Học sinh lớp 12 chạy đua vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi đánh giá năng lực

Hà Cường| 10/01/2022 11:41

Các trường giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, buộc học sinh lớp 12 phải thay đổi phương án ôn tập để giành tấm vé vào đại học mình mong ước.

Nếu như các năm trước đây, trường đại học chủ yếu dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay tỷ lệ này giảm mạnh, có trường chỉ lấy 10% chỉ tiêu. Sự thay đổi này khiến học sinh cuối cấp khá sốc và lo lắng khi vừa phải ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi bài thi riêng của trường đại học dự kiến đăng ký xét tuyển.

Chuyển hướng ôn tập

Em Nguyễn Thanh Hương, trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, năm nay em xác định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành Kinh doanh thương mại và Kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân. Hy vọng giành được chiếc vé vào đại học, Hương nỗ lực học và đặt mục tiêu ngay từ lớp 10, tuần học thêm 3 buổi Toán - Ngữ văn - tiếng Anh. Để vào được đại học, em xác định phải đạt ít nhất 8,5 điểm mỗi môn.

Học sinh lớp 12 chạy đua vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi đánh giá năng lực - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh minh hoạ)

Nữ sinh khá bất ngờ sau khi trường này công bố sẽ chỉ dành khoảng 10 - 15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; còn lại là sẽ tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp với phương án tuyển sinh riêng.

"Số lượng chỉ tiêu ít, cuộc chạy đua vào đại học sẽ khó hơn. Em quyết định sẽ đăng ký thêm phương thức xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS, tăng cơ hội đỗ", Hương chia sẻ và cho biết thêm, đây là gian đoạn nước rút nên ngoài thời gian học thêm các môn chính để xét tuyển, nữ sinh cũng tranh thủ tìm các đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM để ôn luyện.

Khó khăn lớn nhất với Hương lúc này là làm thử đề thi đánh giá năng lực. "Đọc đề, em cảm thấy hoang mang vì kiến thức rộng. Hơn nữa, những bài tập, kiến thức em đang được ôn không áp dụng nhiều trong đề thi. Chưa kể, đề thi có nhiều kiến thức môn Lý, Hóa, Sinh vốn không phải thế mạnh của em nên em cảm thấy rất căng thẳng, áp lực cho kỳ thi đại học sắp tới", nữ sinh chia sẻ.

Em Trần Đức Bảo, trường THPT Đoan Hùng, (Đoan Hùng, Phú Thọ) cảm thấy khá lo lắng khi các trường đều giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi THPT. Việc giảm chỉ tiêu này đồng nghĩa điểm chuẩn, tỉ lệ cạnh tranh đầu vào rất "đáng sợ".

Năm nay, Đức Bảo dự kiến đăng ký xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật cơ điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai ngành học này năm ngoái điểm chuẩn khá cao, từ 26 đến trên 28 điểm. Năm nay dự kiến tỷ lệ chọi càng cao hơn.

Đức Bảo nhanh chóng đổi mục tiêu và phương pháp ôn tập. Như trước đây, em chủ yếu làm các dạng đề giải nhanh, nắm kiến thức cơ bản và áp dụng công thức để tính toán câu hỏi trắc nhiệm thì nay phải chuyển sang tìm hiểu thêm kiến thức nâng cao. Bởi như bài thi tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020 các mảng kiến thức khá rộng từ đọc hiểu, bài tập nâng cao, kiến thức tự nhiên, xã hội...

Cần hướng dẫn tỉ mỉ hơn

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi dự đoán, năm nay các trường đại học lớn chủ yếu tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực. Do đó, các trường THPT cần xác định đổi mục tiêu dạy học cho khối lớp 12, vừa đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp THPT tỉ lệ cao, vừa mở rộng kiến thức, kỹ năng để học sinh có thể đáp ứng các kỳ thi riêng.

“Năm ngoái, đề thi tốt nghiệp THPT được đánh giá là dễ, nhiều học sinh đạt 29, 30 điểm vẫn không đỗ trường top đầu. Rút kinh nghiệm, năm nay các trường lựa chọn phương thức tuyển sinh riêng là dễ hiểu. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các trường không nên cắt giảm "sốc" chỉ tiêu từ phương thức xét tuyển này. Thí sinh và giáo viên cần có thời gian chuẩn bị và chuyển hướng ôn tập", ông Trung nói.

