Học viện thành công: Làm sao có thể thành công nếu như bạn không thử!

First News - Trí Việt| 01/03/2023 20:00

Hãy cho mọi việc một cơ hội để xảy ra! Hãy để thành công có cơ hội xảy ra! Không thể chiến thắng cuộc đua nếu bạn không đánh liều mà chạy, không thể giành được thắng lợi nếu bạn không dám chiến đấu. Không cuộc đời nào bi thảm hơn là người ấp ủ một ước mơ, một khao khát, luôn mong ước và hy vọng mà lại không bao giờ cho nó có cơ hội xảy ra.

Những người luôn đặt ra mục tiêu thấp thường vấp phải thứ mà họ cố đạt được: Họ không nhắm đến điều gì cả và vấp phải nó. Cuộc đời không cần phải sống theo cách đó. Tôi tin một trong những sức mạnh uy quyền nhất trên thế giới là ý chí của một người tin vào bản thân anh ta, dám hướng đến những điều cao cả, tự tin bước theo những gì anh ta muốn từ cuộc đời.

hocvienthanhcong-21-.jpg

 “Tôi có thể”, đó là một câu nói đầy uy lực: Tôi có thể. Thật ngạc nhiên rằng biết bao người có thể dùng câu đó thực tế. Với đa số mọi người, đó có thể là một câu chính xác. Nó hiệu nghiệm. Người ta có thể làm những gì họ tin là mình làm được. Ngoại trừ số ít người trên thế giới bị đánh lừa vì loạn tinh thần, thì khoảng cách giữa những gì một người nghĩ anh ta có thể đạt được với những gì anh ta thực sự có thể làm là cực kỳ nhỏ. Nhưng trước tiên anh ta phải tin tưởng rằng mình có thể đã.

 Hãy để một điều thẳng thắn rằng: Tôi không giả vờ là một chuyên gia về chủ đề động lực thúc đẩy. Tôi không biết về những thứ thúc đẩy con người nhiều hơn người thường. Bởi vì Amway phát triển quá nhanh, và vì thành công của nó phụ thuộc vào 500.000 nhà phân phối tự làm chủ, nên người ta thường hỏi quan niệm của tôi về động lực thúc đẩy là gì. Họ muốn biết: “Điều gì khiến một số người thành công, trong khi những người khác thất bại?”. Hay họ hỏi tôi có “bí mật” gì về động lực thúc đẩy không, như thể tôi có thể phân phát một chút trí tuệ uyên thâm nào đó về lý do một người có thể lập nên những kỷ lục bán hàng mới, trong khi những người khác lại thu hẹp và bỏ cuộc. Tôi không muốn khiến họ thất vọng, nhưng đơn giản là tôi không có mánh lới, chiêu trò hay lời lẽ thần kỳ nào để giúp mọi người thành công cả.

Nhưng dù không thể khẳng định bất kỳ điều gì đặc biệt về kỹ thuật truyền động lực, tôi vẫn có một lý lẽ thuyết phục vững chắc rằng hầu hết mọi người có thể làm bất cứ điều gì họ thật sự tin là mình làm được.

 Bản chất của mục tiêu thực ra chẳng tạo nên điều gì khác biệt cả. Khi tôi còn trẻ, tôi khao khát dấn thân vào kinh doanh và đã thành công. Đó là “việc của tôi”, như cách nói thời nay. Tôi không đặc biệt quan tâm đến học đại học, du lịch vòng quanh thế giới, trở thành golf thủ hàng đầu ở PGA Tour, hay người đứng đầu cơ quan lập pháp Michigan. Không có gì sai với những điều đó cả – chúng đều là những mục tiêu chính đáng – nhưng chỉ là chúng không tình cờ lôi cuốn tôi vào thời điểm đó. Mục tiêu của tôi là thành công trên con đường kinh doanh của riêng mình, và tôi tin mình có thể làm được.

03.gif

Dĩ nhiên, không có con đường nào chắc chắn cả, nhưng tôi tin kết quả hẳn sẽ rất giống bất kỳ mục tiêu nào tôi đặt ra. Quan trọng là không có lĩnh vực nào của cuộc sống nằm ngoài sự kết hợp giữa niềm tin và nỗ lực. Triết lý sống cá nhân “Tôi có thể” không chỉ áp dụng cho kinh tế mà còn cho chính trị, giáo dục, tôn giáo, thể thao, nghệ thuật, vân vân. Nó cắt ngang mọi giới hạn. Đó có thể là nhân tố phổ biến quan trọng nhất trong những thành tựu khác nhau như lấy được bằng tiến sĩ, kiếm một triệu đô-la, trở thành một vị tướng năm sao hay chiến thắng trong giải đua Churchill Downs.

 Khi nhìn lại cuộc đời bốn mươi năm có lẻ của mình, thì có vẻ như hơn bất kỳ bài học riêng lẻ nào khác, những trải nghiệm được quy tụ lại đã dạy cho tôi giá trị của nỗ lực tự tin và xác định. Gần hết cuộc đời, tôi luôn gắn bó với Jay Van Andel. Chúng tôi cùng mở công ty Amway vào năm 1959, nhưng rất lâu trước đó – thật ra là từ khi cả hai còn học cấp ba – chúng tôi đã cùng nhau trải qua những việc dạy cho chúng tôi sự hào hứng của câu “Tôi có thể” một cách sinh động.

Khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Jay và tôi trở về nhà và tin chắc rằng kinh doanh ngành hàng không là lĩnh vực nóng trong tương lai. Chúng tôi hình dung ra cảnh mỗi gara đều có máy bay, hàng triệu người học lái máy bay, đại loại thế. Vậy nên chúng tôi muốn bước vào kinh doanh ngành hàng không. Chúng tôi có vài trăm đô-la, thế là đem mua một phi cơ Piper Cub cỡ nhỏ và sẵn sàng mở một trường dạy lái. Nhưng có một vấn đề nhỏ: Cả hai chúng tôi đều không hề biết lái máy bay.

01.gif

 Chúng tôi không để điều đó ngăn cản mình, quyết định thuê những phi công có kinh nghiệm để dạy, trong khi chúng tôi bận rộn với việc bán những suất học này cho công chúng. Bước ngoặt là chúng tôi quyết định mở dịch vụ bay, và chúng tôi nhất quyết không để bất kỳ điều gì làm mình nản lòng – kể cả một chi tiết nhỏ như chúng tôi không biết làm sao để bay được.

Chúng tôi vấp phải một khó khăn nữa: Khi có khách hàng đăng ký và thuê được người hướng dẫn bay, chúng tôi mới phát hiện ra rằng đường băng ở sân bay nhỏ bé đó vẫn chưa được hoàn tất. Nó chỉ mới là vệt bùn khổng lồ. Nhưng chúng tôi ứng biến được. Có một con sông chạy dọc sân bay, thế là chúng tôi mua vài chiếc bè cho Piper Cub cất cánh ngay trên mặt nước, hạ cánh và tiếp đất trên bè phao. (Cuối cùng chúng tôi có hai học viên tốt nghiệp khóa học chưa bao giờ hạ cánh máy bay trên đất bằng!).

 Người ta cứ nghĩ chúng tôi có những văn phòng ở các bãi đáp nhỏ, nhưng vào thời điểm thành lập doanh nghiệp thì văn phòng vẫn chưa được xây dựng. Mọi thứ vẫn rất sơ sài. Chúng tôi mua lại cái chuồng gà của một người nông dân ở cuối con đường, kéo nó sang bãi đáp máy bay, chà rửa sạch trắng, một ổ khóa gắn cửa và một bảng hiệu treo viết rất lớn: DỊCH VỤ BAY WOLVERINE. Chúng tôi dự định kinh doanh hàng không và đang ở trong ngành đó rồi.

 Kết thúc câu chuyện là chúng tôi đã xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh, mua một tá máy bay, và cuối cùng đã có được một trong những dịch vụ hàng không lớn nhất thành phố. Nhưng chúng tôi làm được điều đó chỉ bởi vì ngay lúc khởi đầu, chúng tôi đã tin tưởng vào bản thân mình. Chúng tôi cảm nhận từ tận xương tủy rằng chúng tôi có thể làm được và chúng tôi đã làm thật, dù ban đầu có những rào cản. Nếu chúng tôi khai trương dự án một cách nửa vời, không hoàn toàn tin tưởng vào nó mà luôn nhăm nhe tìm một lý do bào chữa để bỏ cuộc và chịu thua thì chiếc máy bay đầu tiên sẽ không bao giờ thực hiện được chuyến bay đầu tiên – và hẳn sẽ không bao giờ có Dịch Vụ Bay Wolverine nào cả.

 Câu chuyện đó minh họa một vấn đề cơ bản: Một người không bao giờ biết anh ta sẽ đạt được gì nếu không cố gắng. Điều đó đơn giản đến nỗi một số người hoàn toàn không để ý. Nếu lúc đó chúng tôi nghe theo tất cả những tranh luận hợp logic về dịch vụ bay của mình, thì có lẽ chúng tôi đã không bao giờ thử làm rồi. Chúng tôi hẳn đã từ bỏ trước khi bắt đầu và nếu vậy thì bây giờ chúng tôi sẽ cho rằng mình không thể làm được điều đó. Chúng tôi vẫn sẽ ngồi tụm lại và nói về ý tưởng vĩ đại chưa hề thực hiện đó. Nhưng chúng tôi đã làm bởi vì chúng tôi tin tưởng vào nó và tín nhiệm bản thân đủ để thử điều đó.

Trích sách Học viện thành công.

Mua sách tại: https://bit.ly/hocvienthanhcongsp

Bài liên quan
  • Nguồn sách hay cho người làm chính sách giáo dục
    Những cuốn sách như “Bài học Phần Lan 3.0” của tác giả Pasi Sahlberg, “Triết lý và chính sách giáo dục” của hai tác giả Winch và Gingell và “Bài học giáo dục từ nước Mĩ” Tony Wagner là nguồn tham khảo hữu ích cho những người làm chính sách giáo dục hiện nay, nhất là trong lúc chúng ta đang “tìm đường” cải cách nền giáo dục hiện có nhiều điều bất cập trước yêu cầu của thời đại mới.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học viện thành công: Làm sao có thể thành công nếu như bạn không thử!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO