Thông tin về thời điểm hoàn thành liên thông QR Code của 2 ứng dụng PC-Covid và VNeID vừa được ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) chia sẻ tại hội thảo trực tuyến tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128.
Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết 128 do Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì. |
Nếu việc hoàn thành liên thông mã QR giữa 2 ứng dụng PC-Covid và VNeID được thực hiện theo đúng thời hạn được đại diện Cục Tin học hóa đưa ra – ngày 1/11, chỉ vài ngày tới, 3 ứng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 gồm PC-Covid, VNeID và Sổ Sức khỏe điện tử sẽ dùng chung mã QR quốc gia được Bộ TT&TT hướng dẫn từ ngày 11/9.
Việc này tạo thuận lợi cho người dân tham gia công tác phòng chống dịch, thông qua sử dụng các nền tảng công nghệ hỗ trợ quản lý, kiểm soát dịch đã và đang được triển khai, tiêu biểu như nền tảng khai báo y tế và kiểm soát người vào ra các địa điểm bằng mã QR.
PC-Covid, VNeID và Sổ Sức khỏe điện tử là 3 ứng dụng được thống nhất sử dụng trong phòng chống dịch. |
Trong kết luận hội nghị trực tuyến ngày 16/10 quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư, Lãnh đạo 3 Bộ: Y tế, Công an, TT&TT đã thống nhất quan điểm, chủ trương xuyên suốt là toàn thể các cấp, các ngành cùng phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện kế hoạch kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tất cả vì mục tiêu chung, tránh “quyền anh, quyền tôi”, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Lãnh đạo 3 Bộ cũng thống nhất chỉ sử dụng 3 ứng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 gồm: PC-Covid do Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng phục vụ phòng chống dịch Covid-19; VNeID - ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân do Bộ Công an quản lý và là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội; Sổ Sức khỏe điện tử - ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của người dân, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng do Bộ Y tế quản lý.
Ba nền tảng trên liên thông dữ liệu với nhau, xác thực thông tin cho nhau. “Địa phương không phát triển thêm phần mềm ứng dụng khác, tránh gây rắc rối cho người dân”, thông báo kết luận hội nghị nêu rõ.
Cũng tại kết luận hội nghị ngày 16/10, lãnh đạo 3 Bộ Y tế, Công an, TT&TT thống nhất việc yêu cầu các địa phương triển khai dùng chung 1 mã QR. Cụ thể, người dân sẽ sử dụng mã QR trên thẻ Căn cước công dân (đối với trường hợp chưa cấp thẻ Căn cước công dân thì sử dụng mã số công dân); khi sử dụng trên ứng dụng di động thì dùng chung mã QR do Bộ TT&TT hướng dẫn tại Quyết định 1405 ngày 11/9/2021 về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19.
Theo hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 (phiên bản 1.1) được ban hành ngày 11/9, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được cấp 1 mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19. Việc Bộ TT&TT có hướng dẫn để hiển thị và sử dụng 1 mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Vân Anh