Từ sau Tết Nguyên đán đến nay Nguyễn Khánh Phương, học sinh lớp 9 trường THCS Minh Khai luôn ngóng tin tức về kỳ thi lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội. Ở các hội nhóm, thấy bạn bè đoán môn thi thứ 4, em cũng tham gia. Thậm chí em và các bạn còn thống kê xác xuất môn thi thứ 4 giữa các năm để đoán xem năm nay Hà Nội sẽ lựa chọn các môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hay Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học).
"Em không có thế mạnh ở mảng kiến thức Khoa học tự nhiên nên rất sợ môn thi thứ 4 rơi vào một trong 3 môn Lý, Hoá, Sinh. Em chỉ mong thi các môn xã hội, dễ dàng được điểm cao, đỗ vào trường THPT Việt Đức mơ ước", nữ sinh nói. Ba năm học qua, Phương là lứa học sinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, nhất là năm học 2021 - 2022, hầu hết thời gian đều học online.
Dù mong chờ nhưng Phương và các bạn trong lớp đều rất hy vọng thành phố sẽ bỏ môn thi thứ tư để giảm bớt áp lực cũng như phù hợp với tình trạng học online kéo dài thời gian qua.
Với mục tiêu vào THPT Phan Đình Phùng, Trần Bảo Hân, học sinh lớp 9 trường THCS Chu Văn An tập trung toàn lực ôn luyện và bổ sung kiến thức ba môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.
Riêng môn thứ tư, Hân rất lo lắng bởi thời gian từ khi công bố đến khi diễn ra kỳ thi không nhiều, phạm vi đề thi có thể bao trùm kiến thức cả năm lớp 9. Trong khi đó, dịch COVID-19 kéo dài, việc học liên tục bị gián đoạn suốt ba năm qua, nếu phải thi thêm môn thi thứ 4 sẽ rất áp lực và vất vả cho em và các bạn.
"Cả học kỳ 1 năm học lớp 9 em và các bạn phải học online. Kỳ 2, được đến trường học trực tiếp thì liên tục phải nghỉ vì lớp có F0, bản thân em cũng đang là F0. Cứ như vậy, lóp em tạm dừng học trực tiếp để chuyển sang học online mà chưa hẹn ngày trở lại trường. Do đó, em và các bạn đều chung mong muốn bỏ môn thi thứ 4, vì chúng em không tự tin vào kiến thức học online thời gian qua. Nếu vẫn phải thi vào lớp 10 bằng 4 môn thì thực sự quá áp lực", nữ sinh nói.
Năm ngoái, môn thi thứ 4 được công bố vào 12/3, Hân mong năm nay sớm công bố để học sinh tập trung ôn luyện.
Tương tự, Nguyễn Thế Nam, học sinh lớp 9 trường THCS Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) thấp thỏm, sốt ruột mong chờ ngày công bố môn thi thứ 4. Nam đánh giá, học trực tuyến chỉ đạt 50% hiệu quả so với học trực tiếp, trong khi chỉ hơn 5 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 công lập, nhưng các kiến thức của em còn yếu. Em và các bạn từng thử qua một số đề kiểm tra và điểm số thấp, chưa đạt mức trung bình. Điều này càng khiến em lo lắng không thể đỗ được vào trường THPT công lập.
"Hy vọng đợt thi vào lớp 10 tới, Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ 4 vừa để học sinh yên tâm hơn và giảm áp lực học. Nếu học trực tuyến kéo dài mà vẫn phải thi 4 môn vào lớp 10 sẽ là thiệt thòi với chúng em", Nam nói
Giáo viên các trường cũng mong muốn Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh, hoặc nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập. Cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ, ngay khi đi học trực tiếp, nhà trường yêu cầu giáo viên củng cố kiến thức còn thiếu hụt cho học sinh, dạy đều tất cả các môn, giúp học sinh có tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. "Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, tình trạng học online dài ngày, cô Hương cũng cho rằng việc bỏ môn thi thứ 4 sẽ hợp lý hơn cả", cô nhấn mạnh.
Giống cô Hương, cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay, vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp. Do Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4 nên học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả môn.
Cô Lan đề xuất, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh, hoặc nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3 năm nay.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc thi 3 môn hay 4 môn không quan trọng. Học sinh không nên quá lo lắng về việc bớt môn thi, thay vào đó cần làm rõ trọng tâm thi.
Yêu cầu của cuộc thi là kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh, khả năng tư duy, không phải kiểm tra số lượng kiến thức. Vì vậy, khi ra đề, Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng đưa ra bài toán xem năng lực tư duy của học sinh đến đâu, để các em tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự suy ngẫm.
Sở GD&ĐT Hà Nội nên hướng dẫn rõ ràng trọng tâm của các môn thi. “Nếu học theo sách giáo khoa thì rất nhiều, dàn trải, cần cho học sinh biết đâu là trọng tâm, đâu là kiến thức cơ bản, ngoài ra cũng cần xem cách các em vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống ra sao. Đó là năng lực cần hướng tới. Quan điểm của tôi là Sở sớm công bố trọng tâm các môn thi và có định dạng bài giải, rèn tư duy gắn với thực tiễn để học sinh luyện tập chứ không nên cộng nhiều giờ học bù để gắn kiến thức vào. Như thế sẽ không lo học 3 hay 4 môn, không cần chạy theo số lượng”, ông nói.
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng, số lượng môn thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được Sở GD&ĐT Hà Nội cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, phụ thuộc trên điều kiện dịch bệnh thực tế.
“Với tình hình học sinh học online kéo dài, nếu thi môn thứ 4 thì những kiến thức cũng đơn giản, chỉ nằm trong nội dung chương trình học. Vậy nên, giai đoạn này, các em học sinh thay vì lo lắng, sợ hãi hãy tập trung hết sức lực cho việc học tập, ôn luyện”, thầy Nhâm chia sẻ.
Hà Cường