Hoa đổ về phố, người mua thưa thớt
Những ngày này, dạo quanh đường phố Sài Gòn sẽ thấy nhiều nơi bày bán kiểng Tết với đủ sắc màu. Các loại cúc, mào gà, dừa cạn, phong lan, hoa giấy, đào, mai, quất… được bày bán khắp các vỉa hè. Hoa được mang lên từ vườn các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang… với đủ chủng loại, giá cả. Những chậu cúc đại đóa, cúc vạn thọ được bán theo cặp với giá trung bình 300.000 đồng/ cặp. Cúc mâm xôi, nếu trước đây vài ngày giá cao khoảng 200.000 – 300.000 đồng/ chậu thì nay trên đường Phan Đăng Lưu, người bán giảm chỉ còn 140.000 đồng/ chậu.
Cũng dọc trên tuyến đường này, mai vàng và quất (tắc) được bán khá nhiều. Ghé một cửa hàng bày bán quất, người bán cho biết giá quất loại nhỏ khoảng 300.000 – 350.000 đồng/ chậu, loại lớn tán đẹp và cao hơn giá lên đến 1.100.000 đồng/ chậu.
Gặp một vị khách nữ đang chọn lựa chậu quất nhỏ, chị chia sẻ tranh thủ hôm nay được nghỉ Tết đi mua sắm ít cây cảnh về trang trí cho có không khí Tết. Tuy nhiên, “chỉ dám chọn chậu quất nhỏ để bàn phòng khách thôi chứ cũng không mua sắm gì nhiều vì tốn kém!”, chị cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bình, 60 tuổi chủ vườn kiểng dưới Bến Tre đem lên thành phố đủ các mặt hàng hoa bán cho ngày Tết. Đổ hàng lên từ chiều 25, vì có khá nhiều loại hoa và cây kiểng số lượng lớn nên ông phải mượn khuôn viên trường THS Hà Huy Tập (Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh) để bày bán. Vừa xếp hàng vào xe đẩy, ông vừa chia sẻ: “Làm nghề kiểng lâu năm lắm rồi chỉ trông chờ dịp Tết đến. Vừa rồi, dưới vườn cũng phải tính toán ươm sao cho hoa nở đẹp, mai nở đúng. Tiền vận chuyển lên đây, tiền ăn ở nhân công đủ thứ. Mấy hôm nay bán cũng lai rai, người đi mua chưa nhiều lắm! Họ chủ yếu mua các loại hoa giá thành rẻ về chơi”.
Cũng bày bán khá nhiều hoa cảnh là tuyến đường Trần Não (Thành phố Thủ Đức), khu vực chân cầu Sài Gòn. Không chỉ bán các loại cúc mâm xôi, cúc đại đóa, quất hay phong lan, dọc tuyến đường này còn bày bán cả những chậu đào được vận chuyển từ miền Bắc vào. Tuy nhiên, nhìn quanh, người mua cũng khá thưa thớt.
Mai vàng sức mua giảm
Khác với các loại hoa và cây cảnh khá, mai là loại cây đòi hỏi chăm sóc khó hơn nên giá bán cũng cao hơn vì vậy lại càng kén người mua. Sáng 27 Tết, ghé các vựa mai đều nhận được những chia sẻ không mấy khả quan từ người bán.
Anh Hạnh, chủ vựa mai trên đường Nguyễn Gia Trí (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) lắc đầu ngao ngán: “Mai năm nay bán chậm quá. Mọi năm thời điểm này, không tính năm dịch bệnh ra thì giờ này người ta đi mua, đi coi cũng nhiều. Năm nay giá bán thấp hơn, chỉ 1tr5 đến 3tr cây mai bonsai cỡ vừa – thậm chí cây mai lớn, đẹp cũng chỉ bán giá 5tr mà người mua cũng không mấy mặn mà”.
Cùng tình hình bán mai như anh Hạnh, chủ vườn mai Út Đực khá có tiếng ở khu vực Thành phố Thủ Đức cũng chia sẻ sự trầm lắng của thị trường khi người mua thưa thớt. “Mai giá bán năm nay vẫn như mọi năm, không hề tăng dù công sức, vật giá các thứ leo thang nhưng giá vẫn vậy. Như chậu này giá 3 triệu, 3 năm qua vẫn giá đó. Vậy nhưng sức mua năm nay chỉ được 50% so với mọi năm nên hơi buồn”. Theo nhận định của chủ vườn, mai nếu bán được là bán sớm, không phải đợi đến 29, 30 Tết như những mặt hàng hoa kiểng khác vậy nên sức mua năm nay mấy ngày qua phản ánh tình hình giảm rõ rệt. Tuy nhiên, ông vẫn mong khả quan hơn trong vài ngày sắp Tết.
Ông Bình, chủ vườn mai bonsai Bến Tre cũng chung nhận định. Ông chia sẻ: “Đợt rồi không khí lạnh hơn từ 16 đến 22 nên nhiều người lảy lá (nhặt lá mai) bị nở muộn, không kịp. Chăm mai cũng khó đủ đường để kịp nở đẹp bán Tết. Một chậu mai bonsai chăm cực mà bán cũng chỉ 300.000 đồng nhưng vẫn chưa nhiều người mua”.
Cũng như nhiều người bán khác, ông Bình, anh Hạnh đều hy vọng tình hình mua sắm hoa, cây kiểng của người dân nhộn nhịp hơn vào ngày 29, 30 Tết.