Cô Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Tổ trưởng tổ sinh - công nghệ (trường THPT Hoàng Diệu, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, việc tổ chức dạy học theo định hướng giáo dục STEM nhằm định hướng giáo dục toàn diện, thúc đẩy 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán, với mục tiêu chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ngành nghề liên quan, nhờ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận kiến thức liên môn trong dạy học với mục tiêu nâng cao hứng thú học tập các môn học thuộc các lĩnh vực nói trên; vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề điều khiển sinh trưởng và ra hoa của cây trong thực tiễn; kết nối trường học và cộng đồng; định hướng hành động, trải nghiệm trong học tập; hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Sau hoạt động này, học sinh có khả năng biết pha trộn tỷ lệ chất trồng và phân theo công thức cho sẵn; biết trồng cây vào chậu; xác định được nhiệm vụ của mình là trồng cây, chăm sóc, bón phân với các yêu cầu cây sinh trưởng và phát triển ra sao trong chậu, cách tưới nước, bón phân như thế nào, cũng như theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, điều khiển sinh trưởng và ra hoa của cây vạn thọ, cây hướng dương.
Để giúp các em thực hiện tốt chuyên đề, nhà trường đã bố trí nhà thực nghiệm giáo dục theo mô hình STEM, chậu trồng cây, đất trồng, cây con (gồm cây vạn thọ và cây hướng dương lùn, hai giống cây đều có thời gian sinh trưởng khoảng 55 đến 60 ngày) và phân bón URE, NPK, phân bón lá.
Kết quả thực nghiệm có 100% học sinh của các lớp tham gia dự án, mỗi học sinh chịu trách nhiệm chăm sóc, điều khiển sinh trưởng phát triển của một chậu cây và kết quả phát triển của chậu cây đó.
Trong quá trình thực nghiệm, học sinh tích cực chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng phát triển của cây, ghi hình, ghi nhật ký, đến cuối đợt thực nghiệm mỗi học sinh viết bài báo cáo thu hoạch nộp cho nhóm trưởng và giáo viên hướng dẫn để đánh giá kết quả thực nghiệm.
Số liệu tổng thể cho thấy các em thực hiện trồng khoảng 366 cây hoa vạn thọ (trong đó có 360/366 sống, đều ra hoa, với số hoa trung bình trên cây khoảng từ 10 đến 14 hoa).
Với cây hoa hướng dương, các em trồng 40 cây, số cây sống là 40, đều ra hoa, với số hoa trung bình trên cây khoảng từ 3 đến 6 hoa/cây.
Là người thực hiện trồng cây hoa hướng dương, em Lưu Vĩnh Tường (học sinh lớp 11A7) cho biết: "Chúng em rất vui, hào hứng khi được thực hiện chuyên đề theo định hướng giáo dục STEM.
Chúng em được học thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực, từ đó hứng thú học tập các môn học, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề điều khiển sinh trưởng và ra hoa của cây trong thực tiễn.
Sau khi thực hiện chuyên đề này, chúng em đã biết pha trộn tỷ lệ chất trồng và phân theo công thức cho sẵn. Biết trồng cây, chăm sóc, bón phân để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt là điều khiển cây sinh trưởng và ra hoa đúng thời điểm. Tết này chúng em có hoa chưng Tết do chính tay mình trồng".
Giáo dục STEM - viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học) - là một phương pháp dạy học nhằm hình thành, rèn luyện tri thức, năng lực cho học sinh (HS) thông qua các đề tài, bài học, chủ đề có nội dung thực tiễn.
Trong quá trình dạy học, các kiến thức và kỹ năng thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học được hình thành và phát triển thông qua việc vận dụng, phối hợp chúng để giải quyết vấn đề thực tiễn được đặt ra.
Giáo dục STEM đề cao hoạt động thực hành và phương pháp mô hình trong giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống thông qua hoạt động nhóm, tập thể, cộng đồng. Từ đó, rèn luyện cho HS năng lực tư duy, sáng tạo, tranh luận, phản biện…
Giáo dục STEM cũng trang bị cho HS những kỹ năng phù hợp để phát triển trong thế kỷ 21: Tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng diễn đạt và thuyết trình, kỹ năng trao đổi và cộng tác, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo dự án…
Cao Xuân Lương