"Yêu cho roi cho vọt" với học trò là không còn phù hợp
Theo em Lương Hoàng Gia Phương - học sinh trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP.HCM) chia sẻ, giáo viên chủ nhiệm dạy toán cấp 3 trước kia của em là một người rất nghiêm khắc và khó gần.
Cô luôn giữ một thái độ nghiêm khắc, từ những hành động nhỏ nhất đều thể hiện sự "uy quyền" như một ánh nhìn sắc bén, một cái cau mày, một cái chỉ tay, một giọng la mắng với âm độ cao và còn hơn thế nữa.
Vì thế mà luôn khiến học sinh cảm thấy xa cách và khó kết nối với cô trong việc học hay giao tiếp thông thường.
"Thú thật là em khá kém môn toán nên môn toán là ác mộng hồi em đi học. Không chỉ riêng em mà đối với nhiều bạn khác trong lớp, giờ Toán là giờ mà cả lớp phải học nghiêm túc nhất và cũng là giờ học căng thẳng nhất", em Phương hồi tưởng lại.
Do mang tâm lý áp lực, sợ hãi và luôn gượng ép khi phải học môn học không yêu thích nên dù đã cố gắng ôn tập nhưng nên kết quả học tập môn toán của em Phương cũng không có sự cải thiện.
Không chỉ Phương mà nhiều học sinh khác, trong đó có Gia Bảo đều đồng tình rằng tính cách của giáo viên là nguồn cảm hứng quan trọng ảnh hưởng đến sự yêu thích môn học và thái độ học tập của các em.
Thầy cô dạy hay mà vui tính sẽ dễ khơi gợi được sự hào hứng trong học tập ở học sinh và ngược lại.
Em Gia Bảo - học sinh lớp 12, trường THPT Nhân Chính, Hà Nội kể năm lớp 11 giáo viên dạy môn ngữ văn của em thường dạy nhanh, khó hiểu và chỉ áp đặt kiến thức lên học sinh khiến tiết học trở nên một chiều, không có sự tương tác.
Chính vì vậy mà Bảo và các bạn trong lớp không có cơ hội được bày tỏ ý kiến, trình bày suy nghĩ riêng của bản thân trước một vấn đề hay kiến thức được truyền đạt.
Tuy lớp của Bảo đã khéo léo nhờ phụ huynh góp ý, nhưng cô giáo không lắng nghe, thậm chí còn trách ngược là học sinh chểnh mảng, không chịu tập trung học bài. Chán nản nên cả lớp của nam sinh này đã đồng lòng viết tâm thư xin đổi giáo viên.
Bảo nói thêm rằng em đồng tình với việc thầy cô giáo khó tính "nhưng mong thầy cô đừng cáu gắt, tạo không khí nặng nề làm cho học sinh sợ đến mức chán môn học".
Bởi tư tưởng "yêu cho roi cho vọt" đã không còn phù hợp với tâm lý học sinh cũng như tôn chỉ giáo dục "trường học thân thiện" ngày nay.
Nếu phương thức giáo dục ấy tiếp tục được áp dụng, không những không giúp giáo viên quản lý được học sinh mà thậm chí còn dễ gây ra những "cuộc nổi loạn ngầm", chống đối ở lứa tuổi dễ nhạy cảm như các em khi hình phạt quá gay gắt.
"Vì quá khắt khe với lớp nên mỗi khi đến tiết của cô là cả em và các bạn chẳng muốn học, thường không tập trung hoặc làm việc riêng, có nhiều bạn còn bùng tiết", nam sinh này kể.
"Tuy rằng lớp em đã xin đổi thành công nhưng đó là khi lên lớp 12, trước đó cô vẫn tiếp tục phụ trách dạy lớp em đến hết lớp 11. Khoảng thời gian đó, không khí giữa cô và lớp trở nên rất gượng gạo và bối rối, dù cô đã không còn gay gắt như trước", Bảo hồi tưởng lại.
Người thầy đáng kính, người bạn đáng quý
Nhắc đến hình tượng người thầy lý tưởng, nhiều bạn trẻ Gen Z, trong đó có Minh Anh cho biết đó là một giáo viên là người vừa có thể truyền đạt kiến thức, vừa có thể là người bạn luôn sẵn sàng để sẻ chia.
Thầy cô dạy có tâm, trò cũng cảm nhận được sự thu hẹp dần khoảng cách thầy trò, thay vào đó là tình cảm và sự gắn kết.
Minh Anh chia sẻ rằng, nếu đứng ở góc độ của học sinh, thầy cô sẽ hiểu rằng em và các bạn học sinh khác luôn mong được gần gũi, chia sẻ với thầy cô những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của mình.
"Bây giờ học sinh chúng em có rất nhiều mối quan tâm khác ngoài việc học. Vậy nên, người thầy mơ ước của em là người truyền được cho em cảm hứng học tập.
Ngoài ra, còn là người chỉ dạy cho em những kiến thức, cách ứng xử trong xã hội nữa", đó là "chân dung người giáo viên lý tưởng" của Minh Anh, một học sinh THPT.
Nhìn nhận ở một góc độ của sinh viên, bạn Nguyễn Đức Huy (sinh viên trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định liên tục ứng dụng công nghệ, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp truyền đạt chính là "từ khóa" để phác họa chân dung giảng viên giỏi của thời hiện đại.
Theo Huy, với những thế hệ học trò giai đoạn công nghệ thông tin chưa hình thành và phát triển thì giáo viên có vai trò là người chuyển giao kiến thức.
Vậy nhưng, đối với những sinh viên Gen Z như Huy, được tiếp cận với nhiều luồng văn hóa và nguồn thông tin khổng lồ mang tính toàn cầu thì giảng viên sẽ trở thành người định hướng, kết luận các vấn đề học tập mà các em tìm hiểu, trình bày được.
"Bây giờ, tụi em học từ nhiều nguồn chứ không chỉ học từ thầy cô. Vậy nên, em mong đợi thầy cô có thể ứng dụng công nghệ mới vào trong giảng dạy, có phương pháp giảng dạy thú vị để tăng hiệu quả học tập cũng như khơi gợi sự sáng tạo ở sinh viên", nam sinh chia sẻ.
Ngoài hướng dẫn sinh viên trong học tập, Huy cũng hy vọng thầy cô sẽ trở thành người bạn, tiền bối đi trước hỗ trợ sinh viên không chỉ trên con đường tri thức mà còn cả trên con đường sự nghiệp.