Học sinh lớp 12 chạy đua vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi đánh giá năng lực - 2

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021. (Ảnh minh hoạ)

Bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, năm nay, nhiều trường đại học lớn trên địa bàn thành phố dự kiến sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển hoặc tổ chức bài thi riêng nên trường cũng phải xây dựng phương án dạy học phù hợp. Trường yêu cầu giáo viên vừa dạy, vừa kiểm tra thường xuyên để đảm bảo học sinh có kiến thức nền tảng chắc chắn nhất sẵn sàng cho các kỳ thi.

Với học sinh, nhà trường thường xuyên định hướng và tư vấn cho các em khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cần lựa chọn thêm một số phương thức khác như học bạ, chứng chỉ quốc tế, bài thi riêng để tăng cơ hội đỗ. Đồng thời, trường thường xuyên cập nhật thông tin đề án tuyển sinh của các trường để kịp thời có sự điều chỉnh trong phương pháp ôn tập.

Bà Quỳnh cho biết thêm, để không “làm khó” học sinh, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn, định hướng chung cho các trường đại học, cao đẳng khi thiết kế nội dung đề thi đánh giá năng lực hoặc bài thi riêng gồm bao nhiêu phần trăm kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông và kiến thức đặc thù của ngành. Làm như vậy sẽ thuận lợi cho học sinh hơn trong quá trình ôn tập.

Bà cũng hy vọng, các trường đại học tổ chức các bài thi riêng, phương thức tuyển sinh kết hợp sớm đưa ra hướng dẫn tỉ mỉ hơn để thí sinh, giáo viên và phụ huynh nắm rõ, tránh tình trạng mơ hồ, đăng ký bừa để sau này bị trượt oan.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện gần 40 trường đại học khu vực miền Bắc và miền Trung đăng ký sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào hệ chính quy năm nay.

Bài thi được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu đánh giá các nhóm năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Cấu trúc, nội dung, mức độ khó dễ, số lượng câu hỏi, bố cục, thời gian, cơ bản không thay đổi so với năm 2021. Trường chỉ điều chỉnh cách thức tổ chức thi như tăng số đợt thi, mở rộng quy mô kỳ thi, phối hợp với các trường đại học để mở thêm địa điểm thi, thay đổi mức lệ phí đăng ký dự thi và thi.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và các trường sử dụng kết quả kỳ thi này xét tuyển, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức từ 7 - 8 đợt thi trong năm, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8.

Hà Cường
Nổi bật Việt Báo
  • Tạm dừng phà từ 12h hôm nay để lắp lại cầu phao Phong Châu
    Phà chuyên dụng của quân đội chở phương tiện và người dân qua sông Hồng sẽ tạm dừng hoạt động sau 2 ngày hoạt động.
  • Chuyển đổi số đưa đất nước vào kỷ nguyên mới
    Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 được Uỷ ban Quốc gia chuyển đổi số định hướng nội dung chủ đề: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
  • Chăm sóc mẹ và bé tuần đầu tiên sau sinh
    Việc chăm sóc mẹ và bé trong tuần đầu tiên là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong việc phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm như xuất huyết sau sinh, nhiễm trùng, hoặc tình trạng sức khỏe không ổn định của trẻ.
  • Giá lợn hơi hôm nay (6-10): Bình ổn
    Ghi nhận giá lợn hơi hôm nay ngày 6-10 dao động trong khoảng 64.000 - 69.000 đồng/kg. Nhìn chung, thị trường lợn hơi đang dần ổn định sau chuỗi ngày biến động mạnh mẽ.
  • Bát canh yến hầm táo đỏ của chị dâu cả được mẹ chồng khen hết lời
    Tôi chỉ muốn giãi bày nỗi lòng của con dâu út trong gia đình mà tình yêu và sự công bằng dường như luôn nghiêng về một phía. Dù biết rằng dâu cả và dâu út có số phận riêng, nhưng nỗi ấm ức này, tôi biết phải giải tỏa thế nào cho nguôi?
Đừng bỏ lỡ
Học sinh lớp 12 chạy đua vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi đánh giá năng lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO