Cuối tháng 3, người hâm mộ phát hiện Sireethorn Leearamwat xóa danh hiệu Miss International 2019 khỏi tài khoản cá nhân sau 3 tháng kết thúc nhiệm kỳ.
Hành động trên vốn không còn xa lạ vì từng được nhìn thấy ở Miss Universe 2015 Pia Wurtzbach, Nadia Ferrira - Á hậu 1 Miss Universe 2021, Andrea Aguilera - Á hậu 1 Miss Grand International 2021, và nhiều hoa, á hậu khác trong Big 6. Tuy nhiên, Sireethorn Leearamwat là Hoa hậu Quốc tế đầu tiên làm việc này.
Chính vì gỡ danh hiệu "Miss International" khỏi phần tiểu sử, chỉ giữ lại thông tin mình là diễn viên, người đẹp Thái Lan gây xôn xao cộng đồng mạng. Nhiều người đoán sau hành trình đương nhiệm tẻ nhạt kéo dài 3 năm trong mùa dịch, có thể Sireethorn Leearamwat muốn chinh phục đỉnh cao mới, rực rỡ hơn.
Bên cạnh đó, có bình luận nhận định Miss International giảm sức hút nên các người đẹp liên quan đến đấu trường này không còn mặn mà. Cuộc thi ít ghi dấu ấn giữa thời điểm Miss Grand International, Miss Universe... lần lượt chiếm sóng truyền thông.
Khán giả ít hứng thú với Miss International
Ban tổ chức Miss International mới đây thông báo mùa giải lần thứ 61 sẽ diễn ra ở quận Shibuya (Tokyo, Nhật Bản) cuối tháng 10. Họ đăng tới 3 bài đề cập thông tin này, thế nhưng độ tương tác nhỏ giọt. Có bài chỉ đạt 35 lượt thích.
Đà giảm sức hút của cuộc thi còn được thể hiện ở việc Jasmin Selberg - đương kim Hoa hậu Quốc tế - không được nhắc nhiều trên mạng xã hội và thậm chí là trên trang chủ Miss International. Bài đăng gần nhất về Selberg vào ngày 21/2, khi cô làm khách mời trong sự kiện của đại sứ quán Estonia ở Berlin, Đức.
Khán giả đặt câu hỏi, phải chăng Selberg có quá ít hoạt động để cập nhật, nên fanpage cuộc thi chỉ liên tục phủ kín bảng tin bằng những tin tức, hình ảnh liên quan đến các cuộc thi khác trong hệ thống Miss International?
Thực tế, dù đã đăng quang từ giữa tháng 12/2022, Selberg không chứng tỏ được sức hút của một hoa hậu cấp quốc tế. Tài khoản Instagram của cô chỉ có hơn 46.000 người theo dõi - con số khá thấp nếu so sánh với các hoa hậu khác. Hơn nữa, Selberg cũng hoạt động mạng xã hội an toàn.
Jasmin Selberg bị chê hành trình đương nhiệm không nổi bật như các hoa hậu quốc tế khác của năm 2022. Ảnh: @jasminselberg. |
Theo Missosology, Sireethorn Leearamwat giữ kỷ lục là Hoa hậu Quốc tế có thời gian đương nhiệm lâu nhất lịch sử. Cô lên ngôi năm 2019 nhưng đến 2022 mới trao lại vương miện.
Trong khoảng thời gian đó, bỏ qua hạn chế của dịch Covid-19, Sireethorn không có những hoạt động đáng chú ý, thậm chí bị chê thiếu đột phá. Cô không xuất hiện nhiều và trên Instagram, hoa hậu cũng không thu hút lượng lớn người theo dõi.
Ở diễn biến khác, khán giả dần ít quan tâm Miss International vì cuộc thi ngày càng cũ kỹ, không chịu cải cách. Đấu trường sắc đẹp này vẫn giữ nguyên format chán ngắt khi luôn để thí sinh catwalk trên nền nhạc đều đều, sân khấu và góc quay ít được đầu tư ở chung kết.
