Tử Cấm Thành là quần thể cung điện rộng lớn ở Bắc Kinh, từng là trung tâm chính trị và cũng là nơi ở của hoàng thân quốc thích thời nhà Minh và nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.
Khu hoàng cung cấm địa này được bảo vệ nghiêm ngặt và cuộc sống bên trong luôn là một bí ẩn.
Tử Cấm Thành từng là trung tâm chính trị, cũng là nơi ở của các hoàng đế thời nhà Minh và nhà Thanh của Trung Quốc. (Ảnh: CNN)
Nhiều thập kỷ sau sự sụp đổ của nhà Thanh (năm 1924), khi Tử Cấm Thành bắt đầu mở cửa cho thế giới bên ngoài vào tham quan và nghiên cứu, vẫn có rất ít thông tin về cuộc sống từng diễn ra bên trong khu hoàng cung cấm địa này, đặc biệt là những "cực phẩm mỹ vị" trong bữa ăn hằng ngày của các hoàng đế.
Hầu hết các tài liệu cổ có thể cung cấp thông tin về chủ đề này đã bị niêm phong. Nhà sử học Zhao Rongguang là một trong số ít người cuối cùng, và có thể là người duy nhất, đã tiếp cận và nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các tài liệu đó trước khi chúng bị cất giữ.
Sau gần 40 năm nghiên cứu, ông Zhao tin rằng đã có sự am hiểu nhất định về cách thức ăn uống trong Tử Cấm Thành, dựa trên ba nhân vật lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thói quen ăn uống của hoàng gia.
Khang Hy bồi bổ bằng tinh hoàn hổ
Đầu tiên, dưới sự cai trị của hoàng đế Khang Hy (1661 - 1722), nhà Thanh bước vào thời kỳ tương đối yên bình và thịnh vượng sau nhiều thập kỷ chiến tranh giữa các triều đại. Điều đó cũng dẫn đến một số thay đổi thú vị trong thực đơn bên trong Tử Cấm Thành.
Theo các tài liệu ông Zhao nghiên cứu, ban đầu, vào thời kỳ đầu nhà Thanh các món ăn truyền thống từ vùng đất du mục Mãn Châu ở đông bắc Trung Quốc luôn xuất hiện trên bàn ăn. Đến giữa thời Khang Hy, thực đơn của hoàng gia bắt đầu có sự thay đổi.
“Trên bàn tiệc của Khang Hy có rất nhiều món thịt nướng và những món ăn lạ, như tinh hoàn hổ”, ông Zhao cho hay. "Người xưa cho rằng tinh hoàn hổ có tác dụng tăng cường sinh lý. Tôi tin rằng Khang Hy đã ăn rất nhiều vì theo ghi chép chính thức thì vị hoàng đế này đã săn hơn 60 con hổ trong suốt cuộc đời".
Nhà sử học cho biết thêm trong thời kỳ này, mào gà cũng là một thành phần được dùng làm thuốc tăng cường sinh lý. Ngoài ra, nhiều món ăn của người Hán cũng dần xuất hiện trong thực đơn cung đình, như món mề vịt hầm.
Tác phẩm nghệ thuật cổ (từ năm 1668 - 1670) tại Hà Lan cho thấy thoáng qua hình ảnh một bữa tiệc lớn tiếp đón phái đoàn Hà Lan trong Tử Cấm Thành vào năm 1667. (Ảnh: Getty Images)
Càn Long mê trà sữa
Trà sữa là một trong những thức uống được ưa chuộng nhất hiện nay. Nhưng ít ai biết, đây cũng là thức uống hảo hạng khi hoàng đế Càn Long trị vì nhà Thanh (1735-1796).
Nhà sử học Zhao Guangrong cho rằng đây là giai đoạn quan trọng thứ hai trong quá trình phát triển ẩm thực trong Tử Cấm Thành. Càn Long được cho là đã ghi chép lại thực đơn hàng ngày của mình một cách tỉ mỉ.
Các bút tích, vật dụng ăn uống của Càn Long hiện đang được trưng bày trong cuộc triển lãm "Cuộc sống ở Tử Cấm Thành" tại Bảo tàng Cung điện Hong Kong.
Trong số các hiện vật được trưng bày tại triển lãm có một chiếc ấm trà sữa bằng bạc có niên đại từ thế kỷ 18 hoặc 19. Chiếc ấm trà được sơn công phu với những họa tiết rồng mạ vàng, cho thấy trà sữa là thức uống chính và sang trọng của người Mãn Châu.
Nicole Chiang, nhà sử học nghệ thuật và giám tuyển của Bảo tàng Cung điện Hong Kong, cho biết: "Trà thả vào trong nước sôi, thêm sữa, bơ và một nhúm muối. Sau đó, họ lọc lá trà ra và phục vụ trà bằng loại ấm bằng bạc này".
Theo bà Chiang, trà sữa muối phản ánh nguồn gốc người Mãn Châu và là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của hoàng gia nhà Thanh:
“Ngay cả khi Càn Long vi hành đến vùng Giang Nam (phía nam sông Dương Tử, nơi hiện nay là Hàng Châu và Thượng Hải), ông đã thuê một bậc thầy pha trà sữa từ Mông Cổ để pha trà sữa cho ông mỗi ngày”.
Chiếc ấm trà từng dùng phục vụ trà sữa cho hoàng đế Càn Long, trưng bày tại Bảo tàng Cung điện Hong Kong. (Ảnh: CNN)
Chiang cho biết bà thích nghiên cứu về triều đại nhà Thanh vì có rất nhiều hiện vật lịch sử được lưu giữ từ thời đại đó, từ tài liệu đến tranh vẽ, cho thấy triều đình cũng dùng bữa với món lẩu.
“Một trong những cung nữ nói rằng hoàng gia dùng món lẩu gần như mỗi ngày vào mùa đông. Đó là một món ăn phổ biến”, nhà sử học nói, chỉ vào một chiếc lẩu tráng men được trưng bày tại bảo tàng.
Ông Zhao thông tin thêm, thực đơn thường được trình lên hoàng đế vào đêm hôm trước để phê duyệt. Thực đơn cung đình vào thời Càn Long cũng ngày càng tinh tế và đa dạng.
"Một trong những món ăn thường xuyên xuất hiện trong bữa cơm của Càn Long là đuôi hươu Sika, ngoài ra còn có hươu châu Á, chim trĩ hay canh tổ yến", ông nói.
Thiên An Yến của Từ Hi Thái Hậu
Là người nắm giữ quyền lực thực sự trong giai đoạn cuối của thời kỳ nhà Thanh, Từ Hi Thái Hậu được biết đến với lối sống xa hoa và ưa chuộng những món ăn tinh tế của người Hán.
“Đó là thời kỳ xa hoa nhất trong triều đại nhà Thanh. Bữa ăn hàng ngày của hoàng gia tăng từ 18 đến 23, rồi lên 25 và 28 món”, ông Zhao nói.
Tác phẩm nghệ thuật cho thấy các món ăn trong bữa tiệc thời nhà Thanh: canh tổ yến, lẩu, thịt quay,... (Ảnh: CNN)
Từ Hi cũng là một người thích náo nhiệt, thường xuyên tổ chức các bữa tiệc nghi lễ. Có những loại tiệc hoàng gia khác nhau được tổ chức tại Tử Cấm Thành trong suốt nhiều thế kỷ.
Hình thức mang tính biểu tượng nhất trong số đó là tiệc Thiên An Yến, kết hợp hai loại tiệc chính trong quá khứ, tiệc theo phong cách Mãn Châu với nhiều thịt quay và tiệc theo phong cách Hán với canh tổ yến và hải sản.
“Các bữa tiệc theo phong cách tổ yến có nhiều loại hải sản quý hiếm như vây cá mập, hải sâm, sò điệp khô và môi cá. Thịt quay thường là thịt heo và vịt”, ông Zhao cho hay.
Mỗi bữa tiệc này bao gồm hai món lẩu, bốn bát lớn đựng món chính, hai đĩa vịt quay Bắc Kinh thái lát hoặc heo sữa quay, bốn bát nhỏ và sáu đĩa thức ăn đi kèm, bốn loại bánh ngọt và bánh bao, một loại mì, một loại súp và một đĩa trái cây.
"Do đó, ngay cả hình thức cao cấp nhất của Thiên An Yến trong thời kỳ đó cũng chỉ có khoảng 28 món ăn, ít hơn rất nhiều so với con số 108 món mà phương tiện truyền thông hiện đại thường mô tả là tiệc Mãn - Hán”, ông Zhao nói.
Theo VTC