Cụ thể, trong Lệnh áp thuế với Trung Quốc, DOC quy định tủ gỗ và các bộ phận thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp nếu được gia công thêm ở nước thứ ba, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các công đoạn sau: bào, cắt, đục rãnh, đột lỗ, khoan, sơn, tạo màu, hoàn tất hoặc các công đoạn khác, vẫn nằm trong phạm vi áp dụng thuế CBPG/CTC.
Theo quy định của Hoa Kỳ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Dự kiến, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng (có thể gia hạn thêm 180 ngày nếu có lý do hợp lý). Trong quá trình điều tra, DOC có thể yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho việc xem xét.
Như vậy, trong số 2 nội dung đại diện một số doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ của Hoa Kỳ đề nghị DOC điều tra, DOC đã chấp nhận khởi xướng điều tra 1 nội dung (vấn đề xem xét phạm vi sản phẩm). Nội dung còn lại (điều tra lẩn tránh thuế), DOC vẫn đang tiếp tục cân nhắc việc khởi xướng điều tra (dự kiến kéo dài đến ngày 6/6/2022).
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục PVTM khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ tiếp tục rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ; nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục PTVM trong suốt quá trình của vụ việc.
Đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra, áp dụng 25 vụ việc PTVM, trong đó có 16 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PTVM. Điều này cho thấy Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp PTVM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.
Nhờ công cụ PTVM, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như đường mía, phân bón, sắt thép, sợi...
Ở chiều ngược lại, đã có hơn 200 vụ việc PTVM được điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, dù hoạt động thương mại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến PTVM tăng lên đáng kể (trung bình gần 20 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 so với mức bình quân 12 vụ/năm của thời kỳ 3 năm trước đó).
Với các công cụ PTVM được quy định tương đối chi tiết và đầy đủ trong cả các FTA thế hệ mới và trong hệ thống pháp luật về PTVM trong nước, Bộ Công Thương đã và đang tích cực điều tra, áp dụng các biện pháp PTVM để bảo vệ nền sản xuất nội địa trước áp lực thực thi các cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình, đảm bảo hiệu quả của quá trình hội nhập.