Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vấp hàng loạt sai phạm, khiến học sinh phải gánh giá sách giáo khoa cao bất hợp lý.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng để phục vụ điều tra những sai phạm xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Trong đó, ông Nguyễn Đức Thái và các bị can bị khởi tố về các tội danh " trong khi thi hành công vụ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng Dân trí nhìn lại những mốc thời gian đáng chú ý liên quan đến sai phạm nghiêm trọng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đầu tháng 5/2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) công bố giá sách giáo khoa (SGK) lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mức cao hơn nhiều so với giá SGK hiện hành khiến dư luận phản ứng.
Cụ thể, năm học 2022-2023, giá SGK các lớp 3, 7 và 10 tiếp tục tăng cao hơn 2-3 lần so với bộ sách cũ.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, sở dĩ bộ SGK mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ.
Trả lời PV Dân trí thời điểm đó, đại diện NXBGDVN cho rằng, giá bán sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được kê khai mới, không phải tăng giá.
NXBGDVN cũng dẫn một số nguyên nhân và điểm khác biệt giữa chi phí tổ chức biên soạn bộ SGK hiện hành so với bộ mới, khiến giá sách cao gấp nhiều lần so với hiện hành.
Mặc dù Bộ GD&ĐT cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lý giải về nguyên nhân giá SGK cao nhưng theo nhiều chuyên gia, vẫn có nhiều kẽ hở khiến SGK tăng giá bất hợp lý.
Chẳng hạn việc Bộ GD&ĐT cho phép tăng số đầu sách giáo khoa bắt buộc so với chương trình cũ, khiến người dân phải bỏ chi phí lớn để đổ vào việc mua sắm SGK.
Cụ thể, bộ sách lớp 2 cũ chỉ có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ thì sách mới lên tới 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ.
Bộ SGK lớp 3 chương trình cũ chỉ gồm 6 cuốn thì bộ mới có tới 12 cuốn, chưa kể sách Tiếng Anh. SGK lớp 7 tăng từ 12 lên 13 cuốn.
Đặc biệt, ở chương trình phổ thông mới, lần đầu tiên học sinh có sách giáo khoa môn "Giáo dục thể chất" và sách giáo khoa của "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo".
Một số ý kiến cho rằng, những môn học này, học sinh chủ yếu học ngoài trời. Có nhất thiết "vẽ" thêm SGK cho học sinh khiến tăng đầu sách và đội giá gấp 2-3 lần?
Tháng 7/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội giải quyết đơn tố giác của công dân về việc ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV NXBGDVN có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật đấu thầu năm 2013; Luật quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 trong việc thực hiện mua sắm vật tư (giấy in sách giáo khoa) phục vụ năm học 2022-2023.
Ngày 5/7/2022, dư luận bất ngờ khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với ông Nguyễn Đức Thái.
Theo đó, ông Nguyễn Đức Thái có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo NXBGDVN tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.
Cuối tháng 12/2022, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận, cho rằng việc NXBGDVN lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh "có nhiều bất thường, chưa đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế".
Kết quả xác minh đến nay cho thấy, có sự móc ngoặc giữa NXBGDVN và công ty cung cấp giấy in sách, giá giấy in bị đẩy lên cao bất thường.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại NXBGDVN, giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của đơn vị này có sai sót dẫn đến phụ huynh học sinh phải mua bằng giá đã đăng ký giá từ năm 2011 được ấn định trên bìa sách.
Mức giá mà người dân phải mua bị xác định cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 85 tỷ đồng.
Trong khi đó, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh sách giáo khoa còn một số thiếu sót, vi phạm dẫn đến giá sách giáo khoa đã được nhà xuất bản đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý.
Ngày 13/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên NXBGDVN thuộc Bộ GD&ĐT"; khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can gồm:
Nguyễn Đức Thái (61 tuổi) - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Nguyễn Thị Thanh Thủy (56 tuổi) - nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing của Công ty TNHH Một thành viên NNXBGDVN cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ";
Đinh Quốc Khánh (53 tuổi) - nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing của Công ty TNHH Một thành viên NXBGDVN;
Tô Mỹ Ngọc (43 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Đặc biệt, theo kết quả điều tra xác định, ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với ba bị can còn lại vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc.
Ngay sau khi những vấn đề lùm xùm về giá cả in ấn SGK được đưa ra, trả lời PV của PV Dân trí trước đây, bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội khóa XIV từng cho rằng, khi có vấn đề bức xúc, dư luận phản ứng mạnh mẽ, Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, có câu trả lời thỏa đáng, thể hiện rõ quan điểm của cơ quan chủ quản. Bộ không nên im lặng khiến người dân hoang mang.
Theo phân tích của đại biểu này, sẽ có muôn vàn lý do để các NXB đưa ra cho việc tăng giá sách giáo khoa. Một khi người làm giáo dục không đặt tâm thế vì người học, học sinh và phụ huynh sẽ rất khổ.
Bà Hiền khẳng định, việc làm SGK hiện nay đang bị "ngược", nghĩa là người làm sách không đặt mình vào vai trò của trẻ con, xem chúng cần gì. Giáo dục nếu bị thương mại hóa nặng, người học sẽ rất khổ.
Trả lời báo chí ngày 14/2, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, những sai phạm của Ông Nguyễn Đức Thái diễn ra chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019. Đến tháng 12/2022, ông Nguyễn Đức Thái nghỉ công tác.
"Trên tinh thần thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị và Bộ Công an nhằm xử lý nghiêm minh sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan theo đúng quy định của pháp luật", đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.
Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện từ trước đây.
Đơn vị này đang và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra một số nội dung khác có liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo NXBGDVN rà soát, khắc phục các hạn chế, tồn tại, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh giản, quản lý chặt chẽ, đúng luật, đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả.
Yêu cầu đơn vị này nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức và tâm lý cán bộ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó, ưu tiên đảm bảo các hoạt động biên tập, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phục vụ yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Nội dung: Lương Mỹ Hà
Thiết kế: Đỗ Diệp
16/02/2023