Học lịch sử từ thực tế

Thủy Nguyên| 21/05/2022 11:23

Những chuyến đi vừa học vừa chơi từ thực tế giúp học sinh hào hứng hơn với những kiến thức lịch sử, dễ hiểu và nhớ lâu hơn.

Giữa những tranh cãi về việc có nên chọn lịch sử là môn học bắt buộc, ngày càng nhiều trường lớp, câu lạc bộ đội nhóm đã có cách biến giờ học lịch sử khô khan thành những buổi dã ngoại thực tế sinh động, cuốn hút. Không chỉ với những học sinh THPT, các em ở độ tuổi nhỏ hơn cũng đang được cha mẹ tìm đến các sân chơi kiến thức phù hợp độ tuổi với mong muốn bồi đắp thêm tình yêu của con dành cho lịch sử dân tộc.

Một ngày “theo chân Bác”

Sáng 19/5, kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, từ buổi sáng đã có rất đông đoàn học sinh từ các trường tìm đến dâng hương tại Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh (Q.4, TP.HCM).

e37e0e0fc5bd04e35dac.jpg
Bảo tàng Hồ Chí Minh sáng 19/5 rất đông các đoàn học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A3 trường Ngô Thời Nhiệm (Thành phố Thủ Đức) cho biết hôm nay cô cùng các giáo viên khác dẫn hơn 120 em học sinh đến từ 4 khối lớp đến dâng hương, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

“Chuyến đi ngoại khóa thực tế giúp bé hiểu rõ hơn thay vì chỉ lắng nghe kiến thức trên lớp mặt khác còn đổi mới không khí cho các em, giúp các em hào hứng hơn”, cô Yến chia sẻ.

z3426044071085_ecd9b045db1414678c32dc0dca10cd30.jpg
Cô Nguyễn Thị Yến (Trường Ngô Thời Nhiệm - TP Thủ Đức) bên các em học sinh của mình.

Em Vũ Phạm Yến Chi, học sinh lớp 10A2 hào hứng chia sẻ: “Hôm nay trời hơi nắng nhưng cả lớp em có chuyến tham quan tìm về lịch sử rất vui”. Không chỉ Yến Chi, nhiều bạn khác cũng háo hức với việc tiếp nhận kiến thức lịch sử ngoài nhà trường thông qua những chuyến đi.

Cô Hà Ninh, hướng dẫn viên ở bảo tàng cho biết sáng nay, cô đã giới thiệu đến 6 đoàn và thấy rất vui vì các bạn học sinh thích thú tìm hiểu lịch sử dân tộc. Những tiết học từ thực tế giúp các bạn nhớ lâu hơn, dễ hiểu hơn và sinh động hơn.

Chọn hướng tiếp cận

Có nhiều cách để trẻ tiếp cận lịch sử và ngày một nhiều cha mẹ quan tâm đến những chuyến đi giúp con vừa chơi vừa học, khám phá kiến thức từ chính những trải nghiệm thực tế.

c8a0fb815e339f6dc622.jpg
Một chuyến đi tìm về lịch sử của các bé nhỏ hơn tại địa điểm Dinh Độc Lập.

Cuối tuần vừa qua, chị Phước Huyền - mẹ bé Thái Minh (7 tuổi) đã cho con nghỉ 3 buổi học chỉ để ưu tiên tham gia đồng hành cùng một CLB trong chuyến đi tìm về Cần Giờ, ghé thăm Nghĩa trang Rừng Sác. Vốn dĩ những kiến thức về bom đạn, những cột mốc ngày tháng, sự kiện lịch sử thường được cho là khô khan khó nhớ cho trẻ. Thế nhưng, những câu chuyện kể trực tiếp từ giáo viên hướng dẫn cùng buổi trò chuyện giao lưu với người cai quản nơi đây đã để lại trong các bé rất nhiều ấn tượng. Câu chuyện kể về các chiến sĩ đặc công 10 chiến đấu chống kẻ thù, đối đầu cá sấu, những gian khổ nếm mật nằm gai… được chọn lọc lại và kể cho các bé.

z3426169245369_eb71952fcd1595d62eada46736c227f6.jpg
Thái Minh cùng các bạn nhỏ trong chuyến trải nghiệm rừng ngập mặn Cần Giờ, tìm hiểu về các chú đặc công Rừng Sác.

