Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu

Quang Trường| 28/02/2023 16:25

Lần đầu tiên dùng móc treo quần áo, nhóm học sinh người H'Mông gỡ tung ra và nắn thành một thanh kim loại thẳng, nối lại với nhau làm một chiếc dây treo.

Thầy cô trở thành cha mẹ của hàng nghìn đứa trẻ vùng cao

Gần 6 giờ sáng, tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Thái Nguyên), tiếng loa phát thanh vang lên gọi khoảng 1.800 học sinh nội trú đến từ 12 tỉnh, thuộc 11 dân tộc khác nhau bắt đầu ngày mới.

Tại căn phòng của mình, Thào A Trung (16 tuổi, học sinh khoa Điện) và 5 bạn cùng lớp gấp chăn, màn gọn gàng và vệ sinh cá nhân. 30 phút sau, các em đã có mặt tại nhà ăn tập thể để dùng bữa sáng trước giờ lên lớp.

Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu - 1

Ngủ dậy, nhóm học sinh giúp nhau sắp xếp đồ đạc trong phòng (Ảnh: Quang Trường).

Khi đồng hồ chỉ gần 11 giờ 30 phút, kết thúc giờ học, học sinh lại kéo nhau xuống nhà ăn.

Em Thào A Trung không để thừa thức ăn, no căng bụng, em tấm tắc khen: "Cơm ở trường ngon hơn cơm ở nhà".

Xế chiều, các em được thầy cô hô hào xuống sân chơi thể thao. Ban quản lý nội trú phát loa nhắc nhở học sinh dọn dẹp phòng ở, đổ rác đúng nơi quy định, sau đó các bài hát tiếng H'Mông, Tày, Nùng,… âm vang khắp khuôn viên nhà trường.

"Học sinh dân tộc thiểu số rất thích những bài hát này. Chúng tôi nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa, nghệ thuật dân tộc ở các em bằng việc cho các em nghe những bài hát gắn liền với quê hương, bản làng của mình", thầy Ong Thế Tuyến - Phó trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên của nhà trường cho biết.

Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu - 2

Học sinh phải tập gấp chăn gọn gàng, giữ nề nếp sinh hoạt chung (Ảnh: Quang Trường).

Thầy Tuyến ví von rằng, mình và các đồng nghiệp cùng cơ quan giống như cha mẹ của hàng nghìn đứa trẻ tại ngôi trường này. Làm trưởng ban quản lý nội trú, thầy Tuyến chăm lo cho học sinh không khác gì con em mình.

Sáng sớm, thầy đi rà soát toàn bộ phòng của học sinh, nhắc nhở các em về vấn đề vệ sinh, an toàn nơi ở. Em nào chưa gấp chăn màn, quần áo theo đúng nội vụ, thầy sẽ hướng dẫn và yêu cầu thực hiện lại từ đầu.

20 giờ, sau bữa cơm tối, thầy cô lại đi khắp các phòng để nhắc nhở học sinh tự học, kiểm tra an ninh trật tự.

Mỗi phòng thường bao gồm 6 học sinh, thầy phân công một bạn làm trưởng phòng. Bạn này có nhiệm vụ quản lý, đôn đốc các thành viên thực hiện nề nếp, nội quy của nhà trường. Học sinh cùng một lớp ở tại 3 phòng liền kề nhau để thầy cô thuận tiện quản lý.

Học trò vùng cao học nghề, sinh hoạt tại CĐ Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Video: Quang Trường).

Theo thầy Tuyến, để học sinh dân tộc thiểu số thực hiện nề nếp như trên, nhà trường đã rất vả để đào tạo các em. Trong khi các em hòa nhập với cuộc sống miền xuôi, có những chuyện "dở khóc, dở cười".

Thầy Tuyến kể, ngày đầu tiên xuống trường học và được phát bộ móc treo quần áo, nhóm học sinh người H'Mông trong một phòng đã gỡ tung những chiếc móc ra và nắn thành những thanh kim loại thẳng, buộc nối vào nhau làm một chiếc dây treo.

Bởi vì các em chưa từng được treo quần áo bằng móc bao giờ, chỉ biết "nhìn nó quen quen, hình như có bán ở đâu đó" nên không rõ công dụng là gì.

Do đã quen ăn ở với núi rừng, tận dụng dòng suối tự nhiên để sinh hoạt nên việc các em sử dụng các thiết bị vệ sinh cũng đầy bỡ ngỡ.

Thầy Tuyến phải dạy cho học sinh từ cách ngồi bồn cầu đến cách vặn vòi nước. Khi được thầy phát chậu giặt quần áo thì các em dùng để bỏ giấy vệ sinh đã qua sử dụng, còn sọt rác lại dùng để đựng quần áo. Một số bạn tháo hết các nắp đậy miệng ống thoát nước vì nghĩ đơn giản là "mở nắp ra cho thoáng".

Thầy Tuyến còn tình cờ phát hiện ra trong một phòng, học sinh đã ở với nhau 3-4 tháng nhưng chưa biết tên nhau. Các em có thói quen chỉ nói chuyện, chia sẻ với những người rất thân thiết. Thậm chí, khi thầy cô lên thăm phòng, học sinh chỉ nhìn chằm chằm mà không chào hỏi một câu.

Có lần, thầy Tuyến đang ngồi tại phòng làm việc, một học sinh chạy vào và nói: "Báo cáo thầy, nó chết rồi". Thầy tuyến hỏi lại: "Nó là ai?". Học sinh này đáp: "Là bố em. Hôm qua nó đi ăn cơm gạo mới, uống rượu xong chết rồi".

"Tôi ngớ người hỏi lý do học sinh gọi bố là nó thì em bảo do đã quen với cách xưng hô như vậy khi còn ở bản. Không chỉ một mà rất nhiều em gọi bố mẹ là nó. Không phải vì các em hỗn láo mà đó là thói quen giao tiếp của họ. Chúng tôi phải chỉnh đốn lại ngay. Với học sinh dân tộc thiểu số, chúng tôi phải vừa nhu, vừa cương mới có thể dạy bảo", thầy Tuyến cho biết.

Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu - 3

Thầy Ong Thế Tuyến như người cha thứ hai của học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại ngôi trường này (Ảnh: Quang Trường).

Để rèn cho học sinh kỹ năng sống, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tại doanh nghiệp để các em làm quen với nếp sinh hoạt, tác phong làm việc của người Kinh.

Thỉnh thoảng, thầy Tuyến lại triệu tập tất cả lớp trưởng và trưởng phòng để đào tạo về kỹ năng sống. Những học sinh này có nhiệm vụ truyền đạt lại cho các bạn trong quá trình học tập và sinh hoạt.

Nhà trường thường mất gần một học kỳ để đưa các em vào nề nếp học tập, sinh hoạt. Có nhiều em đã thuộc lời thầy cô dạy, quen lối sống dưới xuôi nhưng khi trở lại trường sau một kỳ nghỉ lễ dài lại "đâu vào đó", thầy cô phải hướng dẫn từ đầu.

"Chúng tôi phải thực sự yêu nghề, thương học sinh như con em mình thì mới đủ kiên nhẫn làm được việc đó.

Xuống dưới xuôi học, tuy các em rất ngây ngô nhưng đổi lại là sự chăm chỉ, thật thà. Có nhiều học sinh dù trời rét nhưng không xuống ban quản lý để lấy chăn lên phòng sử dụng. Khi được hỏi tại sao thì các em bảo do em ở vùng cao quen rồi, chịu được rét nên nhường chăn cho các bạn khác.

Tôi biểu dương tinh thần chia sẻ của em và giải thích rằng, học sinh nào cũng được cấp phát chăn, dụng cụ sinh hoạt đầy đủ nên các em không cần phải nhường", thầy Tuyến nói.

Vừa đi học, vừa kiếm tiền gửi về cho gia đình

Sau giờ học, một số học sinh có nguyện vọng làm thêm sẽ xuống khu nhà xưởng để tham gia sản xuất cho doanh nghiệp, công việc là dùng băng dính quấn dây điện, cắm linh kiện (dây điện không kết nối với nguồn điện).

Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu - 4

Mỗi ca làm việc, các em kiếm được từ 100-200 nghìn đồng tùy theo sản lượng (Ảnh: Quang Trường).

Nhờ việc làm thêm, học sinh có thể kiếm thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Cuối tháng, nhiều em tích góp tiền, nhờ giáo viên gửi về cho bố mẹ. Một số trường hợp thầy cô phải "lặn lội" gửi tiền mặt đến tận tay bố mẹ các em vì họ không có tài khoản ngân hàng.

Thầy Nguyễn Chí Nhân - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp cho biết, việc làm thêm an toàn, không hề nặng nhọc đối với các em. Bên cạnh mục đích kiếm tiền, công việc đó giúp học sinh bước đầu làm quen với môi trường sản xuất tại doanh nghiệp, rèn tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Tiền đề cho công việc làm thêm này là nội dung học trải nghiệm tại doanh nghiệp theo chương trình đào tạo. Kết thúc môn học, các em được tự nguyện đăng ký làm cho chính doanh nghiệp mình đã trải nghiệm sau khi có sự đồng ý, xác nhận của phụ huynh, dưới sự kiểm soát của nhà trường để đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu - 5

Thầy Nguyễn Chí Nhân - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp (Ảnh: Quang Trường).

Doanh nghiệp cung cấp nguyên, vật liệu và tổ chức sản xuất ngay tại nhà trường nên học sinh không phải đi làm xa. Đối với thu nhập trong việc làm thêm, thực tập của học sinh, nhà trường yêu cầu doanh nghiệp trả trực tiếp vào tài khoản của các em, không qua một bên trung gian nào.

Thầy Nhân cho biết, trong quá trình tuyển sinh, tùy từng địa bàn mà nhà trường tư vấn cho các em chọn ngành, nghề phù hợp.

"Chúng tôi kết nối với các doanh nghiệp để đào tạo, tuyển dụng học sinh sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, học sinh theo học các nghề điện - điện tử, công nghệ thông tin, xây dựng, công nghệ may thời trang, cơ khí có cơ hội việc làm rất tốt. Đây cũng là những nghề mà thầy cô thường định hướng học sinh theo học.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, nếu học sinh ở lại Thái Nguyên hay các tỉnh lân cận làm việc, chúng tôi cam kết tìm được việc làm cho các em", thầy Nhân nói.

Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu - 6

Học sinh dùng băng dính quấn dây điện, một công việc nhẹ nhàng với các em (Ảnh: Quang Trường).

Theo thầy Ong Thế Tuyến, nhà trường bắt đầu tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào vừa học nghề vừa học văn hóa từ năm 2020. Hiện tại, nhà trường đang có khoảng 1800 học sinh theo hệ đào tạo này. Đa số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phố như Sơn La, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu.

Hằng năm, khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6, thầy cô lại "trèo đèo, lội xuống" đến các nhà trường tại nhiều địa phương vùng núi phía bắc để làm công tác tuyển sinh, truyền thông hướng nghiệp cho học sinh tại đây.

"Một bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa không cho con đi học tiếp. Họ tính toán rằng, nếu con xuống miền xuôi học thì nhà nước chỉ nuôi được một mình đứa trẻ đó. Trong khi học sinh đó nghỉ học, ở nhà đi làm thuê thì có thể nuôi được mấy người trong gia đình. Họ không tính đến tương lai lâu dài cho con cái.

Để thuyết phục học sinh đến trường, chúng tôi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà nước dành cho các em. Chúng tôi tổ chức đưa đón học sinh xuống trường học. Các em không phải mang theo bất kỳ thứ gì mà được nhà trường phân phát đầy đủ 21 món đồ dùng từ kem đánh răng, khăn mặt, sách vở, chăn màn, quạt điện,…

Học sinh được miễn chi phí phòng ở, điện, nước, được nhà trường hỗ trợ một phần tiền ăn và sinh hoạt. Thực tế là học sinh thích ở trường hơn ở nhà. Có em đi học nửa năm không về thăm nhà, lý do là ở trường được ăn uống ngon hơn, điều kiện sinh hoạt tốt hơn", thầy Tuyến chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học trò vùng cao xuống núi học nghề: Thầy dạy từ cách dùng móc áo, bồn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO