Bản chất filler là gì?
Theo bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại Học Y Hà Nội, từ “filler” bản thân nó đã có nghĩa là chất làm đầy, là chất để bồi phụ những chỗ thiếu hụt tổ chức của cơ thể. Bản chất filler là axit hyaluronic, đây vốn dĩ là một chất có sẵn ở trong cơ thể người, tập trung nhiều ở sụn khớp và da.
Thông thường, loại chất làm đầy này có thể tồn tại trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm sau khi tiêm, trước khi bị tiêu biến.
Nhan nhản quảng cáo tiêm filler trên mạng xã hội
Chỉ cần gõ từ khóa “tiêm filler” lên thanh tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, bạn sẽ tìm thấy hàng loạt bài quảng cáo về dịch vụ tiêm filler. Tuyệt đại đa số các bài quảng cáo này đều đến từ những cá nhân, tổ chức không có bất kỳ bằng chứng nào về chứng chỉ hành nghề được công nhận. Cũng không khó để nhận ra rằng, hầu hết các “chuyên gia” tự phong này không hề học qua một trường lớp chính quy nào về y khoa, mà cụ thể là lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ.
Chỉ cần gõ từ khóa “tiêm filler” lên thanh tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, bạn sẽ tìm thấy hàng loạt bài quảng cáo về dịch vụ tiêm filler
Về thực trạng này, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung cho biết: “Chưa nói đến vấn đề về pháp lý, khi tiêm filler, tức là đã can thiệp vào cơ thể, người thực hiện không chỉ cần nắm kỹ thuật tiêm mà còn phải có kiến thức cơ bản về giải phẫu học, sinh lý học, kiến thức vô trùng, kỹ năng xử lý, cấp cứu tại chỗ khi biến chứng không may xảy ra…”.
Cũng theo chuyên gia này, ở các bệnh viện, cơ sở đào tạo được cấp phép cũng có những khóa học ngắn ngày về tiêm filler. Tuy nhiên, đối tượng được đào tạo phải là các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, bác sĩ da liễu đã có chứng chỉ hành nghề.
Nhiều cá nhân chỉ cần qua một khóa học ngắn hạn đã tự mở dịch vụ tiêm filler.
Trong khi đó, thực trạng hiện nay nhiều cá nhân “ngoài ngành” chỉ học phần cuối cùng ở những tổ chức, cơ sở đào tạo không chính thống và tự cấp các loại chứng chỉ không hề được các cơ quan chức năng công nhận. Giá trị duy nhất của những chứng chỉ “rởm” này là che mắt, lừa bịp những khách hàng thiếu kiến thức, nhẹ dạ cả tin đến sử dụng dịch vụ.
Chỉ cần ảnh và chứng minh thư cùng một khoản tiền thì sau 3 ngày đã có ngay chứng chỉ hành nghề cho các kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ.
Đáng nói là ở chỗ những cơ sở này vẫn thu hút được một lượng lớn khách hàng, hầu hết là phụ nữ trẻ, học sinh-sinh viên. Những đối tượng rất dễ bị hấp dẫn bởi mức giá rẻ, cùng những lời quảng cáo “có cánh” và nhiều lúc là sự khẳng định chắc nịch về kinh nghiệm tay nghề cũng như độ an toàn.
Những lời quảng cáo như rót mật vào tai, khiến khách hàng quên mất những nguy hiểm tiềm tàng với sức khỏe, từ kỹ thuật tưởng như đơn giản này.
Rủi ro từ việc tiêm filler ở những cơ sở không đảm bảo
Theo bác sĩ Việt Dung, biến chứng xảy ra khi tiêm filler xuất phát từ hai nguyên nhân chính:
Kỹ thuật tiêm filler
Bác sĩ Phạm Thị Việt Dung nhận định rằng, hầu hết những trường hợp biến chứng, đặc biệt là biến chứng nặng đều xuất phát từ kỹ thuật tiêm filler.
Các cá nhân, cơ sở "không chính thống" thường tập trung quảng cáo về chất lượng của filler, mà không mảy may đề cập đến vấn đề kỹ thuật tiêm, trong khi đó đây mới là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự an toàn của khách hàng.
Điển hình như kỹ thuật tiêm filler không đảm bảo vô trùng có thể gây nhiễm trùng tại chỗ: sưng, chảy dịch; nhiễm trùng toàn thân hay thậm chí là nhiễm trùng huyết. Biến chứng nặng nề nữa là tiêm vào mạch máu gây tắc mạch và theo đó là gây hoại tử, tổn thương, mất chức năng của cơ quan bộ phận mà động mạch đó chi phối như hoại tử môi, mũi, mù, liệt hay đột quỵ.
23/10 vừa qua, một bệnh nhân nhí 13 tuổi tại Yên Bái đã bị mù mắt vĩnh viễn sau khi lén gia đình đi tiêm filler “trả góp” ở một spa. Trước đó, vào tháng 9, một cô gái 20 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể cứu thị lực mắt trái sau khi tiêm filler ở một cơ sở spa trên đường Lê Văn Sỹ.
Những chuyên gia tiêm filler "tự phong" thường xuyên vi phạm những nguyên tắc cơ bản về vô trùng, điển hình về trang phục (đeo đồng hồ, vòng tay khi tiêm..) dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cho khách hàng.
Chất lượng của filler
“Rất nhiều cơ sở tiêm filler không chính thống hiện nay đang sử dụng những loại filler được quảng cáo là xách tay từ Mỹ, Nhật và đặc biệt là Hàn Quốc. Trên thực tế, những sản phẩm này không hề được kiểm duyệt, cấp phép cho nên không thể khẳng định được bản chất thành phần, cũng như độ tinh sạch của những sản phẩm này!”, Bác sĩ Việt Dung nhận định. Thêm vào đó, trên thực tế hiện nay vẫn còn rất nhiều người là nạn nhân của việc tiêm silicon lỏng, một chất đã bị cấm từ rất lâu, cũng được đóng chai và dán mác filler, bác sĩ Dung cho biết thêm.
Cũng theo chuyên gia này, chất lượng của filler là nhân tố liên quan trực tiếp đến rủi ro biến chứng khi tiêm vào cơ thể.
Minh Nhật