Hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm có thu hút được người tài?

Minh An| 01/10/2020 08:02

Việt BáoTheo nhiều chuyên gia, để thu hút được sinh viên giỏi đầu quân vào ngành sư phạm song song với việc hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí thì cũng cần quan tâm đến chất lượng đào tạo, hỗ trợ việc làm...

Theo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm được Chính phủ ban hành ngày 25/9, sinh viên sư phạm ngoài được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí thì còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm chi cho giáo dục, đào tạo tại các địa phương, bộ, ngành theo các quy định hiện hành.

Nghị định cũng quy định rõ việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với các trường hợp cụ thể như các sinh viên đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau hai năm kể từ ngày tốt nghiệp; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.

Nghị định đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì nhiều người cho rằng liệu bây giờ chính sách mới có thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm hay không.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng – Giáo viên môn Toán trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: “Trước chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí mới cho sinh viên sư phạm, tôi cũng có một chút vui mừng vì Chính phủ tiếp tục quan tâm đến ngành sư phạm nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên cũng góp phần khuyến khích học sinh chọn ngành sư phạm.
Tuy nhiên, ý nghĩa của việc hỗ trợ này lớn, không  thực sự giúp nâng cao chất lượng sinh viên sư phạm vì nó không làm thay đổi bản chất của vấn đề, không khiến học sinh thiết tha với ngành sư phạm vì thực trạng hiện nay sinh viên sư phạm ra trường vẫn rất chật vật để có thể xin được việc”.

Ảnh minh họa: Internet

TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thì song song với việc hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí chúng ta nên bàn đến chuyện hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Vì sao những trường công an, quân đội chưa bao giờ hết "hot" và điểm chuẩn năm nào cũng cao? Và những ngành này luôn thu hút được sinh viên giỏi nhất? Hay vì sao trường y dược học phí cao nhưng điểm chuẩn năm nào cũng thuộc loại “khủng”? Là vì ngoài mức hỗ trợ sinh hoạt phí, sau khi ra trường các em không phải quá lo đến chuyện việc làm. Tôi mong rằng ngoài việc hỗ trợ học phí hay sinh hoạt phí chúng ta hãy có thêm chính sách hỗ trợ việc làm với mức thu nhập tốt thì mới có thể thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm”, TS Lê viết Khuyến cho hay.

Còn theo thầy Trần Mạnh Tùng, để nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm, để học sinh giỏi đầu quân vào ngành sư phạm chúng ta cần quan tâm đến số lượng tuyển sinh sư phạm hàng năm khi hiện có khoảng 35 000 giáo viên đang thất nghiệp trong khi lượng tuyển sinh vào các trường sư phạm tăng hàng năm 20, 30%.
“Hiện nay chúng ta mới chỉ chú trọng năng lực tiếp nhận của trường đại học chứ chưa quan tâm đến nhu cầu thực sự của các địa phương. Ngoài ra cũng cần đầu tư chương trình, cơ sở vật chất cho các trường sư phạm; tăng cường đào tạo kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm.

Điều quan trọng nhất là phải đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm nhất là khi trong chính sách mới cũng nói sau 2 năm, sinh viên không làm việc trong ngành sẽ bị thu hồi tiền hỗ trợ. Trong khi hiện nay, rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường 2 năm vẫn chưa có việc làm, lấy đâu tiền để đóng phạt. Và cuối cùng là tăng lương cho giáo viên”, thầy Tùng cho hay.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng cho sinh viên sư phạm có thu hút được người tài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO