Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống

Hữu Long| 29/08/2022 18:59

Sắp đến Rằm tháng Tám - Tết Trung Thu, cái tết náo nức của trẻ nhỏ với bánh Trung Thu, rước đèn cùng cô Tiên chú, Cuội và được chị Hằng Nga phát quà bánh.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 1

Chiếc lồng đèn bóng kính hình rồng dài hơn 2 mét làm tay tinh xảo

Hôm cuối tuần rỗi việc, tiện tay quơ vài nhát chổi quét sân, tưới dăm ba chậu kiểng... Chợt ngó lên, thấy bác hàng xóm đang lầm rầm khấn vái trước bàn Thiên ngày Mùng 1 tháng Bảy; nhớ mới đó Tết Đoan Ngọ nay đã sắp tới Trung Thu.

Ừ nhỉ, bấm đốt ngón tay nhẩm tính, còn đúng tháng rưỡi nữa là đến Tết Trung Thu, cái tết náo nức của trẻ nhỏ rộn ràng rước đèn cùng cô Tiên chú Cuội và được chị Hằng Nga xinh đẹp phát quà bánh.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 2

Phố lồng đèn Lương Nhữ Học rộn ràng sắc màu trước Tết Trung Thu

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 3

Đi sâu vào trong, các gian hàng san sát, treo đủ loại lồng đèn xanh đỏ tím vàng với sắc màu, kích cỡ đa dạng

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 4

Với tốc độ và số lượng sản xuất cao gấp hàng trăm lần, lồng đèn thủ công khó cạnh tranh với lồng đèn nhựa

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 5

Với mẫu mã đa dạng cùng sắc màu hấp dẫn trẻ nhỏ

Dọc theo Phố lồng đèn Lương Nhữ Học, đã mấy năm nay dường như vắng bóng những chiếc lồng đèn dán giấy bóng kính truyền thống rực rỡ sắc màu, thay vào đó là hàng ngàn chiếc đèn nhựa nhấp nháy đèn led ngũ sắc, xanh đỏ tím vàng.

Chỉ còn lác đác vài gian hàng treo bán đèn lồng truyền thống. Đếm kỹ, đâu đó chỉ khoảng 15 - 20% lồng đèn bóng kính treo bán tại đây.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 6

Muốn chọn cho con lồng đèn bóng kính, nhưng bé lại bị hấp dẫn với chiếc đèn nhựa

Anh Lương Công Danh nhà ở Q.11 chở vợ con bát phố, tiện chạy ngang Phố lồng đèn, tạt vào mua cho bé chiếc đèn. Thấy anh tần ngần ngắm mãi những chiếc lồng đèn bóng kính, tôi đến bắt chuyện làm quen. Anh cho hay, lựa mua cho cháu chiếc đèn mà bồi hồi nhớ mấy cái đèn lồng dán giấy bóng kính truyền thống ngày xưa quá.

"Theo tôi, lồng đèn bóng kính thắp bằng nến ấm áp, lung linh trong đêm, rước hội trăng Rằm cùng các cô Tiên, chú Cuội và chị Hằng; vẫn có cái gì đó mộc mạc mà thân thương hơn những chiếc đèn nhựa dùng đèn led 7 màu xài pin vô hồn kia. Nhưng đèn màu nhấp nháy kèm theo các bài nhạc í éo vẫn hấp dẫn đám trẻ nhỏ theo xu thế hiện đại bây giờ", anh Danh tâm sự.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 7

Những chiếc đèn ông sao, bướm, thỏ... nằm khép nép sâu bên trong gian hàng

Ngó những chiếc lồng đèn bóng kính khép nép bên trong khiến tôi không khỏi hoài niệm về những ngày tháng cũ. Thời mà lũ trẻ nít lít nhít chúng tôi nối đuôi nhau rước đèn vòng quanh xóm làng, cùng nhau hát vang bài đồng dao thuở ấu thời: "Tết Trung Thu em đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường...”.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 8

Đến xóm lồng đèn Phú Bình, bạn đọc đi theo đường Lạc Long Quân đến Giáo xứ - Nhà thờ Phú Bình cho dễ tìm

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 9

Rồi theo hẻm bên trái nhà thờ Phú Bình, băng qua chợ Phú Trung là tới

Đi tìm lại những kỷ niệm cũ, nhân tiện thăm lại các bác nghệ nhân năm xưa, tôi trở lại xóm làm lồng đèn bóng kính truyền thống, xóm Phú Bình nằm phía sau nhà thờ giáo xứ cùng tên.

Quanh co vài con hẻm, kí ức về thời vàng son của xóm lồng đèn Phú Bình lại ào ạt ùa về. Nhớ nơi góc phố đầu đường năm ấy, chiếc xe tải loại lớn đang móc lên những bao hàng chứa đầy lồng đèn các loại xanh đỏ vàng đẹp mắt.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 10

Xóm làm lồng đèn truyền thống giờ đây chỉ còn vài ba hộ sản xuất

Con hẻm ấy giờ đây vắng tanh, không còn cảnh nhộn nhịp người người làm lồng đèn, nhà nhà treo lồng đèn, xóm trên nối xóm dưới đua nhau làm lồng đèn. Cũng không còn cảnh đèn treo tràn từ trong nhà ra ngoài ngõ, nối đuôi nhau lên những chuyến xe tải ngược xuôi đi khắp mọi miền đất nước.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 11

Anh Nguyễn Trọng Bình luôn tay sơn đen, tạo hình cho đôi mắt đèn rồng

Đâu đó khoảng 15 năm trước, đèn lồng đã về miền Tây, rồi vượt biên giới sang đất bạn Campuchia, Lào. Nay tuy xóm Lồng đèn Phú Bình vắng vẻ, chỉ còn vài hộ còn làm nhưng theo anh Nguyễn Trọng Bình, chủ cơ sở làm lồng đèn truyền thống Xóm Phú Bình chia sẻ: "Đèn làm thủ công từ chỗ tôi giờ đây không những đã theo chân các du khách nước ngoài sang Hàn, Nhật, mà còn được các Việt kiều đóng gói cẩn thận, vượt xa vạn dặm tới tận trời Tây: Âu, Mỹ, Úc".

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 12

Các khung nan tre xếp chồng lớp lớp bên ngoài cơ sở sản xuất lồng đèn hộ anh Bình

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 13

Chiếc lồng đèn chú thỏ của chị Hằng, kích thước gần 3 mét, choáng hết 1 góc phòng

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 14

Trên trần treo đủ loại đèn mẫu, vô cùng ấn tượng với chiếng lồng đèn hình rồng tinh xảo và đẹp mắt

Thường thì hàng năm, bắt đầu từ khoảng Rằm tháng 7 trở đi, cơ sở sản xuất tới đâu hết hàng tới đó. Nhiều khi phải vận động, đốc thúc xóm giềng làm ngày làm đêm mới kịp giao khách. Giờ đây có lẽ nghề làm lồng đèn truyền thống này mai một, không cạnh tranh kịp với đèn nhựa sản xuất rập khuôn theo kiểu công nghiệp. Bởi mình làm thủ công nên số lượng chỉ tới đó thôi, không thể nhiều như máy móc được, anh Bình lí giải.

"Nhưng còn ít hộ làm mà mình vẫn giữ nghề truyền thống từ đời cha ông truyền lại, thì nay lại gần như độc quyền sản xuất...", anh Bình lạc quan, cười sảng khoái.

Không gian cơ sở làm lồng đèn nóng kính hộ anh Thành vỏn vẹn chừng 15 – 16m2, từ dưới đất lên đến trên trần lồng, đèn to, đèn nhỏ sắp lớp. Băng qua đám lồng đèn đang hong khô màu nằm ngổn ngang dưới đất, nơi góc phòng chỗ anh Nguyễn Trọng Thành, người em kế anh Bình đang lui cui tô vẽ.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 15

Anh Nguyễn Trọng Thành tỉ mỉ vẽ khung bao cho chiếc lồng đèn hình cá

Vừa vẽ vừa nói, anh Thành cho hay : "Sau Tết tầm 1 tháng là tụi này bắt đầu làm khung trước; chẻ tre, kết khung treo sẳn đó hàng ngàn chiếc. Đến khoảng Tết Đoan Ngọ là lai rai lấy xuống dán giấy bóng kính, rồi vẽ viền khung, tô màu".

Công đoạn dán giấy bóng kính lên khung có thể giao cho các hộ xung quanh làm phụ. Phần tô màu trang trí thì mình thích tự tay làm. Lúc này đòi hỏi sự khéo tay và mắt thẩm mỹ chút, nhưng thực ra làm quen tay vừa nhanh vừa đẹp, lại hợp ý mình.

Quả thật, thấy anh dùng chiếc cọ đôi vẽ viền, 2 màu trắng xanh chuyển dần vào nhau thật điêu luyện, trông vô cùng thích mắt. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt xuýt xoa hỏi xem có bí quyết hay cần hoa tay gì không, như được mở lời, hấp háy mắt anh Thành khoe liền, làm quen tay như anh cỡ 4 - 5 chục năm là nhuyễn chứ chẳng cần bí kíp hay hoa tay, hoa chân gì cả… anh Thành khoái chí cười tếu vì sự pha trò của mình.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 16

Hộ làm lồng đèn đối diện nhà anh Thành cũng thế, lồng đèn thành phẩm treo khắp nơi, gần như không còn chỗ trống

Nghề này giờ cũng nhàn, làm nửa năm sống khỏe nửa năm lo gì thất nghiệp mà mấy đứa nhỏ giờ ít chịu khó ngồi yên một chỗ như thời mình. Nhớ hồi đó, đi học về là quăng cặp cái rẹt, cơm nước xong là xà vào tô tô, quét quét, tới chiều đứng lên, mặt mũi tay chân tèm lem, lấm lem màu sắc, anh Thành tâm sự.

Anh nói: "Hồi 10 tuổi tôi đã làm những cái dễ như dán giấy bóng kính lên khung rồi từ từ đến mấy cái khó như tô vẽ. Chẻ tre, uốn nan, kết khung sau này lớn hơn chút mới phụ làm được. Nghề này học cũng nhanh vì không quá khó, chỉ cần kiên nhẫn và để ý chút là làm theo được".

Bụt nhà không thiêng chứ mấy đứa nhỏ hàng xóm lại hay qua, xáng ráng đứng nhìn tụi này làm. Đứng xớ rớ hồi là anh bắt vô tô màu thử, ngó sơ đứa nào chịu khó là biết liền, trả lương và tuyển học nghề ngay và liền. Hốt được đứa nào hay đứa nấy, giờ mà có tụi nhỏ chịu qua làm phụ là mừng rồi.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 17

Ngồi sát bên anh Thành là Woòng A Tắc đang tập trung tô màu

Chỉ tay phía em Woòng A Tắc, nhà ở xóm dưới, đang cặm cụi tô vẽ, anh Thành giới thiệu, ngó chú em này coi bộ hơi dư cân chút, vậy mà siêng lắm. Với đà này chẳng mấy chốc lên thợ chính như chơi, lại còn có thể tự mình đứng ra lập xưởng làm lồng đèn riêng được.

Đang cặm cụi uốn mấy thanh kẽm, anh Bình ngồi phía ngoài tiếp lời, nghề này giờ có mỗi hộ mình cùng mấy anh em trong nhà gia công và mấy hộ yêu nghề còn làm nên khỏi sợ cạnh tranh, hơn nữa có thể làm cơ sở vệ tinh phụ mình thì nghề càng thịnh và giữ được nét đẹp xóm làm lồng đèn bóng kính truyền thống nữa.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 18

Tỉ mỉ trong từng đường cọ, tạo nên nét đẹp riêng cho những chiếc đèn "made in nhà tui" của cơ sở làm đèn lồng nhà chị Chị Loan

Ngó ra, phía hộ đối diện cũng đang tất bật kẻ bán người mua. Căn nhà chật ních đèn thành phẩm chất lên tới nóc. Chị Loan phấn khởi cho hay, hồi nãy xe ba bánh vừa vô tận nơi chuyển hàng tá đèn lồng các loại; nào là lồng đèn hình bướm, thỏ, tôm, cá, ông sao...

"Chú đến sớm hơn chút xíu là được ngắm mấy cái đèn made in nhà tui làm, seri 2022 cực đẹp rồi", chị Loan hóm hỉnh nói.

Câu chuyện dí dỏm, vui buồn xóm nghề lúc thịnh lúc suy luôn bị cắt đứt bởi các cuộc gọi video call từ zalo. Thấy chị mãi chộn rộn show hàng mẫu cho khách xem, tôi quay sang bắt chuyện cùng 2 cô khách vừa đến.

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 19

Cô Thu Ba đến tận cơ sở chọn lồng đèn, mua về tặng các em thiếu nhi ở Kiên Giang

Cô Thu Ba cùng bạn từ nơi xa tìm đến tận nơi để tận mắt xem lồng đèn, rồi đặt gần trăm chiếc làm quà tặng cho các em thiếu nhi ở Hòn Tre lớn, Quần đảo Hải Tặc thuộc Xã đảo Tiên Hải, Kiên Giang.

Cô Ba nói: "Mối thân quen từ lâu, có thể đặt hàng qua zalo, coi trước mấy kiểu đèn ưng bụng, nhưng tui vẫn thích dẫn bạn đến tận nơi sản xuất xem cho biết. Đèn nhựa dùng đèn led xài pin giá rẻ hơn nhưng tui vẫn thích đặt mua đèn truyền thống, góp phần nào lưu giữ nghề này bớt mai một".

Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống - 20

Những chiếc lồng đèn bóng kính thành phẩm trên đường đến với các em nhỏ

Thiết nghĩ, theo kế hoạch phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, thành phố triển khai chương trình “Mỗi quận huyện đều có sản phẩm dịch vụ đặc trưng…”. Có lẽ Q.11 nên triển khai tuyến điểm "Xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình" để đưa vào chương trình tour tuyến của mình thì hay biết mấy.

Việc này vừa giúp giữ gìn nét đẹp xóm nghề vừa thêm tuyến điểm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan; tự làm, tự sơn vẽ trang trí chiếc đèn từ chính tay mình làm ra, đem về tặng con cháu hay người thân, bạn bè thì cũng hay và ho, này và nọ lắm chứ.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/hoai-niem-chiec-long-den-bong-kinh-truyen-thong-c14a37777.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/hoai-niem-chiec-long-den-bong-kinh-truyen-thong-c14a37777.html
Bài liên quan
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
  • Nhịp sống cửa ô ở Hà Nội sau 200 năm
    Nằm trên một trong những con phố ngắn nhất Hà Nội, Ô Quan Chưởng vẫn vẹn nguyên kể từ thế kỷ 18. Bước qua cửa ô là nhịp sống buôn bán tấp nập của người phố cổ.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm chiếc lồng đèn bóng kính truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO