Một trong những vấn đề được các trường đại học quan tâm tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục đại học được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 12/9 là học phí.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo quy định, năm nay, các trường đại học thu học phí theo Nghị định 81 (Chính phủ ban hành từ tháng 8/2021) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo…
Bộ GD&ĐT trình một vài phương án. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ muốn điều chỉnh nội dung Nghị định này cho phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua 2 năm dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh.
“Bộ GD&ĐT lưu ý cả hệ thống giáo dục đại học công lập là khả năng rất cao, về cơ bản không tăng học phí, giữ nguyên mức của năm 2021. Đó là chủ trương của Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. Bộ trưởng chia sẻ thông tin này, như một “dự lệnh” để cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị trước tinh thần, bởi không tăng học phí có thể khiến cơ sở giáo dục đại học công lập gặp khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các trường phải có tinh thần chia sẻ với xã hội, với người dân, trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ kịp ban hành nghị quyết này trong thời gian ngắn nhất, chẳng hạn như trong một vài ngày tới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Trước đó, trong đề án tuyển sinh, hàng loạt các trường đại học từ công lập tự chủ đến chưa tự chủ đều điều chỉnh học phí tăng lên theo khung của Nghị định 81. Trong đó, khối trường Y dược và trường tự chủ tăng mạnh từ 30% đến 70%. Mức tăng học phí này cũng khiến một số thí sinh có hoàn cảnh khó khăn chùn bước lựa chọn xét tuyển đại học năm nay.