Chăm sóc và nuôi dạy con là một hành trình đầy khó khăn, thử thách đối với bất kì bậc phụ huynh nào. Mỗi đứa trẻ lại sở hữu tính cách riêng biệt, vì thế để tìm ra phương pháp dạy con đúng, cha mẹ cần thời gian để quan sát và đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình.
Sẽ có những giai đoạn trong hành trình dạy con, bố mẹ cảm thấy áp lực, căng thẳng vì sợ mình đang đi sai hướng. Đừng quá lo lắng, với tình yêu thương và sự kiên nhẫn của bố mẹ, chắc chắn trẻ sẽ ngày một tốt hơn. Đặc biệt, bố mẹ nên lưu ý những điều nên và không nên khi dạy con để trẻ có một tương lai tươi sáng.
Những điều bố mẹ cần làm
Điều số 1: Cần dạy con tự lập
Có sự bao bọc, yêu thương của bố mẹ là điều tuyệt vời nhất trên thế giới này. Bố mẹ luôn yêu thương và tìm cách bảo vệ con cái trước mọi giông tố của cuộc đời. Thế nhưng, trên chặng đường dài của cuộc sống, không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể ở bên con mà chỉ có thể lặng lẽ nhìn con từ phía sau hoặc khích lệ, cổ vũ con qua các giai đoạn thăng trầm.
Tự lập là chuyện không hề dễ dàng dù trẻ ở lứa tuổi nào. Khi còn nhỏ, con phải tự mình làm quen với môi trường mới ở lớp, thầy cô, bạn bè mới. Khi lớn hơn con phải đối mặt với những cám dỗ của tuổi dậy thì... tất cả đều cần ở con sự nỗ lực và cố gắng.
Ảnh minh hoạ.
Các nhà tâm lý học từng nói: ''Tình yêu thành công thực sự của cha mẹ là để đứa trẻ tách khỏi cuộc sống của bạn như một cá thể độc lập càng sớm càng tốt, và sự tách biệt này càng sớm, bạn càng thành công''.
Có thể lấy một vài ví dụ như những đứa trẻ tự lập từ nhỏ luôn có bản lĩnh và ý chí vững vàng hơn những trẻ quen được bố mẹ bao bọc. Để con ra ngoài tự lập và trải nghiệm cũng là một cách giúp trẻ làm quen với những khó khăn, sóng gió của cuộc đời. Dĩ nhiên, con luôn cần bố mẹ đồng hành, theo sau và đưa ra lời khuyên bất cứ lúc nào.
Trong cuộc sống, hãy cho trẻ cơ hội đối mặt với khó khăn một cách độc lập, để trẻ nhận ra khả năng ứng phó với những tình huống mình gặp phải, để vượt qua tâm lý ỷ lại vào cha mẹ, rèn luyện tính cách độc lập và dũng cảm, tương lai của trẻ có thành công hay không phụ thuộc vào tư duy này rất lớn.
Điều số 2: Cần làm gương để con noi theo
Đừng nói với con bạn những gì bạn muốn chúng làm, cách tốt nhất là để chúng bắt chước theo hành động của cha mẹ. Thay vì lúc nào cũng khuyên con cái đọc sách rất tốt cho trí não, bạn hãy hình thành cho mình thói quen đọc sách và thường xuyên đọc cho trẻ nghe.
Con cái từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành thì phần lớn thời gian đều tiếp xúc và sống cùng cha mẹ. Cho nên, mọi hành vi và lời nói của cha mẹ đều ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tính cách của một đứa bé. Đặc biệt là khi chúng đang ở lứa tuổi học ăn học nói, học cách khám phá bản thân và thế giới xung quanh thì việc tiếp nhận và làm theo những thói quen diễn ra xung quanh mình lại càng diễn ra nhanh chóng.
Vậy nên câu con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ là vì vậy. Một em bé ngoan chắc chắn đã được bố mẹ giáo dục rất tốt và ngược lại. Hãy hình thành cho con thói quen và tính cách tốt bằng cách làm gương, hành động cụ thể sẽ có hiệu quả hơn những lời nói sáo rỗng.
Ảnh minh hoạ.
Điều số 3: Cần tin tưởng và tôn trọng con
Rất nhiều gia đình định nghĩa sai về sự tôn trọng dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái. Tôn trọng không phải là bất chấp đồng ý những yêu cầu dù rất phi lý từ con cái, cũng không phải để con “tự lực cánh sinh” trong những quyết định quan trọng về nghề nghiệp, sở thích cũng như cách sống…
Vậy thế nào là tôn trọng đúng cách? Tôn trọng là việc bố mẹ cư xử đúng mực, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái, có thái độ quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc và sức khỏe của con, từ đó có thể hỗ trợ con trong việc đưa ra các quyết định hợp lý nhất. Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
Điều số 4: Cho con được phạm sai lầm
Trong cuộc sống, không ai hoàn hảo đến mức chẳng bao giờ mắc sai lầm. Đó có thể là những lỗi lầm nhỏ như quên chưa học thuộc bài trước khi lên lớp, lỡ làm hỏng đồ dùng học tập... nhưng cũng có thể là những sai lầm lớn như bị phát hiện quay cóp trong giờ kiểm tra, đánh nhau gây nguy hiểm đến sức khoẻ... và thậm chí còn hơn thế nữa.
