Hoại tử mũi, nhiễm trùng da… vì làm đẹp cấp tốc đón Tết

ANH ĐÀO| 13/12/2022 17:08

Thời gian gần đây các bệnh viện cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng bị hoại tử mũi, nhiễm trùng da… khi làm đi làm đẹp cấp tốc dịp giáp Tết. Các bác sĩ cảnh báo cẩn trọng khi làm đẹp tại các cơ sở không phép.

dung-thuoc-chua-axit-tri-_941670640312.jpeg
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang thăm khám và điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Nhiễm trùng, hoại tử vì “tay ngang” làm đẹp

Vốn tự ti với sống mũi thấp làm gương mặt kém sang, mới đây anh N.V.M. (36 tuổi, Hà Nội) quyết tâm làm đẹp đón Tết. Anh đến một spa gần nhà để tiêm filler vì cho rằng nhanh và rẻ, mong đến Tết sẽ có mũi đẹp.

Sau khi làm xong, mũi anh trắng bệch, chuyển ửng đỏ rồi thâm dần. Một tuần sau khi tiêm filler, toàn bộ vùng sống mũi và cánh mũi chuyển màu xanh đen, tạo mủ đau nhức. Người đàn ông đến Bệnh viện Da liễu Trung ương cầu cứu bác sĩ.

Bác sĩ Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - cho biết người đàn ông này bị hoại tử toàn bộ vùng da mũi, trán và tắc một phần động mạch cánh mũi.

"Do đến viện quá muộn nên mũi của nam bệnh nhân rất khó cứu. Nếu may mắn sẽ cứu được mô phía dưới không bị hoại tử thêm, nhưng vùng da hoại tử bị bong lớp thượng bì (bề mặt) sẽ để lại sẹo sâu" - bác sĩ Hà cho biết.

Nguyên nhân của trường hợp biến chứng này là người tiêm sai lớp giải phẫu.

Tương tự, mới đây một nữ bệnh nhân (44 tuổi, ở Tiền Giang) đến khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám bệnh trong tình trạng vùng da hai bên gò má bị lở loét, bong trượt từng mảng, rỉ dịch mủ vàng đục...tổn thương nặng gò má bên phải.

Qua khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết trước đó hơn 1 tháng có nghe người quen giới thiệu một loại “thuốc chứa axit” bán ở chợ, giá chỉ hơn 200.000 đồng có tác dụng trị sạm, nám rất hiệu quả nên mua về sử dụng.

“Sau khi thoa thuốc, da có cảm giác châm chích, bỏng rát nhiều, tôi có hỏi lại người quen thì được biết thuốc đang phát huy hiệu quả, nên tôi tiếp tục thoa. Sau 3 ngày, da ở hai gò má bắt đầu khô căng, sau đó xuất hiện vết trượt giống bị bỏng, chỗ vết thương rỉ dịch, có mủ.

Lo sợ nên tôi thoa dầu mù u để sát khuẩn, mau lành vết thương nhưng tình trạng vết thương không cải thiện mà càng sưng nề và rỉ dịch, chảy mủ nhiều hơn”, chị nói.

Sau thăm khám, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị nhiễm trùng da kéo dài dẫn đến vết thương không lành trên nền sẹo mất sắc tố.

Vì vậy, việc điều trị sẽ phức tạp và trải qua nhiều giai đoạn, trong đó phải kiểm soát tình trạng nhiễm vi trùng, vi nấm tốt, cũng như tạo môi trường thuận lợi để vết thương lên mô hạt tốt và tái biểu mô hóa làn da. Sau khi lành bệnh có thể để lại sẹo.

”Trong loại thuốc bệnh nhân thoa để trị nám nêu trên có chứa axit. Hiện nay, nhiều người vì mong muốn trị nám, tàn nhang nhanh với chi phí thấp nên đã sử dụng các loại “thuốc chứa axit” để điều trị tình trạng tăng sắc tố như đốm nâu, tàn nhang, rám má...

1474-1664181078.jpeg
Các bác sĩ đang khắc phục biến chứng do tiêm filler cho bệnh nhân - Ảnh: LAN ANH

Lựa chọn cơ sở uy tín làm đẹp

Theo bác sĩ Hà, gần Tết, đa phần khách hàng lựa chọn các phương pháp giúp tạo sự thay đổi nhanh chóng như căng chỉ, tiêm botox, filler, mesotherapy...

Đặc biệt, mesotherapy là giải pháp đưa thuốc hoặc hoạt chất phân bố lại trên bề mặt da, để cải thiện tình trạng da sần vỏ cam, tăng sắc tố, giãn mạch, chống lão hóa, tăng sinh mọc tóc…

Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận ca nhập viện điều trị biến chứng sau làm đẹp. Các năm trước, biến chứng thường gặp là tắc mạch, hoại tử sau tiêm filler.

Năm nay, đa số bệnh nhân nhập viện do phản ứng viêm, nổi u hạt sau tiêm mesotherapy - tế bào gốc được quảng cáo làm căng bóng, trắng sáng da. Lứa tuổi vào cấp cứu do gặp biến chứng nhiều nhất là 20-30 và việc điều trị rất khó khăn.

Qua tìm hiểu của các bác sĩ, một số spa, cơ sở thẩm mỹ sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép tiêm (chỉ được bôi, lăn kim ngoài da), nhưng vẫn cố tình tiêm cho khách dẫn đến phản ứng, biến chứng.

Đặc biệt, nếu người thực hiện thủ thuật không phải là bác sĩ, không nắm được kiến thức về giải phẫu có thể tiêm filler vào đường đi của mạch máu, gây tắc mạch, hoại tử, thậm chí dẫn đến mù lòa.

Ngoài ra, người không được đào tạo bài bản về liều thuốc gây tê, gây mê, có thể tiêm thuốc quá mức, cao gấp nhiều lần ngưỡng ngộ độc; dùng thuốc không được Bộ Y tế cấp phép, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Đáng nói, rất ít bệnh nhân khi xuất hiện biến chứng đến viện ngay mà thường tự điều trị hoặc quay lại nơi làm đẹp, sau khi không đỡ mới đến viện. Sai lầm này khiến tình trạng của bệnh nhân tăng nặng, gây khó khăn khi điều trị.

Theo các bác sĩ, thời điểm cuối năm thường được nhiều người lựa chọn làm đẹp để đón Tết. Tuy nhiên, do thời gian không có nhiều nên hầu hết khách hàng lựa chọn các thủ thuật tạo sự thay đổi nhanh chóng như căng chỉ, tiêm botox, filler, tiêm collagen…

Đặc biệt, tiêm filler, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu… làm đẹp hiện được nhiều chị em lựa chọn để trẻ hóa làn da, giảm nếp nhăn.

Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, người có nhu cầu cần tìm hiểu kỹ thông tin và hãy đến các cơ sở thẩm mỹ uy tín đã được cấp phép để được tư vấn, thăm khám, kiểm tra sức khỏe trước khi thực hiện để hạn chế các tai biến có thể xảy ra.

Bài liên quan
  • Đơn thuốc bất thường ở BV Hà Đông: Sở Y tế Hà Nội vào cuộc kiểm tra
    Liên quan đến loạt phóng sự điều tra của Báo Lao Động về các đơn thuốc bất thường, có dấu hiệu móc nối giữa các khoa với nhau, nhằm mục đích tận thu của người bệnh diễn ra tại Khoa Phụ Sản - Bệnh viện đa khoa Hà Đông, chiều 10.12, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sở Y tế Hà Nội đang lập đoàn kiểm tra tại Nhà thuốc bệnh viện và Khoa Phụ Sản - Bệnh viện đa khoa Hà Đông.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hoại tử mũi, nhiễm trùng da… vì làm đẹp cấp tốc đón Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO