Trong 2 ngày 16 và 17/9, tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp cùng UBND TP Hội An và Viện nước Quốc tế Stockholm (SIWI) tổ chức họp tham vấn "Trách nhiệm của các bên liên quan đối với ô nhiễm nhựa ở Hội An: Phân tích theo cách tiếp cận từ nguồn tới biển".
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP Hội An - cho biết Hội An là thành phố du lịch, là điểm đến quan trọng trong hành lang di sản miền Trung - Tây nguyên. Với tốc độ tăng trưởng nhanh về du lịch, rác thải từ hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lượng rác thải hàng ngày của thành phố.
Việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của du khách cùng với sự tiện nghi trong các dịch vụ du đồng nghĩa với việc gia tăng rác thải nhựa.
Theo thống kê, khối lượng rác thải phát sinh tại thành phố Hội An gia tăng dần qua các năm, từ khoảng 65,5 tấn/ngày vào năm 2013 đã tăng lên 100 tấn/ngày ở thời điểm năm 2019.
Theo kết quả điều tra thành phần rác thải năm 2021, trung bình một ngày, lượng rác thải nhựa dùng một lần và túi ni lông chiếm khoảng 15-23% tổng lượng rác phát sinh tại Hội An.
Trên thế giới, các sản phẩm nhựa dùng một lần đang là vấn nạn môi trường mà nhiều quốc gia đang tìm mọi cách loại bỏ.
Trong 2 năm qua, được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Viện nước Quốc tế Stockholm - Thụy Điển (SIWI) đã phối hợp với TP Hội An thực hiện hoạt động "Thí điểm cách tiếp cận từ nguồn tới biển trong quản lý rác thải nhựa tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam".
Mục đích của hoạt động này nhằm ngăn ngừa rác thải biển, ngăn ngừa rò rỉ rác thải nhựa đến lưu vực sông.
Tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà quản lý đã phát thảo và xây dựng một kế hoạch hành động chung về trách nhiệm của các bên liên quan nhằm giảm thiểu rò rỉ rác thải nhựa ra môi trường tại Hội An.
Kết quả của hoạt động này được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin về các nhóm liên quan đến dòng rác thải tại TP Hội An và đưa ra những đánh giá phân tích, từ đó xác định được các vấn đề cần ưu tiên trong quản lý rác thải nhựa tại địa phương,