Hồ sơ mật: Điệp viên Mossad và hành trình truy lùng “đồ tể Riga” – Phần 3 (phần cuối)

06/11/2022 10:59

Rất khó để những kẻ từng gây tội ác trong Chiến tranh thế giới thứ hai với người Do Thái thoát được sự truy lùng của các điệp viên Mossad. “Đồ tể Riga” cũng không là ngoại lệ.

Khi nhận lệnh, Meidad nhất quyết đòi được thực hiện nhiệm vụ ở Brazil mà không có người hỗ trợ hoặc kế hoạch B và Mossad đã chấp nhận điều này.

Có lẽ Meidad thực sự thích thú với cuộc đối đầu một mất một còn này và xem nó là một bài kiểm tra cho tất cả những gì mình đã từng làm với vai trò là một điệp viên Mossad. Meidad muốn vượt qua Cukurs và tự mình hạ gục “đồ tể Riga”, một mục tiêu khó nhằn, không chỉ khỏe mạnh, thông minh mà còn có thể đoán trước được những gì một điệp viên Mossad sẽ làm.

Cuộc gặp gỡ giữa vị “doanh nhân” bận rộn và Cukurs là định mệnh. Hai con người tồn tại trong cùng một thời điểm lịch sử khủng khiếp, thuộc về hai chiến tuyến. Giờ đây họ phải gặp nhau. Trong vai doanh nhân Anton, Meidad - được các điệp viên Mossad mô tả là “người đàn ông có hàng trăm danh tính”, phải thiết lập quan hệ và xây dựng tình bạn với một trong những kẻ thực hiện thảm họa diệt chủng đối với người Do Thái, thảm họa đã gây ra cái chết cho chính cha mẹ mình. Có thể nói lịch sử đớn đau của Chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa họ đến với nhau và hồi kết cũng không hề nhẹ nhàng đang đợi họ ở phía trước. Chỉ có điều là liệu công lý có được thực thi hay không?

Người Do Thái, nạn nhân của Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh: Times of Israel

Đối tác tin cậy

Trên đường tới trang trại, cả hai cuốc bộ qua đoạn rừng vắng. Đột nhiên Anton trượt chân giẫm mạnh vào một tảng đá, một chiếc đinh trong ủng tuột ra cắm vào chân ông khiến máu ứa ra. Vị doanh nhân cúi xuống gỡ giày ra khỏi chân mình. Cukurs cúi người và rút khẩu súng ngắn. Ở tư thế này, Anton hoàn toàn không thể phòng thủ trước đòn tấn công nào.

Nhưng lại thêm một bất ngờ nữa. Cukurs trao súng cho Anton, bảo: “Lấy báng súng mà đóng cái đinh ấy xuống”. Vậy là bây giờ súng nằm trong tay Anton, con mồi và thợ săn lại đổi vai cho nhau. Cơ hội cực tốt để Anton hoàn thành nhiệm vụ của mình – trừ khử Cukurs. Thế nhưng vị doanh nhân chỉ lấy báng súng đóng chiếc đinh rồi trả lại súng cho chủ nhân của nó. Vì sao Anton không chỉ đơn giản siết cò? Vì mục tiêu của chiến dịch là trừ khử tội phạm chiến tranh với lời tuyên án, công khai thì càng tốt. Rừng sâu không phải nơi thích hợp cho việc ấy.

Đêm ấy cả Anton và Cukurs ăn và ngủ ở trang trại của “đồ tể Riga”. Dù lo lắng và căng thẳng vì phải cảnh giác, không có chuyện gì xảy ra với Anton. Chuyến đi đã xóa bỏ được phần lớn sự nghi ngờ của Cukurs.

Tuần sau đó, trái ngược với những thứ ở căn lều lụp xụp trong trang trại của Cukurs, Anton đưa ông ta tới đủ các nhà hàng sang trọng, các quán bar, các hộp đêm đẳng cấp. Vị doanh nhân nhận thấy ánh mắt thèm khát của Cukurs với những thứ mà đã lâu lắm nằm ngoài tầm với của mình. Gã được hưởng tất cả những thứ đó khi cùng Anton lên nhiều chuyến bay nội địa để khảo sát những điểm du lịch chính của Brazil. Không dừng ở đó, vị doanh nhân người Áo còn đề nghị Cukurs cùng đến Montevideo để tìm văn phòng cho trung tâm kinh doanh tại Nam Mỹ. Cukurs sẽ vừa là đối tác, vừa là phiên dịch cho Anton.

Kể từ đây thái độ của Cukurs với Anton đã khác hẳn, vị doanh nhân còn được mời về nhà riêng dự bữa tiệc chia tay với cả gia đình Cukurs trước khi bay sang Montevideo. Cukurs bay đến sau Anton vài ngày. Sự hào phóng, thái độ chuyên nghiệp của một doanh nhân, địa chỉ hòm thư tại Rotterdam mà Anton trao cho Cukurs để liên lạc đã thuyết phục được “đồ tể Riga”.

Hertberts Cukurs sau khi thành chuyến bay đường dài năm 1937. Ảnh: The Guardian

Diễn biến bất ngờ

Ngày 31-12-1964, Anton gửi thư chúc mừng năm mới tới gia đình Cukurs và đề nghị ông ta xin visa tới Uruguay và Chile. Kể từ khi ấy, ngày nào một đồng nghiệp của Anton cũng kiểm tra hòm thư tại Rotterdam. Khi nhận được hồi đáp, nhóm đặc vụ lập tức bắt tay vào thực hiện kế hoạch.

