Các nhà đàm phán Nga và Ukraine tại cuộc hòa đàm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3. (Nguồn: Reuters) |
Các nhà đàm phán hai bên đã tiến hành cuộc gặp trực tiếp tiếp theo sau hơn 2 tuần qua, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 2.
Phát biểu tại Istanbul, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hoan nghênh hai nước đạt được thỏa hiệp và một nhận thức chung đối với các vấn đề cụ thể, đồng thời tuyên bố cuộc chiến phải chấm dứt sớm nhất có thể.
Ông Cavusoglu cũng cho biết, dự kiến, các Ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ thảo luận "nhiều vấn đề khó khăn hơn" vào thời điểm khác, nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo hai nước sẽ hội đàm sau đó.
Đề xuất của Ukraine
Tại cuộc hòa đàm, Ukraine đã đưa ra một loạt đề xuất về giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn một tháng qua, bao gồm cả việc từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thứ nhất, các đảm bảo an ninh. Ukraine muốn có một cơ chế quốc tế về các bảo đảm an ninh, có ràng buộc về mặt pháp lý từ các nước phương Tây, mà theo Kiev là sẽ tương đương hoặc tốt hơn so với đảm bảo an ninh tập thể của NATO.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hòa đàm với Nga, nhà đàm phán Ukraine David Arakhamia nói: “Theo cơ chế đó, các nước đứng ra bảo đảm an ninh cho Ukraine sẽ hành động theo cách tương tự Điều 5 trong Hiến chương NATO và thậm chí còn chắc chắn hơn”.
Ông Arakhamia cho biết, Ukraine muốn các quốc gia bảo đảm là Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh - 4 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cùng với Canada, Đức, Israel, Italy, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trừ Trung Quốc và Israel, những quốc gia vừa đề cập đều là thành viên NATO.
Thứ hai, tình trạng trung lập của Ukraine với NATO. Nếu những đảm bảo an ninh như trên có hiệu lực, Ukraine có thể trở nên trung lập, có nghĩa là Kiev sẽ từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
Một nhà đàm phán khác của Ukraine, ông Oleksandr Chaly, cho biết thêm, nước này sẽ không tham gia “bất kỳ liên minh chính trị-quân sự nào”.
Thứ ba, không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ôngChaly cũng lưu ý rằng, Ukraine có thể tập trận chung với các quốc gia bảo đảm an ninh.
Thứ tư, tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU). Kiev nhấn mạnh rằng, Hiệp ước quốc tế về an ninh của Ukraine không cản trở khả năng nước này trở thành thành viên của khối. Kiev thậm chí muốn các nước bảo đảm an ninh cam kết hỗ trợ quá trình gia nhập EU.
Thứ năm, toàn vẹn lãnh thổ. Ukraine đề xuất gạt sang một bên những câu hỏi về Crimea và những vùng lãnh thổ ly khai ở khu vực Donbass.
Ông Arakhamia nhấn mạnh, để những đảm bảo an ninh nhanh chóng có hiệu lực, hiệp định sẽ “tạm thời loại trừ” những khu vực này.
Theo Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, đối với Crimea, nơi được sáp nhập vào Nga năm 2014, Kiev đề xuất những cuộc đàm phán kéo dài hơn 15 năm để giải quyết tình trạng của bán đảo này.
Nga tuyên bố giảm "triệt để" hoạt động quân sự ở miền Bắc Ukraine
Về phía Nga, các nhà đàm phán cho biết, Moscow sẽ giảm "triệt để" hoạt động quân sự ở miền Bắc Ukraine sau cuộc đàm phán.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết: "Xét tới các cuộc đàm phán về việc chuẩn bị một thỏa thuận trung lập và tình trạng phi hạt nhân hóa của Ukraine đã chuyển sang một giai đoạn thiết thực... sẽ giảm triệt để các hoạt động quân sự tại các khu vực của Kiev và Chernigiv".
Theo ông Fomin, Moscow đưa ra quyết định trên nhằm "tăng cường lòng tin" tại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho rằng, cuộc đàm phán mới nhất "có ý nghĩa" và các đề xuất của phía Ukraine sẽ được gửi lên Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Với những tiến triển trong cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhà đàm phán Ukraine Arakhamia cho biết, đã đủ để tạo điều kiện cho cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Ukraine và Nga.
Ông Arakhamia đề cao khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.