Sau mỗi lần làm sai, trẻ chắc chắn sẽ phải đối mặt với loạt lời chỉ trích. Con cái cần được tôn trọng, nhưng không có nghĩa là vì thể diện của con, cha mẹ sẵn sàng đứng ra bao bọc cho trẻ ngay cả khi chúng làm sai. Việc xây dựng tính kỷ luật cho trẻ và giúp con sẵn sàng đương đầu với những lời chỉ trích là nhân tố không thể thiếu để trẻ được uốn nắn nên người.
Nếu để mặc con trẻ gây rối mà không giải quyết vấn đề, thậm chí ''mắt điếc tai ngơ'', dung túng cho hành vi đó thì sẽ có thể dẫn đến những hậu quả cay đắng trong tương lai. Thế nên, khi mắc phải sai lầm, trẻ phải tự mình đứng lên, đối mặt và tìm cách sửa đổi, có như thế con mới vững tâm, tự tin vượt qua những đắng cay trong cuộc sống sau này.
Những điều tuyệt đối không nên làm
Điều số 1: Không so sánh con với người khác
Trong giai đoạn dậy thì, con sẽ rất nhạy cảm khi bị so sánh với ai đó hoặc với chính hình ảnh của bố mẹ trong quá khứ. Các bậc cha mẹ nên chú ý tránh việc làm tổn thương này. Khi so sánh, các bậc phụ huynh đã vô hình có những hành động ép con phải đạt đến hình mẫu mà bạn mong muốn. Điều này khiến con thu mình, khép kín và xa lánh bố mẹ hơn. Mỗi người đều có thế mạnh riêng, thế nên hãy tôn trọng và cùng con phát triển sự khác biệt của mình trở thành thế mạnh khẳng định bản thân.
Không ai muốn bị so sánh, trở thành bản sao của người khác. Sẽ thế nào khi các bé hỏi: Tại sao bố mẹ bạn A giàu hơn, bố mẹ bạn C tốt bụng hơn… Thế nên, nếu không muốn con trở nên tự ti, buồn lòng thì bố mẹ đừng bao giờ so sánh con với bạn khác. Nếu có, hãy so con của ngày hôm nay với ngày hôm qua mà thôi.
Ảnh minh hoạ.
Điều số 2: Không dùng đòn roi để giải quyết vấn đề
Chuyên gia cho rằng, nhiều người nghĩ khi buông những lời cay độc, mắng chửi thậm tệ con sẽ thấy xấu hổ mà tự thay đổi. Đó là suy nghĩ sai lầm, thiếu hiểu biết. Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ mình, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng, mất dạy.
Trong mắt các con, đòn roi hay lời miệt thị không khiến chúng nhận ra lỗi lầm mà chỉ càng thêm căm hận và thù ghét bố mẹ vì đã hành xử như thế. Thế nhưng, không phải là bố mẹ không yêu con, mà là yêu theo cách không đúng. Sự thiếu hiểu biết về giáo dục con cái có thể mang lại những hậu quả lâu dài khó lường.
Lý do khiến cha mẹ dùng cách quát mắng, đòn roi thể hiện sự bất lực trong giáo dục con cái. Khi con có lỗi, cha mẹ thường dọa nạt, trừng phạt bằng đòn roi. Thấy không còn hiệu quả, họ lại chuyển sang dùng những lời nhẹ nhàng, nhưng mang nặng tính giáo huấn. Thấy con không chuyển biến, cha mẹ đành dùng đến những lời cay độc. Cứ như vậy tạo thành cái vòng luẩn quẩn, không giúp con tiến bộ, mà chỉ khắc sâu thêm oán thù đối với trẻ.
Ảnh minh hoạ.
Điều số 3: Không chỉ trích, nạt nộ con ở nơi đông người
Con cũng có lòng tự trọng và cần được bố mẹ tôn trọng điều đó. Dù bé làm sai hay cư xử chưa đúng, hãy dạy con khi đã trở về nhà hoặc ở nơi chỉ có 2 mẹ con. Ở những nơi đông người, đặc biệt trước mặt bạn bè, con sẽ xấu hổ, không những không tiếp thu lời bố mẹ dạy mà còn có thái độ chống đối, thể hiện cái tôi của bản thân.
Bố mẹ khéo léo và thông minh sẽ ghi nhớ những điều trên trong giáo dục con để trẻ có một tương lai tươi sáng, tính cách vui vẻ và một cuộc sống hạnh phúc.
Theo Phụ nữ Việt Nam