Ngày 28-1-1965, Anton bay tới Buenos Aires nhưng có một thời gian quá cảnh ở Sao Paulo. Khi ra sảnh đón, Anton thật bất ngờ khi một máy ảnh chĩa vào mình và chụp nhiều kiểu; người cầm máy ảnh chính là Cukurs. Có lẽ trong ba tháng không gặp nhau, bản năng của kẻ trốn chạy đã trỗi dậy, Cukurs vừa muốn ghi hình, vừa muốn cảnh báo người mà ông ta nghi có thể tham gia âm mưu sát hại mình.

Khi nói chuyện, Cukurs cho biết ông ta chưa có visa. Ngay lập tức ông ta bị vị doanh nhân người Áo khiển trách vì thái độ không chuyên nghiệp. Vị doanh nhân cảnh báo: Nếu không để ông và các đối tác lãng phí thời gian và tiền bạc, Cukurs phải có mặt tại Montevideo sau đó vài tuần. Trước thái độ kiên quyết của Anton, Cukurs xin lỗi và hứa sẽ làm thủ tục xin visa.

Buộc phải bám vào vị doanh nhân Áo, Cukurs vẫn không hết nghi ngờ. Ông ta quyết định mang theo súng tới Uruguay. Trước khi lên đường, Cukurs trao cho vợ cuốn phim chụp Anton kèm theo lời dặn: “Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, kẻ đó chính là thủ phạm”.

Đền tội

Khi Cukurs thông báo đã nhận visa, nhóm của Anton hối hả vào việc. Nhiều thành viên bay từ châu Âu tới Buenos Aires. Từ đây ông cùng một đồng đội bay tới Montevideo để tìm địa điểm hành động. Họ quyết định chọn một biệt thự nhỏ ở khu Carrasco trông ra biển. Đồng thời nhóm cũng tìm hiểu các thông tin liên quan và tính toán các tuyến đường, lên kế hoạch rút lui sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Cảnh sát phát hiện chiếc hòm đựng xác “đồ tể Riga” ở Montevideo năm 1965. Trước khi cho xác Cukurs vào chiếc hòm, các điệp viên Mossad đã để lại một bản tuyên án ký tên “Những người không bao giờ lãng quên”. Ảnh: Times of Israel

Ngày 23-2-1965, Anton đón Cukurs hạ cánh trên chuyến bay của hãng Air France. Sau khi chở Cukurs về nhận phòng khách sạn, Anton cùng ông ta theo nhân viên môi giới bất động sản đi xem 2 nơi có thể dùng làm văn phòng. Tuy nhiên vì giá quá cao, Anton hẹn sẽ liên hệ sau rồi rủ Cukurs đến xem nơi ông đã thuê làm văn phòng tạm thời. Mọi việc diễn ra hoàn toàn tự nhiên nên Cukurs theo xe để Anton chở đến căn biệt thự ở khu Carrasco.

Mở cửa căn biệt thự nhỏ, Anton bước thẳng vào trong. Khi Cukurs bước vào, cánh cửa lập tức đóng sầm lại và ba người đàn ông mặc quần lót nhảy bổ vào gã “đồ tể”. Họ ăn mặc như vậy để những bộ quần áo mặc khi tới đây không bị rách hay vấy máu, sẽ không gây nghi ngờ khi rời khỏi căn biệt thự.

Các điệp viên Mossad không ngờ Cukurs vẫn còn khỏe đến như vậy. Hắn chống cự quyết liệt và giật tung cả tay nắm cửa nhằm thoát ra ngoài, thậm chí còn kêu to. Để ngăn chặn tiếng hét của Cukurs khiến cánh thợ xây dựng gần đó nghe thấy, Joseph - một thành viên trong nhóm điệp viên Mossad - tìm cách bịt miệng hắn ta. Nhưng một cú cắn suýt làm đứt rời một ngón tay của Joseph. Thậm chí hai đòn bằng búa của Joseph cũng không thể khiến Cukurs chịu khuất phục để nghe lời tuyên án. Đó là lý do khiến Joseph rút súng và bắn hai phát vào đầu Cukurs, kết liễu tay đồ tể. Một bản án viết sẵn bằng tiếng Anh được ghim vào áo Cukurs, xác hắn được đưa vào một chiếc hòm trước khi nhóm điệp viên Mossad rời khỏi hiện trường và bay khỏi Uruguay.

Khi toàn bộ các điệp viên Mossad tham gia chiến dịch đã an toàn tuyệt đối, họ tìm cách liên hệ với hãng thông tấn AP và Reuters để thông báo về vụ hành quyết. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tới ngày 7-3-1965 cảnh sát địa phương mới tìm ra xác của Cukurs kèm theo bản tuyên án của “Những người không bao giờ lãng quên”. Từ đó tin tức về sự kiện này lan đi khắp thế giới, gia đình Herberts Cukurs cũng công bố tấm ảnh chụp Anton và đổ lỗi cho Mossad.

Bất chấp những tranh cãi, việc Cukurs bị săn lùng và hành quyết là một trong những lý do để năm 1969 Chính phủ Đức quyết định không áp dụng thời hạn đối với việc truy tố tội phạm chiến tranh. Vì vậy cho đến thế kỷ 21, vẫn có những kẻ phạm tội bị lôi ra ánh sáng và trả giá cho những hành động tàn ác của mình.

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ The Guardian, The Jerusalem Post, Times of Israel, Ynetnews)

Theo www.qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-diep-vien-mossad-va-hanh-trinh-truy-lung-do-te-riga-phan-3-phan-cuoi-709800
Copy Link
https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-diep-vien-mossad-va-hanh-trinh-truy-lung-do-te-riga-phan-3-phan-cuoi-709800
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hồ sơ mật: Điệp viên Mossad và hành trình truy lùng “đồ tể Riga” – Phần 3 (phần cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO