Đây là hình thức xử lý học sinh vi phạm nội quy mới được Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) áp dụng từ đầu tháng 4 và nhận được sự phản ứng tích cực từ học sinh.
Trả lời PV VTC News, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - cho biết, những hình thức xử lý cũ như dọn vệ sinh lớp, chép phạt, kiểm điểm lâu nay khó giúp học sinh thay đổi nhận thức, hành vi và không phải là cách hay.
Theo thầy Phú, việc đọc sách giúp tác động trực tiếp vào nhận thức, suy nghĩ của học sinh. Khi nhận thức được đủ và đúng vấn đề, các em sẽ tự biến chúng thành những hành động đúng, đẹp. Muốn học sinh thay đổi theo hướng tích cực, người thầy phải đưa ra cách xử lý vi phạm nhân văn, phù hợp để học trò nhận ra lỗi của mình và không tái phạm nữa.
“Để xây dựng văn hóa đọc đối với các bạn trẻ không hề dễ, việc này phải được thực hiện ngay ở môi trường học đường. Bởi hiện nay các thiết bị thông minh quá nhiều, cần gì thì chỉ cần bấm tra là ra ngay. Chính vì vậy gây nên sự chây lười ở các em, lười đọc cũng là biểu hiện của việc đó”, thầy Phú nói.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng có đủ khả năng để tiếp nhận thông tin có chọn lọc, chính vì vậy, nhà trường phải là cái nôi vững chắc để các em có nền tảng kiến thức trước đầy rẫy thông tin trên mạng xã hội.
“Phát triển văn hóa đọc, học sinh sẽ đỡ sa đà vào điện thoại và làm những điều không hay theo trên mạng, nhất là tình trạng xung đột học đường xảy ra thường xuyên hơn thời gian gần đây”, thầy Phú thông tin.
Vị hiệu trưởng này cho biết thêm, gần đây tình trạng xung đột học đường xuất hiện nhiều với các nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, bước đầu trường hướng cho học sinh đọc những cuốn sách về hạt giống tâm hồn, người con hiếu thảo, sau đó cho các em viết cảm nhận. Trường sẽ có đánh giá và lựa chọn những bài cảm nhận hay, sâu sắc để treo lên thư viện cho học sinh khác cùng đọc, tham khảo.
"Từ đó có thể đánh thức được tâm hồn trong các em, nuôi dưỡng tâm hồn các em ngày một đẹp hơn, tốt hơn", thầy Phú nói.
Em Quang Huy (học sinh lớp 11, Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho biết, nhà gần trường nhưng do chủ quan nên hay đi trễ. Trước đây, mỗi lần đi trễ em sẽ phải quét lớp, hoặc dọn dẹp vệ sinh. Nhưng từ khi áp dụng hình thức đọc sách và viết bài cảm nhận cho những lỗi vi phạm, Quang Huy rút ra được nhiều bài học.
“Em thấy hình thức xử phạt vi phạm mới của trường khá thú vị. Mục đích của việc xử phạt này giúp chúng em nhận ra lỗi và không tái phạm. Ngoài ra em cảm thấy việc viết cảm nhận là nhẹ nhàng, em và các bạn đều vui vẻ thực hiện rất nghiêm túc”, Quang Huy nói.
Cũng vi phạm lỗi đi học trễ, Thanh Thư (học sinh lớp 11, Trường THPT Bùi Thị Xuân) cho hay, khi viết bài cảm nhận còn có thể trau dồi được thêm khả năng viết văn, và hạn chế được tình trạng đọc những đầu sách thích. Có thể tiếp cận được tất cả các thể loại sách bổ ích khác nhau.
Sau gần 1 tháng áp dụng, việc đổi mới hình thức xử lý vi phạm nội quy của Trường Bùi Thị Xuân không chỉ nhận được sự đồng tình của học sinh, mà các phụ huynh cũng rất ủng hộ.
Ông Thanh Vũ (ngụ quận 10, phụ huynh học sinh Thanh Thư) cho rằng, đây là sự đổi mới mang tính tích cực, nhân văn của trường. “Tôi thấy con tôi thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cảm ơn trường đã có cách xử lý vi phạm văn minh, nhân văn và bổ ích giúp nuôi dưỡng tâm hồn các con, để các con có thể tự hoàn thiện bản thân một cách tốt nhất”, ông Vũ nói.