Hỗ trợ lãi suất 2%, muốn được ưu đãi DN phải khoẻ mạnh

06/07/2022 20:52

Chỉ những DN nào có khả năng phục hồi, mới được hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn từ ngân hàng. Các DN không đảm bảo điều kiện, không phải đối tượng của gói hỗ trợ này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 6/7 tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự.

DN khỏe mới được vay

Đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

Thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của bộ).

DN được hỗ trợ lãi suất, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn t của các ngân hàng thương mại.

Các DN được hỗ trợ lãi suất, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng, quy định với khoản vay này khá chặt, DN phải không có nợ xấu, phải có tài sản đảm bảo, có doanh thu mới được xét duyệt. Như vậy chỉ những DN khỏe mới đủ điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó,  nhiều DN nhỏ và vừa trải qua 2 năm đại dịch, đang gặp khó khăn, bị nợ xấu, không có tài sản đảm bảo,... nên không thể vay vốn. Hơn nữa các ngân hàng lại xét duyệt những khoản vay này rất thận trọng, có thể khiến cho vốn vay đến không đúng  thời điểm DN cần, nên có thể sẽ kém hiệu quả.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã gần hết hạn mức tín dụng, cùng áp lực lạm phát lớn, có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ, vì vậy sẽ khó giải quyết được nguồn vốn, trong lúc các DN đang rất cần.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/6/2022 là 9,35% trong khi huy động vốn là 4,51%, không tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy thanh khoản của các ngân hàng cũng là vấn đề khi đáp ứng vốn cho khách hàng. Với Agribank hạn mức tín dụng được cấp năm 2022 là 7%, sau 6 tháng đầu năm đã sử dụng hết 6% rồi, nếu không được tăng thêm sẽ phải rất hạn chế cho vay 6 tháng cuối năm. Tăng thêm sẽ đẩy mạnh cho vay, nhưng lại lo áp lực về lạm phát.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tien Phong (TPBank) nhận xét, với các điều kiện cho vay theo quy định, chúng tôi sàng lọc ra chỉ có khoảng 2.000 khách hàng đủ điều kiện để vay tính từ đầu năm 2022, với vốn vay chiếm chưa tới 10% dư nợ, con số này không nhiều.

Muốn “nới” điều kiện cho vay

Ông Phạm Huy Hùng đề nghị, cần cân nhắc “nới” các điều kiện cho vay để có thêm DN được hưởng gói hỗ trợ này. Chẳng hạn như ngân hàng xét thấy DN có khả năng trả nợ được thì nên cho vay. Cùng với đó, cần thống nhất giữa các ngân hàng để tránh trường hợp mỗi nơi hiểu một cách khác nhau, cùng một DN nhưng ngân hàng này không cho vay, trong khi ngân hàng khác lại cho vay. Điều quan trọng nữa là cần xét duyệt nhanh, để vốn đến DN đúng thời điểm, tránh như gói hỗ trợ thuê trọ, sau mấy tháng thực hiện mới chỉ giải ngân được 1%.

Từ đầu năm tới nay dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đã đạt 2,8 triệu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hưng cho rằng, với các khách hàng đã được cơ cấu lại nợ trong thời gian qua thì không thuộc đối tượng cho vay của gói hỗ trợ này. Trong khi các DN này rất cần vốn để phục hồi, cần xem xét để cho các DN này cũng được vay từ gói hỗ trợ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, các đối tượng vay vốn từ gói hỗ trợ này, đã được xem xét kỹ và được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Việc vay qua các ngân hàng thương mại, phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Chỉ những DN nào có khả năng phục hồi mới được vay vốn. Các DN không đảm bảo điều kiện, không phải đối tượng của gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ xem xét việc có “nới” điều kiện hay không và “nới” như thế nào. Điều này cần được tổng hợp để các bộ ngành chức năng xem xét.

Cũng theo ông Tú, từ đầu năm tới nay dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đã đạt 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó có không ít các DN đủ điều kiện để vay từ gói hỗ trợ này. Vì vậy có nhiều khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất 2%.

Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, chú trọng công tác thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ lãi suất 2%, muốn được ưu đãi DN phải khoẻ mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO