Hội chứng “con không muốn đi học” sau Tết

Lam Chi| 30/01/2023 19:02

Ngày Tết, trẻ nhỏ quen với những chuyến đi chơi, nghỉ ngơi và xem tivi thỏa thích cùng cha mẹ. Chính vì vậy, khi những ngày nghỉ lễ dài qua đi, nhiều bé quen lối sinh hoạt tự do cũ, cảm thấy uể oải, không muốn đến trường trở lại khiến cha mẹ vô cùng chật vật.

“Con không đi học!”

Mặc dù đã có hai ngày cuối tuần chuẩn bị tâm lý trước nhưng sáng nay vợ chồng chị Thùy vẫn vô cùng chật vật trong việc đưa cô con gái cưng 4 tuổi đến lớp. Những ngày Tết dài ở nhà cùng ông bà được nuông chiều ăn ngủ vô tội vạ khiến bé không thích đến lớp.

Mấy hôm trước, hôm nào anh chị cũng phải thủ thỉ động viên “Miu đi lớp lên khoe các bạn mình đi chơi những đâu nhé! Bạn Shin chắc nhớ Miu lắm!”. Thế nhưng hễ nghe nhắc đi lớp là bé lại khóc ầm lên ăn vạ: “Miu không đi cô đâu! Ở nhà chơi thôi!”. Đầu tóc cứ cột vào bé lại tháo ra, nhất định không chịu đi học.

Sáng nay, mặc con gào khóc, anh chị phải thay nhau ép buộc - người thay quần áo, người xách balo vác con đến cửa lớp “bàn giao” cho cô. Tới lớp, hóa ra không chỉ bé Miu, rất đông các bạn khác cũng đang khóc lóc ăn vạ đòi về khiến các cô mệt mỏi.

2.jpg
Không muốn trở lại trường học là tâm lý chung của nhiều trẻ sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Không chỉ các bé mầm non, mẫu giáo, nhiều bé ở độ tuổi tiểu học cũng cùng chung hội chứng muốn ở nhà sau Tết. Anh Tuấn, cha của một bé lớp 5 và một bé lớp 3 sáng nay cũng chật vật không kém trong việc đánh thức và lôi hai con đến trường. “Ngày Tết ở nhà thức khuya và ngủ nướng quen rồi nên sáng nay gọi cỡ nào chúng nó cũng không dậy. Đánh vật mãi thành ra đi học muộn ngày đầu năm”, anh nói.

Với những trẻ cấp 2, cấp 3 việc giải quyết sẽ đơn giản với cha mẹ hơn do trẻ đã tự ý thức được việc phải quay trở lại với nhịp sống cũ. Riêng với những trẻ còn nhỏ, nhất là những bé mới vào mẫu giáo, lớp 1 như trên việc đưa trẻ trở lại với thói quen sinh hoạt cũ, đến lớp đều đặn mỗi sáng cũng vất vả như những ngày đầu đưa trẻ đến lớp vậy. Trẻ đã quen với việc thức khuya chơi hoặc xem tivi, sáng ngủ nướng, không chịu đến lớp… Chính vì vậy, tâm lý không muốn đến trường sau Tết ở trẻ nhỏ cũng là điều dễ hiểu.

Bắt nhịp sau Tết

Người lớn còn uể oải sau Tết, huống hồ trẻ nhỏ vốn chỉ thích được vui chơi và không muốn đi học thì việc chia tay với những ngày lễ tuyệt vời để trở lại với việc dậy sớm, học bài, đến lớp, học thêm... thật là một vấn đề khó khăn với trẻ. Tết năm nay được nghỉ nhiều lại càng khiến dư âm ngày lễ thêm dài. Cha mẹ nên có những biện pháp can thiệp, động viên để trẻ sớm bắt nhịp trở lại. Dưới đây là vài “chiêu” cha mẹ có thể áp dụng:

shutterstock_108486773.jpg
Cha mẹ cần khuyến khích, tạo nhiềm niềm vui để trẻ nhanh chóng bắt nhịp trở lại.
  • Tạo niềm vui đến trường: Trước khi trẻ đi học lại, hãy tìm cách khuyến khích trẻ: “Tết này con đi chơi nhiều mà không khoe bạn thì thật là phí! Đâu phải bạn nào cũng được đi Thảo Cầm Viên như con nhỉ!”. Gợi mở với trẻ về việc đi học sẽ có dịp gặp bạn bè, hỏi bạn xem bạn được lì xì bao nhiêu và khoe mình được đi chơi những đâu… Trẻ nhỏ rất thích được khoe bạn bè nên điều này sẽ là một yếu tố giúp trẻ tìm thấy cảm hứng cho việc đến lớp.
  • Gọi trẻ dậy đúng giờ bằng những trò chơi vui nhộn: Mẹ có thể gọi con bằng trò kiến bò, đùa giỡn tạo sự vui vẻ cho bé trên giường trước khi bé đánh răng, rửa mặt. Với bé gái, mẹ tạo hứng thú bằng việc “dụ dỗ” trẻ cột tóc đẹp, mặc váy đẹp lên khoe cô và bạn.
  • Cả nhà cùng làm việc: Những ngày trẻ đi học và bố mẹ đi làm trở lại, hãy cùng trẻ ngồi vào bàn làm việc. Có thể với bố mẹ là chỉ cần check mail, xem lại hồ sơ công việc, những list đầu năm cần làm… nhưng việc ngồi vào bàn làm việc trở lại giúp bạn lấy lại cảm hứng cho những ngày mới sau Tết. Trẻ thấy bố mẹ làm việc cũng ý thức phần nào những ngày vui chơi vừa qua đã tạm dừng lại và nhận ra mình cũng cần “làm việc” trở lại như bố mẹ. Hãy giúp trẻ kiểm tra lại bài, thời khóa biểu cho đầu năm và vạch mục tiêu cho việc học trong năm mới.
  • Lên thời gian biểu trở lại cho cả nhà: Cả gia đình nên có cuộc họp đầu năm lên lịch cụ thể thời gian biểu cho từng thành viên và nghiêm túc với kế hoạch ấy – nhất là với trẻ. Nếu bố mẹ du di, trẻ sẽ được đà và từ đó học được cách cư xử thiếu nghiêm túc. Kiên quyết bắt trẻ đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Ngày đầu trẻ cần đến lớp, không nên vì thương trẻ mà tiếp tục cho trẻ nghỉ ở nhà trong khi những bạn khác đã đến lớp…
  • Trao thưởng: Khi trẻ có tiến bộ, hãy trao những giải thưởng lớn cho trẻ vào cuối tuần để trẻ hứng thú và nỗ lực hơn. “Tuần này con học hành chăm chỉ, cuối tuần ba mẹ sẽ cho con đi công viên nước tiếp nhé!”, những phần thưởng như vậy sẽ khuyến khích trẻ rất nhiều để nhanh chóng bắt nhịp trở lại.
Bài liên quan
  • Những lợi ích khi cha mẹ cho trẻ đi học sớm
    Khi đến trường, trẻ được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè. Con sẽ được học tập, chơi đùa trong môi trường và không gian mới có lợi cho sự phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hội chứng “con không muốn đi học” sau Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO