Học sinh nên làm gì khi bị bắt nạt trực tuyến?

MINH AN| 29/10/2021 16:00

Bị bắt nạt trực tuyến trong thời gian dài học sinh có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Những ngày gần đây N.P.M. - học sinh lớp 9 tại một trường trung học trên địa bàn Hà Nội đang thấy vô cùng sợ hãi. M. tâm sự em vốn là một học sinh năng động, thích chia sẻ quan điểm cá nhân và sở thích trên facebook cá nhân.

Tất nhiên, như bao học sinh khác M. cũng có một đám bạn thân có cùng sở thích âm nhạc, thậm chí là phát cuồng một số ngôi sao mới nổi.

Cách đây nửa tháng, ngôi sao mà nhóm bạn của M. thần tượng ra abum mới, thay đổi từ phong cách biểu diễn đến trang phục và M. thì không thích sự thay đổi này nên em đã chia sẻ lại các bài hát trước đây của thần tượng và nhận xét rằng không thích sự thay đổi của thần tượng.

Điều mà M. không ngờ đến là bài viết vừa xuất hiện em bị chính những người bạn thân trong nhóm của mình nhận xét bằng những lời lẽ thô tục, thậm chí xúc phạm M. rằng “cổ hủ, không có não nên mới bình luận thế”.

Rồi hội bạn tẩy chay M., có người còn chế ảnh M. thành ảnh 18+ rồi bêu riếu trên mạng xã hội. Sự việc chỉ kết thúc sau khi M. khóa tài khoản cá nhân và ở yên trong nhà không nói chuyện với ai khoảng hơn 1 tháng.

Sau sự cố M. từ cô gái năng động thích chia sẻ nhận định về cuộc sống thành cô bé rụt rè, không thích giao du với bạn bè và cũng chẳng dám nhận xét điều gì. Nhắc đến những gì đã qua, M. vẫn còn thấy sợ hãi.

bat-nat.png

Có thể nói M. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ em là nạn nhân của những cuộc bắt nạt trong không gian số.

Đặc biệt, ngày nay, nguy cơ bị bắt nạt online ngày càng gia tăng khi học sinh học trực tuyến ngày càng nhiều bởi các hình thức khác nhau như gửi tin nhắn đe dọa, đăng tin nhắn nhạy cảm, đăng ảnh cá nhân bị cắt ghép, tẩy chay, viết không đúng sự thật, bình luận tiêu cực về cá nhân...

Khi bị bắt nạt trẻ thường có tâm lý thay đồi hành động đột ngột, tâm lý thất thường, khó chiu, lo lắng về việc đi học hoặc đi chơi.

Thậm chí, bắt nạt trực tuyến có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng lên tinh thần nạn nhân như: stress, lo âu, trầm cảm và thậm chí là tự tử.

Theo các chuyên gia tâm lý thì việc bắt nạt diễn ra nhiều nhất khi trẻ từ 9-16 tuổi đó là tuổi trẻ nổi loạn “cực điểm” vì muốn tự do đi tìm cái tôi, muốn khẳng định mình nên bên cạnh việc để ý sự thay đổi của con thì bố mẹ nên theo sát cũng như tìm cách trò chuyện với con thường xuyên.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) thì nếu các con nhận ra bất cứ thông tin mang tính chất bắt nạt thì đầu tiên là phải lưu giữ bằng chứng, chụp lại tất cả hình ảnh nếu có.

Trong trường hợp học sinh nhận thấy tình hình nghiêm trọng thì phải ghi lại đầy đủ minh chứng để báo với cơ quan an ninh vào cuộc.

“Quan trọng học sinh phải nhớ là không được có phản hồi đối với những tin nhắn đe dọa ấy mà phải tìm cách báo cho bố mẹ để chặn tài khoản xúc phạm mình ngay lập tức. Hoặc có thể gửi báo cáo cho các trang tương tác của các con trên facebook, gmail và chia sẻ sự việc với người lớn, không giữ nó làm bí mật để người lớn có những cách hỗ trợ kịp thời các con”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Về phía nhà trường, để phòng chống việc học sinh bị bắt nạt thì nhà trường nên áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với tất cả những ai bắt nạt bạn dù là trực tiếp hay trực tuyến.

Nhà trường cũng cần trao đổi rõ với học sinh rằng mọi hành vi đe dọa, quấy rối, bắt nạt bạn đều được xử lý nghiêm khắc để răn đe học sinh ngay từ đầu. Ngoài ra, học sinh, phụ huynh và giáo viên có thể thảo luận về phòng chống bắt nạt tại các buổi học kỹ năng sống để hạn chế tối đa vấn đề trẻ bị bắt nạt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học sinh nên làm gì khi bị bắt nạt trực tuyến?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO