Quyết định trên của UBND thành phố Hà Nội dựa trên đề xuất của Sở GD&ĐT.
Trẻ Tiểu học và lớp 6 ở 12 quận nội thành là nhóm học sinh phổ thông cuối cùng được trở lại trường. Giống như các bậc học khác, lớp 1 - 6 ở nội thành chỉ học 1 buổi, chưa được tổ chức ăn bán trú khi học trực tiếp.
Việc tổ chức cho học sinh trở lại trường được thực hiện theo nguyên tắc: chỉ tổ chức dạy trực tiếp tại các địa bàn dịch cấp độ 1 và 2 Theo đánh giá cấp độ dịch của Hà Nội được công bố tối 11/2, số xã, phường cấp độ 1 là 536 (chiếm gần 93%); cấp độ 2 là 43 (hơn 7%). Toàn thành phố không có địa bàn cấp độ 3 và 4.
Như vậy, toàn bộ 1,6 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội đã được cho phép học trực tiếp, sau hơn 9 tháng ở nhà học trực tuyến.
Hiện còn khoảng 600.000 trẻ mầm non, thành phố chưa công bố kế hoạch trở lại trường của các em.
Trước đó, học sinh lớp 7 - 12 tại các vùng xanh, vùng vàng trên toàn thành phố đi học trực tiếp từ ngày 8/2, học sinh lớp 1- 6 của 18 huyện ngoại thành đi học từ 10/2. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội quy định các trường chỉ dạy học 1 buổi trực tiếp/ngày, không tổ chức bán trú, việc này gặp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh.
Liên quan đến việc Hà Nội chưa tổ chức bán trú, ông Trần Thế Cường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ, Sở GD&ĐT thấu hiểu những khó khăn, bất tiện của phụ huynh trong tuần đầu cho con trở lại trường, đặc biệt là nguyện vọng mở cửa bán trú trở lại.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT tính toán kỹ lưỡng các phương án và sớm có lộ trình đề xuất lên UBND thành phố về việc cho phép các trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh, học sinh đến trường trong điều kiện bình thường mới. "Quan điểm của tôi và Sở GD&ĐT là đặt sức khoẻ, an toàn của học sinh lên hàng đầu", ông nói.
Hà Cường