Kinh tế quốc tế là một trong những ngành năng động, thu hút nhiều bạn trẻ lựa chọn. Để biết ngành học này có mang lại nhiều cơ hội việc làm trong tương lai không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Ngành Kinh tế quốc tế có dễ xin việc làm?
Kinh tế quốc tế là ngành học chuyên nghiên cứu sự liên kết, tác động, phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia. Đây là lĩnh vực năng động và mang tính toàn cầu. Hiện ngành học này được đánh giá có tiềm năng phát triển tốt và mang lại nhiều cơ hội việc làm cao cho sinh viên trong tương lai.
Theo kết quả nghiên cứu về nguồn nhân lực ở TP.HCM trong giai đoạn 2015 - 2025, nhóm ngành kinh tế - marketing - xuất nhập khẩu - logistics chiếm tỷ trọng cao trong giai đoạn tới. Cụ thể, nhu cầu nguồn nhân lực của nhóm ngành này trong tương lai cần khoảng 25.000 việc làm/năm.
Với những kiến thức được học, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế, sinh viên có thể làm việc tại nhiều vị trí công việc khác nhau: nhân viên kinh doanh cước tàu biển, hàng không; nhân viên xuất nhập khẩu; chuyên gia hoạch định tài chính quốc tế, chuyên gia xúc tiến thương mại; chuyên gia nghiên cứu thị trường, marketing quốc tế, quản trị chuỗi cung ứng; chuyên viên ngân hàng.
Với những vị trí công việc này bạn hoàn toàn có thể xin việc dễ dàng tại một số đơn vị như: công ty thương mại, công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện bảo hiểm, ngân hàng thương mại, tập đoàn đa quốc gia, các trường đại học hay trung tâm đào tạo ngành Quản trị kinh doanh và Kinh doanh quốc tế.
Một số trường đào tạo ngành Kinh tế quốc tế
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh ngành ngành Kinh tế quốc tế theo 4 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập THPT và kết hợp phỏng vấn, xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm trúng tuyển 35,7 điểm (A01; D01; D09; D10), với điều kiện môn Toán đạt từ 8,6 điểm trở lên.
Trường Đại học Thương mại tuyển sinh ngành Kinh tế quốc tế theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và đánh gia tư duy, xét tuyển kết hợp. Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh 130 chỉ tiêu đối với ngành học này.
Năm ngoái, ngành Kinh tế quốc tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 26,7 điểm (A00; A01; D01; D07).
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ xét tuyển ngành Kinh tế quốc tế theo 3 phương thức, thay vì 4 phương thức như năm ngoái, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.
Trong năm 2024, trường dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu dành cho ngành Kinh tế quốc tế, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00, A01, D01, D07.
Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển kết hợp.
Năm ngoái, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Kinh tế quốc tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,41 điểm (A00; A01; D01; D07). Phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực lấy 884 điểm.
Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đang đào tạo 3 chuyên ngành thuộc ngành Kinh tế quốc tế: Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế và kinh doanh số. Năm 2024, nhà trường xét tuyển theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét tuyển kết hợp, xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi đánh giá đầu vào, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ.
Năm 2023, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,24 điểm (A00; A01; D01; D07).