Đó là chưa kể, Miss International còn vấp tranh cãi khi Stephen Diaz - Giám đốc truyền thông của cuộc thi - công khai bình luận về chính sách mới của tỷ phú chuyển giới Anne Jakkaphong Jakrajutatip đối với Miss Universe.
Ông Stephen cho rằng việc Anne tuyên bố cuộc thi cấp quốc gia thuộc hệ thống Miss Universe chỉ được trao cơ hội duy nhất cho cô gái chiến thắng thi quốc tế, còn các á hậu mất cơ hội thử sức ở cuộc thi khác, là "thể hiện sự thiếu tự tin của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ".
Có còn xứng danh trong Big 3?
Theo Global Beauties đánh giá, Miss International là cuộc thi sắc đẹp lớn thứ ba thế giới, xếp sau Miss Universe và Miss World.
Không chỉ dựa vào nhan sắc, các thí sinh tham gia cuộc thi được coi như những đại diện cho lòng nhân từ, tính hữu nghị, sự thanh lịch, trí tuệ, khả năng chủ động, và quan trọng nhất là sự nhạy cảm về các vấn đề thế giới. Tiêu chí lớn nhất của cuộc thi là đẩy mạnh hòa bình thế giới, thiện chí và tầm hiểu biết.
Từ rất sớm, tổ chức Miss International đã lập quỹ cùng tên nhằm giúp đỡ trẻ em thiệt thòi trên toàn cầu, thông qua UNICEF và một số tổ chức từ thiện khác.
Trong nhiệm kỳ của mình, đương kim Hoa hậu Quốc tế sẽ sống ở Tokyo. Hoa hậu có nhiệm vụ quảng bá du lịch cho đất nước mặt trời mọc.
Khán giả Việt chỉ thực sự quan tâm Miss International sau vương miện Á hậu 3 của Phạm Hồng Thúy Vân trong cuộc thi năm 2015, và thành tích top 8 Miss International 2019 của Nguyễn Tường San.
Thúy Vân (ngoài cùng bên trái) là thí sinh Việt đạt thành tích cao nhất ở Miss International. Edymar Martínez (giữa) đăng quang năm 2015, được mệnh danh Hoa hậu Quốc tế đẹp nhất lịch sử. Ảnh: MI. |
Đây là sân chơi nhan sắc duy nhất chưa xảy ra trường hợp người chiến thắng bị phế truất hay trả lại vương miện. Tuy nhiên, vì chưa từng có người đẹp châu Phi đăng quang, Miss International bị đánh giá mang tư tưởng "phân biệt chủng tộc".
Được tổ chức lần đầu tại Long Beach, California, Mỹ năm 1960, Miss International về tay chủ người Nhật Bản vào 7 năm sau đó. 2020-2021 là giai đoạn ảm đạm chưa từng có của cuộc thi này khi liên tục phải hủy, hoãn tổ chức vì dịch Covid-19.
Trở lại sau dịch với cách tổ chức đi vào lối mòn, nên dĩ nhiên, Miss International không còn được đón nhận một cách nồng nhiệt. Trong khi đó, các cuộc thi "sinh sau đẻ muộn" như Miss Grand International dần vượt lên về độ phủ sóng lẫn số lượng, chất lượng thí sinh, sự đầu tư bài bản trong khâu tổ chức.
Những người hâm mộ trung thành lo lắng vào tương lai không xa, Miss International chịu chung số phận với Miss Earth, đánh mất vị thế của đấu trường sắc đẹp top đầu.
Thực tế đã ghi nhận nhiều quan điểm đồng tình Miss International không còn đủ sức giữ vững vị trí "cuộc thi hoa hậu lớn thứ ba trên thế giới". Thay vào đó, Miss Grand International sẽ vừa vặn hơn.
Quan điểm này từng được giám đốc quốc gia của một cuộc thi nhan sắc uy tín nhấn mạnh ở họp báo. Tuy vấp tranh cãi, nhưng nếu xét ở nhiều khía cạnh, chia sẻ của người này có thể đã đúng.