Mùa hè năm nay, Mingyu bận rộn hơn bao giờ hết. Như nhiều bạn bè tại Bắc Kinh, lịch trình nghỉ lễ của cậu bé 12 tuổi dày đặc các buổi học: hai lớp tiếng Anh, hai lớp Toán, một lớp Vật lý cùng bài tập bổ trợ bởi ba trung tâm khác. Điều khác biệt duy nhất giữa năm nay và năm ngoái, là toàn bộ các lớp học của Mingyu đều trái luật.
Chính sách cấm dạy thêm của Trung Quốc được ban hành tháng 7/2021, khiến hàng nghìn cơ sở dạy thêm phải đóng cửa hoặc chuyển thành các tổ chức phi lợi nhuận. "Giảm kép" là đòn giáng mạnh mẽ vào ngành công nghiệp dạy thêm rộng lớn của nước này, khiến hàng nghìn nhân viên bị sa thải và thiệt hại tài chính quy mô lớn.
Các tổ chức phi lợi nhuận thường chỉ được phép tính 20 tệ cho mỗi 30 phút học, trong khi con số này ở các trung tâm tư thục là 100, đôi khi cao hơn. Do đó, thị trường "lớp học chợ đen" vẫn tiếp tục xuất hiện sau lệnh cấm. Những trung tâm ngầm này chủ yếu phục vụ các gia đình giàu có, có quan hệ tốt, trao cho học sinh đặc quyền để tạo khoảng cách với nhóm còn lại.
Trong quý II năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc điều tra 140.000 đơn vị dạy thêm, trong đó 3.000 vẫn đang tổ chức các lớp học bất hợp pháp. Bộ cũng đóng cửa 464 trung tâm vẫn tiếp tục hoạt động sau khi tuyên bố đóng cửa.
Lý do các trung tâm vẫn tiếp tục tồn tại bất chấp lệnh cấm là vì nhu cầu lớn của phụ huynh, những người không hài lòng với chất lượng giáo dục trong trường học. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 6 của tờ báo China Youth Daily, 62% phụ huynh cho rằng các trường cần cải thiện chất lượng.
PGS Hua-Yu Sebastian Cherng của Đại học New York, người nghiên cứu về hệ thống giáo dục của Trung Quốc, cho rằng khi một điều luật ảnh hưởng chủ yếu đến các gia đình trung lưu - những người có nhiều nguồn lực và hiểu biết nhất về đời sống Trung Quốc - họ sẽ tìm cách lách luật.
Trong trường hợp của Tao - mẹ Mingyu, việc lách luật "rất đơn giản". Đa số các trung tâm nơi cô gửi Mingyu và anh trai của cậu bé chưa bao giờ đóng cửa. Trong khi đó, các công ty gia sư lớn nhất cả nước buộc phải thu hẹp đáng kể quy mô kinh doanh do lệnh cấm.
Wu Xiaoxiao, một phụ huynh ở Bắc Kinh, hợp tác với hai gia đình khác để tìm giải pháp. Họ nhanh chóng tìm được một gia sư tiếng Anh người nước ngoài đồng ý tổ chức các lớp học riêng cho con họ. "Cảm giác như tìm ra ánh sáng trong bóng tối. Tất cả các trung tâm lớn đều đóng cửa và tôi không biết phải đi đâu. Tôi sẽ không để con tôi phải ngừng học, miễn là con theo được", Wu nói.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng sẵn lòng chia sẻ với gia đình khác về những điều họ đang làm để con cái có thể tiếp tục học thêm. Theo Fan, một bà mẹ sống ở Thượng Hải, nhiều phụ huynh cố gắng làm cho người khác nghĩ rằng con họ dễ dàng đạt điểm cao mà không cần tìm đến những lớp học ngoài giờ.
Các nhà xã hội học cho rằng trường hợp này dường như rất phổ biến. Một số phụ huynh nói rằng họ giữ bí mật chuyện con học gia sư, một phần lo lắng sẽ có người báo nhà chức trách, mặt khác bởi "sự cạnh tranh ở trường quá khốc liệt nên các gia đình không muốn những đứa trẻ học cùng một gia sư".
Một trong những mục tiêu chính của "giảm kép" là ngăn phụ huynh chi trả quá nhiều cho việc học của con cái. Nhưng trong một số trường hợp, chính sách này đã khiến các bậc cha mẹ như Wu phải trả nhiều tiền hơn cho các lớp học tư so với trước đây, bởi các dịch vụ gia sư giá cả phải chăng trên thị trường đại chúng đã biến mất, chỉ còn lại những lựa chọn nhỏ và đắt tiền hơn.
Trước lệnh cấm, Wu chỉ phải trả hơn 20.000 tệ một năm (khoảng 70 triệu đồng) cho con gái học ở trung tâm tiếng Anh. Bây giờ, tiền học thêm của con gái Wu đã tiêu tốn của gia đình cô 10.000 tệ mỗi tháng.
Đối với vợ chồng Wu, các khoản phí đều không phải là vấn đề bởi họ có công việc và thu nhập tốt (hơn một triệu tệ). Nhưng nhiều gia đình không may mắn như vậy. Trung bình, các cặp vợ chồng ở Bắc Kinh kiếm được khoảng một phần bốn so với thu nhập của vợ chồng Wu.
"Gia sư ngày càng đắt đỏ. Bây giờ, ngay cả những gia đình trung lưu cũng không kham nổi", PGS Cherng nói.
Không cho con đi học thêm, phụ huynh tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể nhưng những gia đình này thậm chí còn lo lắng hơn. Trước khi có lệnh cấm, Fan từng cho con gái học hai lớp Toán và tiếng Anh. Hiện, chỉ một trong số các trung tâm vẫn hoạt động theo mô hình tổ chức phi lợi nhuận, chỉ gửi các bài giảng được ghi âm và ghi hình từ trước.
Ban đầu, Fan nghĩ mình thuộc tuýp phụ huynh thoải mái, không ám ảnh về việc học của con. Nhưng khi thấy con gái 11 tuổi học được rất ít từ các video và đạt điểm kém hơn, Fan ngày càng lo lắng.
"Thành thật mà nói, tôi khó chịu và bất an vì hiện con tôi không có bất cứ lớp học thêm nào. Đúng là tôi đang chi tiêu ít hơn đáng kể trước kia, nhưng tôi phải dành nhiều thời gian để kèm con học, và tôi không thể dạy một cách bài bản, có hệ thống như cách các trung tâm đã làm", Fan nói.
Cuối tháng 6, hàng trăm phụ huynh ở Thượng Hải đã đổ xô tải một ứng dụng tiếng Anh sau khi nghe tin công ty tạo ra ứng dụng sẽ tổ chức đào tạo Olympic toán trong kỳ nghỉ hè. Công ty này đã lách lệnh cấm dạy thêm bằng cách đăng ký ứng dụng ở nước ngoài nên nó không vi phạm các quy định của Trung Quốc. Dịch vụ tính bằng Đô-la Singapore, sử dụng cả tài liệu giảng dạy tiếng Anh và tiếng Trung. Tuy nhiên, các giáo viên của trường hầu hết là những người được tuyển tại địa phương.
Hàng nghìn phụ huynh đã đăng ký cho con, sẵn sàng trả học phí cao, nhiều đến nỗi ứng dụng này gặp sự cố truy cập. "Không ai muốn bỏ lỡ một lớp học cao cấp như thế này. Chừng nào vẫn còn cửa hậu vào các trường đáng mơ ước, thì cuộc cạnh tranh sẽ không dừng lại", một bà mẹ chia sẻ.
Một trung tâm dạy kèm Toán ở Thượng Hải, đã đăng ký hoạt động là tổ chức phi lợi nhuận, cũng bí mật triển khai các lớp học trực tuyến trong kỳ nghỉ hè. Phụ huynh đăng ký bằng cách chuyển học phí vào một tài khoản riêng trên ứng dụng Wechat.
Nhiều phụ huynh Thượng Hải cảm giác rằng các dịch vụ dạy thêm đang âm thầm quay trở lại. Dù vậy, các giáo viên, gia sư vẫn còn cẩn trọng.
Cựu giáo viên tại trung tâm học thêm từng lớn nhất Trung Quốc cho rằng "không thể biết mình có thể đi bao xa". Theo cô giáo này, chính sách vẫn được giữ nguyên, nhà chức trách có thể siết chặt hoặc kiểm tra bất cứ lúc nào, đồng nghĩa với việc các "lớp học chợ đen" phải chấm dứt. "Đây vẫn là một công việc kinh doanh đầy rủi ro, và tôi không sẵn sàng", cô nói.