Sáng 27/3, TAND cấp cao tại TP.HCM bắt đầu phiên tòa xét xử phúc thẩm đầu tiên vụ án Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba lừa đảo, bán dự án "ma" cho hàng nghìn khách hàng. Phiên toà do Thẩm phán Võ Văn Khoa làm Chủ tọa.
Theo dự kiến, phiên toà bắt đầu từ hôm nay (27/3) và kéo dài đến 5/4.
Tuy nhiên, đến 11h40, sau khi kết thúc phần xét hỏi thông tin của các bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt, Chủ toạ phiên tòa thông báo hoãn phiên toà do nhiều người liên quan vắng mặt.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện có 6 luật sư. Tuy nhiên, 3 trong 6 luật sư vắng mặt. Nhiều luật sư của các bị cáo khác cũng không có mặt tại phiên toà. Việc này sẽ tạo bất lợi cho các bị cáo vì không có luật sư bảo vệ, do đó HĐXX quyết định hoãn phiên toà.
Theo dự kiến, phiên toà sẽ mở lại vào ngày 8/5, kéo dài đến 19/5.
Trước đó, ngày 29/12/2022, sau hơn 2 tuần xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) bị tuyên 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hình phạt 30 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh (2 em trai Luyện) bị tuyên phạt lần lượt 27 năm tù và 17 năm tù cho 2 tội danh lừa đảo và rửa tiền. Các bị cáo còn lại đều lãnh mức án từ 10 - 19 năm tù.
Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò điều hành xuyên suốt chỉ đạo toàn bộ hoạt động Công ty Alibaba và 22 pháp nhân liên quan... do đó cần áp dụng điểm A, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự để xử phạt đối với bị cáo. Bị cáo Luyện có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.
Mặc dù Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng thủ đoạn rất tinh vi. Luyện đã huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp tác kinh doanh, mua bán dự án không có thật để chiếm đoạt tiền của hàng nghìn khách hàng, do đó cần phải có mức án nghiêm khắc.
Tất cả 58 dự án của Công ty Alibaba đều không có pháp lý. Công ty Alibaba chưa từng xin phép cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập dự án. Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 dự án này. Sau đó, thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.
Sau các phiên xét xử sơ thẩm, có 18/23 bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo.
18/23 bị cáo kháng cáo gồm: Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (2 em trai Luyện), Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Trương Thị Hồng Ngọc, Bùi Minh Đức, Trần Huy Phúc, Nguyễn Quang Sơn, Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Thị Vân Anh, Trịnh Minh Pháp, Trang Chí Linh, Huỳnh Thị Ngọc Như, Nguyễn Lê Hoàng Lan, Võ Văn Trần Quang, Phan Ngọc Nguyên, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Vi Thị Hiến.
Tuy nhiên, sau đó 3 bị cáo Vi Thị Hiến, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trịnh Minh Pháp rút đơn kháng cáo.