Khoảng những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ca khúc Ngày Xưa Hoàng Thị đã từng gây xôn xao trong đời sống âm nhạc miền Nam. Bài hát là một trong những tác phẩm được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ những bài thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư - người được xem là “người tình thi ca” của ông. Cả thơ lẫn nhạc, phải nói là… rất tuyệt vời.Sự nổi tiếng của Ngày Xưa Hoàng Thị khiến cho người đời không khỏi thắc mắc, rằng bóng hồng “Hoàng Thị Ngọ” được nhắc đến trong bài thơ (và cả bài hát) ấy là ai, mà lại khiến cho một tu sĩ Phật Giáo phải vương vấn không quên.
Trong một bài phỏng vấn ông đã kể lại câu chuyện ngày xưa ấy rằng: “Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân, nhà Ngọ ở Trần Quang Khải, cũng cùng khu Tân Định nên đi về chung đường. Mỗi lần tan trường, cô ấy ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Tóc Ngọ bay bay trên đôi vai gầy nhỏ nhắn. Có những hôm trời mưa lất phất, cô ấy đưa cặp lên che ngang đầu. Tôi thấy thương quá, muốn làm một cử chỉ gì đó như là để chở che nhưng... thở mạnh còn không dám, nói chi là...”
Cô Ngọ nhỏ hơn ông 2 tuổi nhưng hai người học cùng một lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) ở trường trung học Văn Lang ở khu Tân Định. Theo như lời kể của ông thì cô ấy có dáng người thanh mảnh với mái tóc dài thả ngang vai. Dáng người ấy khiến cho cậu học trò suốt ngày chỉ biết đánh lộn như ông chợt bồi hồi xuyến xao, rồi cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn mỗi lần lên lớp. Những kỉ niệm học trò giữa hai người cũng hiện ra theo từng lời của ông: “Có lần thầy giáo gọi tôi lên trả bài, tôi không thuộc nhưng thay vì lên tận bàn thầy giáo trên bục giảng, tôi chỉ đi đến ngang chỗ Ngọ ngồi thì dừng lại (cô ngồi bàn đầu trong lớp). Ngọ biết ý, mở cuốn tập ra cho tôi... liếc, đọc vanh vách!”
Sự rung động đầu đời ấy cứ thế dừng lại ở đó, và kết thúc khi ông đậu tú tài, sau đó theo học Đại học Vạn Hạnh. Nhưng cho dù đã “nương nhờ cửa phật” ông vẫn không thể quên được hình ảnh của cô gái ấy, hình ảnh cô học trò ôm cặp, tóc dài bay bay trong gió vẫn thấp thoáng đâu đây mỗi lần ông đi ngang qua con đường cũ... Và rồi những tứ thơ tràn về:
“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài...
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn...
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi vạn thuở...
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu...
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng...
Dáng ai nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi... Tình ơi!”
Vài những tứ thơ huyền diệu đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy tạo thành một bài nhạc sống mãi với thời gian.
Lời thơ đã được nhạc sĩ thay đổi ít nhiều, nhưng ý thơ thì vẫn vậy mà theo điệu nhạc nó có khi càng trở nên thiết tha hơn.
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay
Những hình ảnh của một cô gái nhỏ nhắn ấy hiện ra trước mắt chúng ta giữa con đường có “mưa nho nhỏ”. Cô “đi dịu dàng”, bàn tay “ôm nghiêng tập vở” cùng mái tóc dài và “tà áo vờn bay” trong làn gió, và cả bờ vai nhỏ nhắn của cô, đã khiến cho một chàng trai ôm mối tương tư mà theo bước cô về với “gót giày lặng lẽ đường quê”.
Dù trong lòng đang rộn ràng theo từng nhịp bước, nhưng sự rụt rè của cái tuổi mới lớn đã làm cho chàng trai không thể mở lời, chỉ có thể như “Chim non lề đường/ Nằm im dấu mỏ”.
Em đi dịu dàng
Bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường
Nằm im dấu mỏ
Anh theo Ngọ về
Gót giày lặng lẽ đường quê
Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề
Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ
Anh đành ôm nỗi lòng tương tư ấy mà lặng lẽ theo từng bước chân cô về nhà. Anh đi mà “Chân anh nặng nề/ Lòng anh nức nở”, nhưng nỗi lòng ấy làm sao để bày tỏ đây? Anh học trò nhỏ cứ như thế ôm theo cõi lòng vấn vương mà ngẩn ngơ khi “mai vào lớp học”.
Rồi trong một lần tan trường, cũng trong cơn mưa nhỏ “bay mờ mờ” ấy anh đã lấy hết can đảm để “trao vội vàng” cho cô một “chùm hoa mới nở”, để mà cho cô “ép vào cuốn vở” - như là trao cho cô chút tình cảm đầu đời của anh, để cho cô lưu giữ, để cho anh “muôn thuở còn thương còn thương”. Và cứ như thế, từng ngày từng ngày “Anh theo Ngọ về”, để khi nhìn thấy thấp thoáng “môi em mỉm cười” là lòng anh lại chợt nổi sóng xôn xao (Man man sầu đời tình ơi)
Em tan trường về
Mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở
Muôn thuở còn thương còn thương
Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười
Man man sầu đời tình ơi
Bao nhiêu là ngày
Theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều
Thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì
Chia tay phượng nở sang hè
Nhưng những chặng đường “Bao nhiêu là ngày/ Theo nhau đường dài” ấy cứ thế trôi đi vô tình một cách lặng lẽ. Qua những ngày tháng “Trưa trưa chiều chiều/ Thu đông chẳng nhiều” ấy rồi mùa Xuân cũng đến và lại đi, để cho họ phải chia cái thời học sinh đầy mơ mộng, “chia tay phượng nở sang hè”.
Rồi ngày lại “qua đi… qua đi… qua đi…”, làm cho con “đường xanh nho nhỏ” trong kí ức của anh chàng học trò nhỏ ngày nào “như phai nhạt mờ”. Anh tưởng rằng mình đã quên đi những rung động của tuổi trẻ ngày đó. Nhưng khi anh tình cờ “Đi lại đường xưa” và nhìn thấy cảnh vật vẫn còn y nguyên như ngày nào, “Cây xưa còn gầy/ Nằm quay ván đỏ”, những hình ảnh ngày xưa lại bất chợt mà ùa về trong tâm trí anh. Rồi anh tự hỏi không biết “Áo em ngày nọ/ Phai nhạt mấy màu”? Và đôi chân anh không thể nào khống chế mà bước vào hồi ức của chính mình.
Rồi ngày qua đi qua đi qua đi
Như phai nhạt mờ
Đường xanh nho nhỏ
Như phai nhạt mờ
Đường xanh nho nhỏ
Hôm nay tình cờ
Đi lại đường xưa đường xưa
Cây xưa còn gầy
Nằm quay ván đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Âm vang thuở nào
Bước nhỏ tìm nhau tìm nhau
Những ngày “Xưa tan trường về/ Anh theo Ngọ về” ấy vẫn còn nguyên nhưng “Nay trên đường này/ Đời như sóng nổi/ Xóa bỏ vết người”, giờ đây chốn cũ này chỉ còn lại mỗi mình anh với bước chân lẻ loi, đi tìm lại bóng hình ngày xưa ấy.
Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Nay trên đường này
Đời như sóng nổi
Xóa bỏ vết người
Chân người tìm nhau tìm nhau
Ôi con đường về
Ôi con đường về
Bông hoa còn đẹp
Lòng sao thấm mềm
Ngắt vội hoa này
Nhớ người thuở xưa thuở xưa
Tất cả mọi thứ ở đây, kể cả bông hoa cũng đang còn đẹp, khiến cho lòng anh thấy sao mà “thấm mềm”, và anh đưa tay “ngắt vội hoa này” để rồi lại nhớ về “người thuở xưa” - cái thuở mà anh vẫn ngây ngô theo bước một người con gái, người mà anh đem lòng yêu mến nhưng không dám tỏ lòng, mà chỉ dám lê “Đôi chân mịt mù/ Theo nhau bụi đỏ đường mưa”.
Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Đôi chân mịt mù
Theo nhau bụi đỏ đường mưa
Xưa theo Ngọ về
Mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này
Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ngày xưa ấy đã qua rồi, nhưng trong lòng anh bóng dáng thướt tha với “mái tóc Ngọ dài” ấy không thể nào phai nhạt. Vậy nên hôm nay đây, khi về lại chốn xưa, nơi “cây cao hàng gầy” mà anh đã từng theo bước ai đó. Anh ngây ngốc “đi quanh tìm hoài”, mà không thể tìm thấy thứ gì để khỏa lấp được nỗi trống vắng hiện giờ trong lòng mình, rồi bồi hồi anh cảm thán rằng “Ai mang bụi đỏ đi rồi”!
Và cũng như là duyên trời định, thi sĩ Phạm Thiên Thư có tâm sự rằng: “ Lạ một điều là bà xã tôi bây giờ lại rất giống Ngọ, có thể nói là một chín, một mười”. Có lẽ mối tình ngày xưa ấy đã được đáp trả bằng nhân duyên của hiện tại. Những con người có tình sẽ có một kết cục tươi đẹp riêng của họ.
Bài hát này lần đầu tiên nghe Danh ca Thái Thanh hát tôi có cảm giác như đang được nghe một người phụ nữ trải đời, ngồi kể lại câu chuyện thời thanh xuân của mình, hoài niệm và có chút tiếc nuối. Có một bản khác, rất mới, do Nguyên Hà hát lại mà tôi cũng rất thích. Và khi nghe nó tôi lại thấy dường như là một cô gái mới lớn đang kể về những rung động đầu đời của mình một cách rất trong sáng, ngây thơ và êm đềm, lặng lẽ như hàng cây xanh lá đang ngày ngày đón lấy những hạt mưa nho nhỏ.
Lối Cũ biên soạn
Nguồn, MXH