Cũng trong chuyến đi hôm ấy, khi bắt gặp vỏ quả bom nằm trong rừng sinh quyển, giáo viên đã kết hợp kiến thức một cách trực quan sinh động để giúp các bé hiểu hơn và nhớ sâu hơn. Những ánh mắt chăm chú lắng nghe, những tương tác hai chiều từ cô - trò là minh chứng rõ cho việc chọn hướng tiếp cận phù hợp, thú vị giúp trẻ không thấy kiến thức lịch sử là khô khan, đáng sợ. Sau buổi đi, có bé đã vẽ tranh ghi lại dấu ấn hành trình cùng những kiến thức thu nhận được.

Cô Thúy Ái, một trong những giáo viên phụ trách đoàn chia sẻ các bé rất hào hứng với chuyến đi và học được nhiều điều. Cũng theo cô Ái, học lịch sử không khó, cái khó là hướng tiếp cận thế nào để trẻ hứng thú, yêu thích và từ đó say mê tìm hiểu. Đó là điều mà nhiều phụ huynh đang trông đợi và cũng là điều mà các giáo viên cần tìm tòi, đổi mới.

Mong con yêu hơn lịch sử nước nhà

Chị Kim Xuân Loan, mẹ bé Mỹ Hân, thường cho con tham gia các chuyến đi thực tế tìm về lịch sử, vừa chơi vừa học chia sẻ: “rất thích cho con tham gia các chuyến đi vừa tìm hiểu lịch sử vừa học các kĩ năng mềm. Bé đi chương trình Cần Giờ về rất thích xem đặc công Rừng Sác và nhờ mẹ mở youtube tìm thêm kiến thức.Mình nghĩ các bé còn nhỏ sẽ học nắm các thông tin chính dễ nhớ, những chi tiết khó hiểu thì bé sẽ khó nhớ hơn".

e9a7b64441f680a8d9e7.jpg
Các bé ở độ tuổi lên 5 cũng đã được cha mẹ cho làm quen cùng những chuyến đi tìm về lịch sử.

Cũng như chị Loan, nhiều phụ huynh chia sẻ mong muốn con lớn lên không thờ ơ với lịch sử nước nhà. Những chuyến đi thực tế giúp trẻ thấy kiến thức lịch sử không khó tiếp nhận. Trẻ cũng không cần nạp quá nhiều lượng thông tin mà chỉ cần chọn lọc những điều thú vị, phù hợp độ tuổi. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho trẻ không phải chỉ giới hạn ở những trẻ có độ tuổi lớn mà ngay những bé mới độ tuổi lên 5 cũng được nhiều cha mẹ cho làm quen  qua những chuyến đi với mong muốn bồi đắp dần tình yêu của con dành cho lịch sử dân tộc.

Nói như chị Phước Huyền: "Sếp cũ mình là người Đức thế nhưng ông lại rất rành về lịch sử Việt Nam. Mỗi lần tiếp các đoàn khách nước ngoài bác đều kể về lịch sử Việt Nam rất tự hào. Mình thấy việc hiểu về lịch sử nước nhà giúp chúng ta nâng cao lòng tự tôn dân tộc. Mong là con mình sau này khi du học và đến bất kì nước nào cũng đều yêu mến, tự hào về lịch sử dân tộc. Hành trình bồi đắp cho con cũng như quá trình gieo hạt, phải tưới nước bón phân cây mới tươi tốt nên cứ từ từ cho con thôi!".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học lịch sử từ thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO