Hội chứng suy nhược cơ thể hậu COVID-19

ANH ĐÀO| 27/09/2021 17:30

Song song với gánh nặng điều trị các ca nhiễm, ngành y tế còn phải đối mặt với thực trạng nhiều người bệnh đã hồi phục sau nhiễm COVID-19 vẫn có các triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần thậm chí vài tháng, gây ảnh hưởng hoạt động sống hàng ngày của họ.

240598596_3143974099223971_8840127874157180768_n.jpeg
Bệnh viện Thống Nhất điều trị hậu COVID-19 cho bệnh nhân F0 sau khi đã khỏi bệnh - Ảnh:BVCC

Việc phát hiện sớm và điều trị hội chứng hậu COVID-19 sẽ góp phần làm bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh nhanh chóng bình phục, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Các triệu chứng phổ biến

BS CK1 Lê Thị Thúy Hằng - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM– Cơ sở 3 - cho biết gần hai năm kể từ khi xuất hiện, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn bùng nổ trên diện rộng không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới.

Những người bệnh này được coi là mắc phải “Hội chứng hậu COVID-19” hoặc “COVID kéo dài”. Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi và các biểu hiện về tâm thần kinh như khó thở, lo lắng, trầm cảm, và suy giảm khả năng chú ý, tập trung, trí nhớ và giấc ngủ làm chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Đây chính là biểu hiện của hội chứng suy nhược mạn tính.

Cơ chế sinh bệnh của hiện tượng này chưa được biết rõ, mặc dù các nghiên cứu cho thấy nó có liên quan đến cơ chế sinh bệnh do virus và do miễn dịch.

Người bệnh mắc hội chứng suy nhược mạn tính sau COVID-19 thường khám nhiều chuyên khoa với nhiều thầy thuốc khác nhau, và kết quả thường không được như mong muốn. Các thuốc thường gặp như giảm đau, giảm tê, các thuốc bổ thần kinh được kê toa không giúp họ thuyên giảm triệu chứng mà còn thêm tác dụng phụ do thuốc và ảnh hưởng đến kinh phí điều trị.

Theo Y học cổ truyền, hội chứng suy nhược mạn hậu COVID-19 thường có các triệu chứng mệt mỏi, khó tập trung tư tưởng, đau đầu, đau nhức cơ khớp, dễ cáu gắt, nóng trong người, khó ngủ, suy giảm trí nhớ …

rau.jpeg
Chế độ ăn uống sau khi phục hồi COVID-19 sẽ giúp người bệnh nhanh khỏe mạnh - Ảnh: Bộ Y tế

Chăm sóc bệnh nhân ra sao?

Bác sĩ Hằng cho biết, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, hạn chế làm việc nặng mà nên làm việc nhẹ tăng dần cường độ. Người bệnh nên tham gia các hoạt động xã hội nhằm thêm kiến thức và nâng cao các kỹ năng, lại giúp giải tỏa căng thẳng.

Người bệnh không nên sống một mình hoặc tự cô lập với mọi người trong nhà, họ cần có sự chia sẻ, cảm thông của mọi người.

Về chế độ ăn người bệnh cần tránh những thức ăn khó tiêu: nhiều mỡ, nhiều chất béo, không nên ăn sau 19h tối. Ngoài ra cần hạn chế dùng trà, cà phê về đêm, nên ăn nhiều rau quả, trái cây, nước mát và uống đủ 1,5-2 lít nước trong ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi món ăn thường xuyên, chế biến thức ăn, bài trí thức ăn hấp dẫn tạo mùi thơm thay đổi kích thích vị giác, chia nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Tuỳ từng bệnh nhân, qua quá trình hỏi bệnh và thăm khám, các bác sĩ có thể kê các bài thuốc y học cổ truyền .. hoặc các dạng bào chế thuốc viên hoàn, tễ, trà thuốc, thuốc ngâm có tác dụng bổ các tạng, bổ khí huyết, hoạt huyết và an thần giúp người bệnh ăn ngon ngủ tốt, giảm mệt mỏi, đau nhức.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo suy nhược cơ thể hậu nhiễm COVID-19 là vấn đề sức khỏe khá phức tạp, nếu không được quan tâm điều trị sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thân nhân người bệnh và chính bản thân người bệnh nếu nhận thấy có vấn đề này cần tìm đến các cơ sở y tế điều trị hậu COVID-19 để tư vấn và can thiệp càng sớm càng tốt.

Hiện nay một số các bệnh viện tại TP.HCM có mở các trung tâm phục hồi COVID-19, người bệnh vẫn được thanh toán BHYT như: Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 3...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hội chứng suy nhược cơ thể hậu COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO