Hoa hồng thép' Việt Nam nơi vùng chiến sự Nam Sudan

Nhật Vũ| 06/02/2022 10:36

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương đã có nhiều tháng làm nhiệm vụ nữ quan sát viên quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan.

Ngày trở về, hít một hơi thật sâu mùi quê hương đất Việt, chị không khỏi bồi hồi, xúc động. 17 tháng rồi Trung tá Phương mới đặt chân trở lại mảnh đất hình chữ S này.

Thời tiết khắc nghiệt tại mảnh đất Nam Sudan, nắng như đổ lửa – mưa thối đất thối cát đã làm da chị xấu đi nhiều, tóc rụng 2/3.

Nhiệm kỳ của chị lúc đầu là 12 tháng, tuy nhiên, do yếu tố dịch bệnh và yêu cầu của Phái bộ cũng như Bộ Quốc phòng Việt Nam, thời gian làm nhiệm vụ của nữ trung tá đã kéo dài thành 17 tháng.

Cờ Việt Nam trên ngực áo

Tôi gặp Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương trong một buổi sáng tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Hòa Lạc. Ấn tượng đầu tiên là một phụ nữ xinh xắn trong sắc phục quân nhân và chiếc mũ nồi xanh truyền thống, giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng và nụ cười luôn nở trên môi.

Chị tâm sự, nhận nhiệm vụ trên cương vị là nữ quan sát viên quân sự đầu tiên tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Nam Sudan, bản thân chị nhận thấy rằng đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, đầy thử thách, nhưng cũng là niềm vinh dự, tự hào.

Một trong những yêu cầu của quan sát viên quân sự là phải đảm bảo thông tin liên lạc, đảm bảo quyền tự do đi lại của đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương trước mỗi chuyến tuần tra phải tìm hiểu, nắm bắt thật chắc địa bàn. Đồng thời, chị cũng phải cố gắng liên lạc trước với những người chị chuẩn bị tiếp xúc. Tìm hiểu rõ hơn thì quá trình thương thuyết sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Hoa hồng thép' Việt Nam nơi vùng chiến sự Nam Sudan - 1

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương cùng lực lượng Gìn giữ hòa bình các nước

Trung tá Phương có rất nhiều kỉ niệm đối với chốt kiểm soát ở đầu cầu Juba. Đây là một trong những chốt kiểm soát đầy thách thức đối với lực lượng quan sát viên quân sự tại Thủ đô Juba cũng như tại Nam Sudan vì họ không hề thân thiện.

Lần đầu đi qua cầu Juba, chị xuống làm việc với sĩ quan, binh lính phụ trách chốt kiểm soát. Lúc đầu họ nhìn chị đầy hoài nghi, họ thử thách bản lĩnh người lính Việt Nam bằng cách đưa xuống phòng làm việc rất tối và bẩn thỉu, không khác gì một phòng tù giam. Nhưng chỉ sau ít phút dò hỏi, họ ồ lên và bất ngờ bởi lần đầu tiên thấy nữ sĩ quan Việt Nam tham gia tuần tra trên cương vị là quan sát viên quân sự.

“Sau khi nhìn thấy chữ Việt Nam ở trên ngực áo của tôi thì họ rất hồ hởi, nói chuyện nhiều hơn và cũng chia sẻ với tôi rất nhiều câu chuyện như: họ đã được biết đến Việt Nam thông qua những bộ phim, những đoạn clip ngắn trên mạng hay những câu chuyện kể của mọi người. Trước đây cũng có nhiều quan sát viên quân sự đi qua đây rồi nhưng chưa có ai là nữ quan sát viên quân sự đến từ Việt Nam. Thực sự họ rất ấn tượng.

Lúc đấy mình rất vui, bởi vì, mặc dù rất xa xôi nhưng đất nước và con người Việt Nam chúng ta lại được các bạn biết đến và dành tình cảm trân trọng đến như vậy”, chị nhớ lại.

Sau mỗi lần nói chuyện như vậy, tình cảm giữa lực lượng quan sát viên quân sự nói chung, đặc biệt là lực lượng sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng đối với Quân đội Nam Sudan cũng như người dân ở đây trở nên thân thiện hơn rất nhiều.

Họ hát chào người Việt Nam

Ngoài việc tuần tra nắm bắt tình hình, Trung tá Phương còn tranh thủ kết hợp việc làm thiện nguyện cho những người dân bản xứ. Mỗi lần như thế, chị lại mua đồ tặng các em nhỏ ở những khu vực bị xung đột, trại tị nạn, trường học…

Tranh thủ các ngày cuối tuần, chị thường xuyên tới trại tị nạn gần thủ đô Juba để tặng quà, giúp đỡ người dân ở đó. Ví dụ, chị tặng màn, kem chống muỗi bởi vì ở đó bệnh sốt rét rất phổ biến.

“Mỗi lần đi như thế, người dân trại tị nạn quây quần bền mình, hát cho mình nghe những bài hát của quê hương họ, những bài hát chào đón người mà họ yêu quý. Người dân nói rằng  họ không có vật chất gì để tặng, họ chỉ có tình cảm xuất phát từ trái tim”, Trung tá Phương nói.

Người dân bảo Việt Nam rất hiểu và thông cảm hoàn cảnh của họ. Có người bảo Việt Nam đã từng trải qua giai đoạn như thế rồi cho nên người Việt Nam rất chia sẻ với họ. Và họ rất quý mến người lính mang cờ đỏ sao vàng.

Hoa hồng thép' Việt Nam nơi vùng chiến sự Nam Sudan - 2

Trung tá Phương cùng người dân bản xứ

Họ nói “Vietnam, you are winner”

Theo lời chị Phương, những người lính ở các chốt, trạm kiểm soát trên lãnh thổ Nam Sudan đều tỏ ra rất ấn tượng khi lần đầu tiên gặp nữ sĩ quan Việt Nam trên cương vị quan sát viên quân sự và làm nhiệm vụ tuần tra ngoài căn cứ.

Họ gọi chị là “Queen Việt Nam”, hay “Miss Việt Nam”.

“Trong những câu chuyện, họ nói với tôi rằng “Vietnam you are winner…” có nghĩa là "Việt Nam các bạn là những người chiến thắng". Họ kể về những câu chuyện liên quan đến việc người Mỹ đã đặt chân đến Việt Nam như thế nào, và đã bước ra khỏi đất nước Việt Nam ra sao”.

Họ cũng thường tâm sự với chị rằng, những người dân ở đất nước Nam Sudan rất ấn tượng đối với sự phát triển, phục hồi của Việt Nam sau quá trình dài chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Thông qua những câu chuyện chia sẻ về Việt Nam, họ cũng mong muốn đất nước Nam Sudan nhanh chóng phục hồi, ổn định, thống nhất, người dân có cuộc sống ấm no như Việt Nam.

Chưa bao giờ từ chối nhiệm vụ

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, quan sát viên quân sự được phân công thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở những địa điểm khác nhau, trong đó, nhiều nơi cực kỳ nguy hiểm và vô cùng phức tạp về an ninh, chính trị.

Có chuyến tuần tra biệt phái cả tháng trời, tăng cường tới một số địa điểm yêu cầu có mặt cả quan sát viên quân sự cũng như lực lượng Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

Tiểu bang Yei là một trong những nơi mà Trung tá Phương được tăng cường. Đây là một địa bàn rất nguy hiểm bởi nó nằm ở biên giới Nam Sudan, là điểm nóng chính trị và bạo lực. Còn một khó khăn nữa: đây là điểm nóng dịch bệnh Ebola.

Khi được cấp trên hỏi có nhận nhiệm vụ này hay không, chị đã không chút ngần ngại trả lời "có". Chị nghĩ, là một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, một người lính Cụ Hồ thì không bao giờ lùi bước trước bất cứ nhiệm vụ hay thách thức nào.

Đến tiểu bang Yei, chị và đồng nghiệp nhận thấy nơi đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng cũng là nơi có thể học hỏi được rất nhiều.

“Chúng tôi tuân thủ theo những quy tắc của Liên hợp quốc, những quy định của quan sát viên quân sự để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ. Và tôi nhận thấy rằng, tôi có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ tại đây.”

Trước khi trung tá Nguyễn Thị Minh Phương đến nhận nhiệm vụ, khu vực này đã từng xảy ra vụ việc một quan sát viên quân sự bị bắn chết. Người ta cảnh báo đi ra khỏi căn cứ bắt buộc phải mặc áo giáp, đội mũ sắt, di chuyển bằng xe bọc thép. Chính vì thế chị phải có kỹ năng lái xe bọc thép - một loại xe cực kỳ nặng, khó khăn trong việc di chuyển.

Hoa hồng thép' Việt Nam nơi vùng chiến sự Nam Sudan - 3

Một lần đi tuần tra của Trung tá Phương

Tại một số khu vực, những đoàn xe của Liên hợp quốc không ít lần trở thành mục tiêu của các phe phái.

Có một lần, đoàn của Trung tá Phương đang trên đường đi tuần tra về thì nghe thông tin qua bộ đàm có một vụ bắn nhau trên đoạn đường trước mặt. Cả đoàn ngay lập tức sử dụng những biện pháp bảo vệ, bảo đảm an toàn cho cá nhân.Cũng có không ít lần vì làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, chị đã không thể liên lạc  với chỉ huy các cấp trong một tuần, nên mọi người rất lo lắng. Sau khi chị về đến nơi, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm.

Dòng máu người lính 

Trung tá Phương chia sẻ, gia đình chị có truyền thống phục vụ trong quân đội. Ông ngoại, bố mẹ đẻ, bố chồng và chồng chị đều là người lính. Đây chính là động lực giúp chị quyết tâm trở thành quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Truyền thống gia đình khơi dậy trong chị niềm đam mê được cống hiến trong quân đội. Tuy nhiên, cơ duyên chị làm một người lính gìn giữ hoà bình lại bắt đầu từ một câu chuyện khác.

Năm 2014, khi Việt Nam bắt đầu triển khai hai sỹ quan đầu tiên đến Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, chị đã tìm hiểu về lực lượng Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc và chủ trương, chính sách của Việt Nam.

Sau đó, Việt Nam cử nữ sĩ quan đầu tiên thực hiện nhiệm vụ Gìn giữ hoà bình trên cương vị sĩ quan tham mưu. Đó là trung tá Đỗ Thị Hằng Nga. Chị suy nghĩ và thấy đây là một tấm gương, động lực để mình phấn đấu.

Sau khi vượt qua nhiều vòng tuyển chọn, huấn luyện, các bài kiểm tra sát hạch gắt gao, chị đã trở thành người lính mũ nồi xanh, là nữ quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam.

“Tôi rất may mắn có hậu phương vững chắc. Bố mẹ đã nghỉ hưu nên dành thời gian giúp đỡ việc chăm sóc các cháu, chăm sóc gia đình. Đặc biệt hơn nữa, tôi có một người chồng luôn luôn ủng hộ vợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các cháu nhỏ cũng được bố mẹ rèn luyện cho tính tự lập từ nhỏ, cho nên khi nhận nhiệm vụ lên đường, tôi vô cùng yên tâm”, Trung tá Phương tâm sự.

Nhiệm vụ Quan sát viên quân sự đòi hỏi rất nhiều kiến thức, kĩ năng, và nữ trung tá cho rằng mình rất may mắn, vì trước khi được điều động về công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, chị có một thời gian dài công tác trên cương vị là giảng viên tiếng Anh tại Trường Sĩ quan Lục quân I.

Với kiến thức, khả năng ngoại ngữ được trau dồi trong khoảng thời gian khá dài, chị luôn tự tin việc sử dụng ngoại ngữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên cương vị là quan sát viên quân sự.

Hoa hồng thép' Việt Nam nơi vùng chiến sự Nam Sudan - 4

Trung tá Phương

Nhật Vũ

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hoa hồng thép' Việt Nam nơi vùng chiến sự Nam Sudan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO