Học ngành Y tốn tiền tỉ, lương bác sĩ ra trường chỉ vài triệu đồng/tháng

12/10/2022 02:30

Nhiều sinh viên, bác sĩ cho rằng, quá bất công khi chi phí học và hành ngành Y tốn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Trong khi đó, lương bác sĩ mới ra trường chỉ ở mức 3-4 triệu đồng/tháng.

Học phí cao nhất lên đến 190 triệu đồng/năm

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) vừa có thông báo về việc đóng học phí năm học 2022- 2023. Theo đó, đối với sinh viên chính quy năm thứ 1, học phí ngành Y khoa là 42 triệu đồng/năm; 2 ngành có mức học phí 44 triệu đồng/năm là Răng Hàm Mặt và Dược sĩ. Khối các ngành cử nhân có mức học phí 28 triệu đồng/năm.

Đối với sinh viên chính quy từ năm thứ 2 trở lên có mức học phí 24,5 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, đối với các ngành, đối tượng đào tạo dịch vụ, Y Việt - Đức có mức học phí là 190 triệu đồng/năm; Khối ngành Y đa khoa diện đào tạo theo địa chỉ là 84,7 triệu đồng/năm.

Một năm học được tính là 10 tháng, tính trung bình học phí 1 tháng của sinh viên dao động từ gần 2,5 đến 19 triệu đồng.

Như vậy, chi phí học y 6 năm và 18 tháng thực hành lấy chứng chỉ hành nghề tốn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng.

Sinh viên vừa áp lực, vừa lo lắng

"Học phí tăng liên tục còn lương bác sĩ bao năm không thấy đổi” - là tiếng thở dài của Trần Quang Long - sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

Long cho biết, đối với sinh viên sắp ra trường như em gặp rất nhiều áp lực. Trước hết là mối lo về việc học chứng chỉ hành nghề. Tiếp theo là vấn đề chế độ đãi ngộ của bệnh viện khiến em băn khoăn để lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp cho bản thân.

"Em đang bị mông lung với việc đào tạo chứng chỉ hành nghề. Bởi theo tìm hiểu chỉ những người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội mới được đăng ký đào tạo tại Hà Nội.

Em chưa biết sẽ học và được đào tạo ở đâu. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí cũng khiến em rất áp lực bởi có bệnh viện sẽ miễn phí đào tạo nhưng có những bệnh viện sẽ yêu cầu nộp 3-5 triệu đồng/tháng.

Tổng số tiền phải chi trả trong thời gian 18 tháng là không hề nhỏ” - Hoàng Long thở dài.

Nam sinh cho biết, dự định trong tương lai của em là làm việc tại các bệnh viện tư. Lý do là các bệnh viện công rất khó xin vào, đặc biệt mức lương thấp khiến sinh viên mới ra trường như em rất chật vật để mưu sinh.

 
Trần Quang Long - sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội sẽ phấn đấu vào bệnh viện tư vì lương bác sĩ bệnh viện công thấp. Ảnh: NVCC

Còn Đỗ Thị Hiền Anh - sinh viên Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên chán nản “học phí cao, lương thấp, nhiều sinh viên ở trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan”.

Nữ sinh cho biết, nhiều sinh viên vì áp lực học tập, chế độ đãi ngộ thấp sau khi ra trường nên muốn bỏ ngang. Tuy nhiên nghĩ đến công sức học tập, thời gian, tiền bạc đã bỏ ra suốt nhiều năm trời nên đành cố gắng.

Hiền Anh nói thêm, không chỉ sinh viên, nhiều bác sĩ đã quyết định bỏ nghề vì mức lương thấp, môi trường làm việc áp lực. Một số khác làm thêm ở ngoài để kiếm sống. Đây là thực trạng chung dễ hiểu.

 
Đỗ Thị Hiền Anh - sinh viên Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

“Vừa học vừa hành 10 năm, đầu tư quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Nhiều bác sĩ không can đảm bỏ bệnh viện công nên tranh thủ giờ nghỉ đi làm thêm ở ngoài để kiếm sống.

Nhưng nếu thu nhập tiếp tục thấp như hiện nay thì chắc chắn nhiều sinh viên sẽ nghỉ ngang, tìm hướng đi mới, bác sĩ sẽ bỏ viện mà đi. Suy cho cùng, ai cũng cần tiền để sống, để lo cho gia đình, con cái, có no bụng mới có sức cống hiến” - Hiền Anh bộc bạch.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học ngành Y tốn tiền tỉ, lương bác sĩ ra trường chỉ vài triệu đồng/tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO