Xem thêm: Hồ sơ mật - Điệp viên tỷ đô của CIA là ai? - Phần 2
Lý do cho việc đột nhiên biến mất của Adolf Tolkachev cuối cùng cũng đã sáng tỏ. Sau khi phải sử dụng đến “Chiếc hộp thần kỳ” để tới điểm hẹn sau 5 lần điệp viên này biệt vô tăm tích, Plunkert đã gặp được Tolkachev. Họ gặp nhau khi Moscow đã bao trùm trong tuyết trắng. Trông Tolkachev có vẻ mệt mỏi và già hơn so với tấm hình Plunkert đã xem. Tolkachev bị chứng cao huyết áp và phải nằm liệt giường trong một thời gian dài. Đó là lý do Tolkachev không thể tới các cuộc gặp như đã hẹn.
Cuối cùng thì CIA đã kết nối lại được với Tolkachev. Ở cuộc gặp lại đó, Plunkert chuyển cho Tolkachev một số vật dụng theo yêu cầu và nhận lại 16 cuộn phim đã chụp. Trong suốt thời gian móc nối với CIA, Tolkachev đã nhận nhiều vật dụng có giá trị và cả tiền mặt từ CIA, trong đó ở lần đột kích khám nhà trước khi bắt giữ kẻ phản bội, các sĩ quan KGB đã thu được nhiều cọc tiền rúp mà theo ước tính của thời giá 2019 là tương đương 10 triệu USD.
Điệp viên tỷ đô và hành động táo tợn
Phòng photocopy tại nơi làm việc của Tolkachev được thiết kế đặc biệt, do khoảng 5 nhân viên vận hành. Trừ 5 người đó ra, tất cả mọi người đều không được phép bước chân vào phòng và những ai muốn photocopy tài liệu đều phải có phiếu ghi lệnh photo có xác nhận bởi cơ quan an ninh. Như vậy, khả năng đánh cắp tài liệu bằng cách photo là không thể thực hiện được. CIA và Tolkachev cuối cùng đi tới thống nhất: Sử dụng máy ảnh.
Tolkachev gắn máy ảnh vào phía sau một chiếc ghế tựa để chụp tài liệu trong giờ ăn trưa. Ảnh: Washington Post |
Tolkachev thường có mặt tại bàn làm việc của mình tại Phazotron vào lúc 8 giờ sáng và ngồi hàng giờ ở Thư viện Lênin vào chiều muộn. Trong quá trình làm việc ở Phazotron và đọc sách ở thư viện, Tolkachev chú tâm tìm kiếm kẽ hở an ninh nhằm triệt để khai thác cho mục đích gián điệp của mình.
Một trong những thủ đoạn của điệp viênnày là lợi dụng giờ ăn trưa để sao chụp tài liệu. Vào giờ đó, Tolkachev sẽ giấu tài liệu vào trong áo khoác và đi bộ về căn hộ của mình cách đó không xa trong thời gian khoảng 20 phút. Ở đó, khi cả khu nhà đều vắng lặng, kẻ phản bội sẽ không bị ai phát giác và có thể thản nhiên sử dụng chiếc máy ảnh Pentax, và sau này là những chiếc máy ảnh khác, tối tân hơn do CIA cung cấp để sao chụp lại những tài liệu quân sự tối mật.
Để hình ảnh có thể đọc được trong một không gian không được phép bật điện quá sáng của căn phòng, Tolkachev gắn chặt chiếc máy ảnh vào phía sau một chiếc ghế tựa, kéo ngọn đèn bàn lại gần và đặt những trang tài liệu cần chụp lên mặt ghế. Sau khi chụp lại toàn bộ tài liệu, Tolkachev sẽ đàng hoàng mang tài liệu trả lại cơ quan sau khi hết giờ ăn trưa. Cứ như vậy, Tolkachev đã tuồn cho CIA nhiều tài liệu quan trọng về các hệ thống radar và một số chương trình quốc phòng tối mật khác.
Một lần, sau khi chụp xong tài liệu mà quên không “dọn dẹp hiện trường”, chiếc máy ảnh đã bị vợ Tolkachev là Natasha nhìn thấy và người này hiểu ngay mục đích của chiếc máy ảnh cũng như những gì Tolkachev đang làm. Natasha đã yêu cầu Tolkachev dừng ngay việc làm của mình, nhưng kẻ phản bội đã không dừng lại ở đó, dù đã hứa với vợ. Tolkachev vẫn tiếp tục cung cấp thêm nhiều tài liệu tối mật cho CIA cho đến khi bị KGB phát hiện.
Pentax ME Super - một trong những chiếc máy ảnh Tolkachev dùng để chụp trộm tài liệu. Ảnh: Getty Images |
Táo tợn hơn, đã có lần Tolkachev còn lợi dụng chỉ 5 phút buổi sáng để chụp tài liệu nhằm thực hiện dã tâm phá hoại của mình. Theo nội dung những bức điện đã giải mật của cụm tình báo Moscow gửi về tổng hành dinh CIA, Tolkachev đã liều lĩnh khai thác một thói quen làm việc của nhân viên ở đây. Cửa an ninh phòng thí nghiệm tại Phazotron mở ra vào lúc 7 giờ 30 sáng nhưng công việc chỉ chính thức bắt đầu từ 8 giờ. Trong khoảng thời gian 5 phút sau khi cửa an ninh mở ra, thường chưa có ai xuất hiện ở phòng thí nghiệm. Tolkachev đã 3 lần lẻn vào phòng thí nghiệm vào khung thời gian như vậy. Nhiều trang tài liệu đã bị kẻ phản bội chụp lại trong chỉ 15 phút sau 3 lần đột nhập đó. Có thể thấy, những câu chuyện trong cuộc “so găng tình báo” thời Chiến tranh Lạnh cho thấy an ninh ở nước nào cũng rất chặt chẽ, nhưng kẽ hở thì luôn có nếu kẻ phản bội là chính đồng đội của mình. Tolkachev là một điển hình như vậy khi phản bội lại những đồng đội đang nỗ lực nghiên cứu, phát triển các chương trình nhằm phục vụ công cuộc tăng cường tiềm lực quốc phòng quốc gia.
Phá hoại khôn lường
Trong suốt thời gian 6 năm phá hoại nhà nước Xô viết, Adolf Tolkachev đã gặp các đặc vụ CIA của cụm tình báo Moscow 21 lần, chuyển nhiều tài liệu mật, trong đó có những lần Tolkachev chuyển tới 179 cuộn phim một lúc cho CIA. Đổi lại, Tolkachev đòi CIA phải trả tiền cho bản thân và mua những vật dụng khác cho con trai mình.
Trong hơn 900 tài liệu giải mật của CIA về Adolf Tolkachev, Cụm trưởng cụm tình báo Moscow Hathaway đã đánh giá về sức phá hoại từ những thông tin tình báo bị Tolkachev rò rỉ cho phía Mỹ như sau: Ngay cả khi Tolkachev không còn bán thông tin cho CIA nữa, hay thậm chí có thể rời khỏi Liên Xô thì “Những thông tin do Tolkachev đem lại vẫn sẽ còn giá trị trong ít nhất là 8 đến 10 năm nữa.” Đó là bởi thông tin về những hệ thống vũ khí mà Tolkachev đã bán đứng Liên Xô để gửi cho CIA khi đó mới chỉ bắt đầu được đưa vào biên chế trong nước hoặc mới đang chỉ là bản vẽ và sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Nếu Tolkachev còn có thể tiếp tục bán thông tin cho CIA thì hậu quả phá hoại của điệp viên này là không thể đo lường.
Điện tín cụm tình báo Moscow gửi về tổng hành dinh CIA thông báo Hathaway đã nhận 179 cuộn phim chụp các tài liệu mật từ Tolkachev. Ảnh: Washington Post |
Khi được Hathaway yêu cầu đánh giá về giá trị thông tin tình báo, các quan chức Không quân Mỹ ước tính chỉ tại một thời điểm trong chiến dịch điệp báo Tolkachev mang bí danh CKSPHERE, kẻ phản bội này đã giúp Mỹ tiết kiệm được ít nhất 2 tỷ USD chi phí cho nghiên cứu và phát triển vũ khí. Đó là giá trị tạm tính ở một thời điểm của thập niên 1980 và chưa tính tới 179 cuộn phim chụp các tài liệu mật Hathaway mới nhận và CIA chưa kịp xử lý vào thời điểm đó. Trên thực tế CIA trả cho Tolkachev hàng triệu USD nhưng lại thu lợi tới hàng tỷ USD. Sự phản bội của Tolkachev đáng giá hàng tỷ USD, cả về giá trị cho bên sử dụng cũng như mức độ phá hoại của nó cho bên bị đánh cắp thông tin.
Đầu năm 1983, KGB đã nhận biết có sự lộ lọt thông tin mật từ Phazotron và một cuộc điều tra lớn đã được tiến hành. Đối tượng bị điều tra gồm các nhân viên tại Phazotron có quyền truy cập thông tin mật. Tolkachev và CIA tạm dừng “giao dịch” trong một thời gian dài sau đó, rút vào ngủ đông.
(còn nữa)
HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ The Washington Post, The Atlantic, Russia Beyond, sách “The billion Dollar Spy: A True Story of Cold War Espionage and Betrayal”)