Học sinh béo phì tăng gấp đôi, bác sĩ chỉ ngay cách nhận biết

ANH ĐÀO| 27/12/2022 19:19

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì ở học sinh hiện nay là do ít vận động, coi nhiều thiết bị điện tử…

tre_beo_phi_2015_deponline1.jpeg
Trẻ lười vận động, coi ti vi nhiều là một trong các nguyên nhân dẫn đến béo phì - Ảnh: AFP

Ít vận động

Theo báo cáo công tác khám sức khỏe học sinh năm học 2021 - 2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy tình trạng học sinh thừa cân, béo phì tại TP chiếm tỷ lệ cao nhất (28,96%) trong số các bệnh tật học đường.

Trong đó, tỷ lệ học sinh sinh thừa cân, béo phì tăng cao ở khối tiểu học và có chiều hướng giảm dần từ khối trung học cơ sở đến khối trung học phổ thông.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, chế độ ăn giàu chất béo, đậm độ năng lượng cao có mối liên quan chặt chẽ với sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Khi khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể dẫn đến năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức/mô cơ thể.

Đặc biệt, thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, hay ăn vặt, sử dụng thức ăn nhanh (fast food), thích ăn ngọt, không ăn sáng, hay ăn nhiều vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ, …cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ.

“Lối sống tĩnh tại như ít tập luyện thể dục thể thao, dành nhiều thời gian xem tivi, chơi trò chơi điện tử, … cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng TC-BP. Ngoài ra, cũng có 10% trẻ bị thừa cân, béo phì do những bệnh lý bẩm sinh di truyền có bất thường gen”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay.

picture1-1508306249075.jpeg
Để đánh giá đúng thừa cân béo phì ở trẻ em, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám với bác sĩ - Ảnh: Internet

Hệ lụy khó lường

Bác sĩ Dương Công Minh - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết Tổ chức Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa thừa cân béo phì như sau: thừa cân là tình trạng cân nặng hiện tại vượt quá cân nặng nên có so với chiều cao.

Còn béo phì là tính trạng tích lũy mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do vậy, khi đánh giá béo phì chúng ta không chỉ tính đến cân nặng mà thôi mà phải quan tâm đến tỷ lệ mỡ cơ thể.

Để đánh giá đúng thừa cân béo phì ở trẻ em, cần khám với bác sĩ khi phụ huynh thấy trẻ có những diễn tiến gợi ý bằng mắt thường như: Trẻ tăng cân quá nhanh hàng tháng dự trên biểu đồ tăng trưởng trong sổ khám sức khỏe; trẻ có khuôn mặt tròn, má phính xệ, cổ có ngấn lớn, mỡ bụng dày, mỡ dày vùng đùi bẹn, ngực, nách…trẻ hay đổ mồ hôi khi chạy nhảy…

Theo bác sĩ Công Minh, khi thừa cân, béo phì các bé sẽ gặp tất cả nguy cơ diễn tiến thành 1 người lớn béo phì. Thế nhưng, ngay từ khi còn nhỏ trẻ đã gặp nhiều bất lợi do dư thừa cân nặng.

Trẻ dễ bị chọc ghẹo, “phân biệt đối xử” làm cho trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập và các thay đổi này để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.

Bên cạnh đó, về mặt cảm xúc trẻ có khuynh hướng mắc chứng tự ti, không hài lòng hình dáng cơ thể, trầm cảm. Về mặt xã hội trẻ bị kỳ thị, ấn tượng xấu, bị chọc ghẹo, bị bắt nạt để lại những tổn thương tâm lý sâu sắc cho đến tuổi trưởng thành.

Điều trị ra sao?

Bác sĩ Công Minh cho hay trẻ là các cơ thể đang tăng trưởng và phát triển, do đó không đặt vấn đề giảm cân ở trẻ mà chỉ giảm tốc độ tăng cân và đảm bảo cho sự tăng chiều cao theo lứa tuổi.

Các trẻ béo phì cần được hướng dẫn theo dõi bởi các bác sĩ dinh dưỡng, chuyên viên tiết chế am hiểu để tránh thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Về chế độ ăn thực chất trẻ vẫn ăn chế độ ăn phù hợp với nhu cầu sinh lý của mình hoặc chỉ giảm chút ít. Đặc biệt đảm bảo nhu cầu đạm và canxi cho trẻ (sữa, thịt, trứng, đậu…)

Phụ huynh nên hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi dưới 1 giờ/ngày, không cho trẻ ngồi lâu 1 chỗ.

Bên cạnh đó, tập cho trẻ làm một số công việc ở lớp phụ cô và ở nhà phụ gia đình: dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, dọn bàn ghế, bưng đồ, lấy đồ, lau quét nhà…

Cho trẻ đi bộ ở bất cứ nơi nào, lúc nào có thể…lên xuống cầu thang, nơi an toàn gần đến nhà, đến lớp thả cho bé đi bộ, trong công viên ngày nghỉ…

"Thông thường ở trẻ thì việc khuyến khích năng vận động đi lại và bớt các hoạt động thụ động như xem tivi, trò chơi điện tử…thì hiệu quả hơn là việc động viên tập thể dục thể thao.

Cách tốt nhất là phối hợp nhiều biện pháp khác nhau để giúp trẻ có một lối sống năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát…", bác sĩ Côn Minh cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học sinh béo phì tăng gấp đôi, bác sĩ chỉ ngay cách nhận biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO