Bộ GTVT vừa có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Quyết định này được ban hành ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên.
Theo quyết định được phê duyệt, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ được đầu tư với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính.
Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh-Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi-Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ-Cà Mau (110,9 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.
Con số này đã được thay đổi so với tổng chiều dài 729 km, tổng mức đầu tư sơ bộ ước khoảng 146.990 tỷ đồng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thông qua.
Trước đó, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022.
Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh-Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi-Nha Trang (353 km) và Cần Thơ-Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.
Đến ngày 11/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 6
Ngay sau khi có nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các ban QLDA của Bộ tổ chức triển khai công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra… triển khai công tác khảo sát, thiết kế lập báo cao nghiên cứu khả thi 12 dự án thành phần.
Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT cũng nhiều lần khảo sát thực địa, làm việc trực tiếp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án thành phần đi qua để thống nhất hướng tuyến dự án, các công trình trên tuyến, hoàn thành hồ sơ mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; thực hiện lập khung chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (6 dự án); lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (12 dự án) trình Bộ TTN&MT phê duyệt; thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy cho công trình hầm (4 dự án); thông qua Mặt trận Tổ quốc của 12 tỉnh, thành phố tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án.
Khối lượng công việc rất lớn, song đến cuối tháng 6/2022, các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT đã hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Các ban QLDA của Bộ đã bàn giao cho các địa phương hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng của toàn bộ 723,7 km tuyến chính (đạt 100%) để địa phương thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo tiến độ đề ra.
Nỗ lực khởi công dự án trước 31/12
Bộ GTVT cho biết, ngay sau khi phê duyệt dự án đầu tư, Bộ sẽ tổ chức triển khai lập thiết kế kỹ thuật các gói thầu xây lắp và triển khai các công việc có liên quan để khởi công trước ngày 31/12/2022.
Nhằm đáp ứng tiến độ theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ định thầu các gói thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu triển khai công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để bàn giao 70% diện tích giải phóng mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 20/11/2022.
Đồng thời, đề nghị các địa phương hỗ trợ các đơn vị của Bộ GTVT triển khai công tác liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng, xác định bãi đổ thải để có thể triển khai thi công ngay.
“Với các dự án thành phần thuộc khu vực ĐBSCL, UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang cần rà soát, bổ sung các mỏ cát và triển khai các thủ tục liên quan để sớm có thể khai thác, cũng như nâng công suất các mỏ hiện tại để bảo đảm nguồn cung cấp cho dự án”, Bộ GTVT đề nghị.
Phan Trang