trước đó, hồi tháng 4/2014, PACE đã phê chuẩn các nghị quyết đình chỉ quyền biểu quyết của phái đoàn Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.
Đáp lại, Nga chủ động rút khỏi PACE vào cuối năm 2015 và sau đó ngừng đóng góp tài chính cho ngân sách của Hội đồng châu Âu. Tư cách thành viên của Nga tại cơ quan này đã được khôi phục hoàn toàn vào năm 2019, dưới vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Ở phía bên kia chiến tuyến, ngày 25/2 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ phê chuẩn viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo đó, ông Biden đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao phân bổ khoản viện trợ quân sự trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này đang đấu tranh để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Trong biên bản ghi nhớ gửi Ngoại trưởng Antony Blinken, Tổng thống Biden chỉ đạo khoản viện trợ 350 triệu USD được phân bổ thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài (FAA) để hỗ trợ công tác quốc phòng của Ukraine.